Hợp tác với nước ngoài, nhà hát Việt được gì?

(PLO) -Những năm qua, một số nhà hát kịch, chèo, tuồng đã kết hợp với các dự án nước ngoài mang tới những màu sắc mới, hơi thở mới cho sân khấu Việt Nam. Các diễn viên Việt hợp tác, học tập với đối tác nước ngoài được nâng cao trình độ. Bởi, các đối tác nước ngoài đòi hỏi rất khắt khe về kỹ thuật diễn xuất lẫn sự biểu cảm trên gương mặt.
Diễn viên Hàn, Việt trong vở kịch “Bến bờ xa lắc”
Diễn viên Hàn, Việt trong vở kịch “Bến bờ xa lắc”

Kịch, chèo, tuồng với các tác phẩm ngoại 

Nhà hát Tuổi Trẻ đã mang vở kịch tâm lý xã hội “Bến bờ xa lắc” tham dự Lễ hội giao lưu Văn hóa Hàn Quốc - Việt Nam 2017 diễn ra tại thành phố Incheon - Hàn Quốc trong tháng 9/2017 vừa qua. Vở kịch do Nhà hát Tuổi Trẻ hợp tác với Đoàn kịch Jiegum - Hàn Quốc trình diễn. Vở kịch “Bến bờ xa lắc” (tác giả: Lê Thu Hạnh; Đạo diễn phiên bản tiếng Việt: NSND Xuân Huyền; Đạo diễn phiên bản tiếng Hàn: Lee Eun Son) với hai phiên bản dàn dựng khác nhau bằng tiếng Hàn và tiếng Việt. Vở kịch nhận được sự yêu mến và cổ vũ của đông đảo khán giả Hàn Quốc và Việt Nam.

Những năm qua, một số nhà hát kịch, chèo, tuồng đã kết hợp với các dự án nước ngoài để nâng cao chất lượng, mở rộng khán giả và giới thiệu các tác phẩm nổi tiếng đến với khán giả trong và ngoài nước. Vở rối “Vịt trời trúng độc” của Nhà hát Tuổi Trẻ hợp tác với Nhà hát Múa rối Edo- Yukiza (Nhật Bản), NSND Lê Khanh và nghệ sĩ Thanh Bình trình diễn cùng con rối dây Nhật Bản, do các nghệ sĩ rối dây lâu năm của nhà hát thể hiện. Đạo diễn Sakate Yoji cho biết, đây là lần đầu tiên các nghệ sĩ thực hiện vở rối dây với các diễn viên Việt Nam.

Nhà hát Tuổi Trẻ còn phối hợp với Viện Goethe trình diễn “Vòng phấn Kavkaz” của nhà soạn kịch nổi tiếng Bertolt Brecht, do đạo diễn Dominic Guenther sang trực tiếp dàn dựng với các nghệ sĩ.  Năm 2015, Nhà hát phối hợp với Viện Goethe hợp tác với Nhà hát Thế hệ trẻ Dresden dàn dựng vở kịch thiếu nhi “Ông lão đánh cá và con cá vàng”, cũng qua bàn tay của đạo diễn Dominik Guenther. Vở diễn được thực hiện bằng cả tiếng Đức và tiếng Việt, ba buổi diễn tại Nhà hát đều thu hút đông khán giả. Sau khi diễn tại Việt Nam, các nghệ sĩ tiếp tục sang biểu diễn tại Dresden phục vụ khán giả Đức…

Cũng như Nhà hát Tuổi Trẻ, Nhà hát Kịch Việt Nam cũng hào hứng với các dự án nước ngoài. Nhà hát Kịch Việt Nam vừa có chuyến công tác tại Nhật Bản, theo lời mời của bà Sawako Shiga- Giám đốc Nhà hát Kịch Tokyo Engeki Ensemble. Sắp tới, hai nhà hát cùng thực hiện dự án dựng một vở kịch Nhật Bản do nghệ sỹ hai nước thực hiện. Dự kiến, dự án sẽ kéo dài trong 3 năm. Trước đó, tháng 9/2017, Nhà hát Kịch Việt Nam đã khởi công vở diễn “Hồng lâu mộng”- một trong bốn tác phẩm văn học cổ điển được cho là danh tiếng nhất của Trung Quốc. Biên kịch và đạo diễn là một nghệ sĩ Singapore, ông Chou Soo Pong - người có mối lương duyên kì lạ với “Hồng lâu mộng”. Ông kỳ vọng vở diễn này sẽ góp phần giới thiệu sân khấu kịch Việt Nam với thế giới.

Màu sắc mới cho các nhà hát

Không chỉ các nhà hát kịch, một số nhà hát chèo, tuồng cũng đã bắt tay với các dự án hợp tác quốc tế. Nhiều người thắc mắc nghệ thuật tuồng sẽ kết hợp với nước ngoài thế nào với vở diễn “Dưới bóng đa huyền thoại” do đạo diễn người Singapore - Chua Soo Pong? Vở diễn hợp tác quốc tế với mục đích đưa nghệ thuật tuồng đi xa hơn nên Nhà hát Tuồng Việt Nam đã mời ê kíp cộng tác uy tín và dạn dày kinh nghiệm tham gia.  Khán giả đã thích thú tán thưởng không ngớt với những trò, lối múa, đi đứng cách điệu “bê, xiên, lỉa, lăn” của tuồng.

Nhà hát Chèo Việt Nam đã kết hợp với đạo diễn Muller (Đức) để dàn dựng tác phẩm “Vòng phấn Kavkaz”- một trong những vở kịch nổi tiếng nhất của tác giả người Đức Bertolt Brecht. Đạo diễn Muller đã dùng nghệ thuật Chèo kết hợp với tính giả định, ước lệ trong sân khấu kịch bản của Đức để dàn dựng tác phẩm này. Sau khi được trình diễn tại Việt Nam và Đức, vở diễn được đánh giá là sự giao thoa văn hóa thành công.

Những vở kịch, vở chèo, tuồng có xu hướng “ngoại lai” sẽ mang tới những màu sắc mới, hơi thở mới cho sân khấu Việt Nam. Hơn nữa, các nhà hát hợp tác với dự án quốc tế rất có lợi. Theo ông Trương Nhuận, nguyên Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ nhẩm tính, về chi phí cho đào tạo, có thể nói Nhà hát Tuổi Trẻ đã hưởng lợi tới hơn nửa triệu USD. Các diễn viên được hợp tác, học tập với đối tác nước ngoài được nâng cao trình độ. Các đối tác nước ngoài đòi hỏi rất khắt khe về kỹ thuật diễn xuất lẫn sự biểu cảm trên gương mặt khiến các diễn viên phải làm việc nghiêm túc. Ví như vở kịch “Tất cả đều là con tôi”, mỗi nhân vật trong vở kịch đều do hai nghệ sĩ đảm nhiệm. Trong suốt năm tuần luyện tập liên tục (2 buổi/ngày) đạo diễn, các trợ lý sẽ trực tiếp chọn ra người xuất sắc hơn để tham gia công diễn. Ngoài ra, các nhà hát được hỗ trợ những phương tiện kỹ thuật về âm thanh, ánh sáng được nâng lên. Và đặc biệt, các tác phẩm nghệ thuật được giới thiệu tại sân khấu tại nước ngoài.   

NSƯT Thanh Ngoan - Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam cho rằng: “Khi hợp tác với các dự án nước ngoài, sử dụng tác phẩm của họ, những nhà hát học được kinh nghiệm, văn hóa của họ và ngược lại, họ cũng hiểu hơn về văn hóa nghệ thuật của Việt Nam”. 

Đọc thêm