HOSE: Các công ty chứng khoán duy trì tăng trưởng số lượng khách hàng

Chiều 5/1, Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) đã công bố tốp 10 công ty chứng khoán có thị phần môi giới cổ phiếu và chứng chỉ quỹ lớn nhất năm 2018 và quý 4/2018.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Với bảng xếp hạng lần này, Công ty cổ phần Chứng khoán SSI đã chính thức có 5 năm liên tiếp đứng đầu danh sách thị phần cả năm là 18,7%. 

Tiếp theo có thể kể đến các doanh nghiệp trong tốp 10 công ty chứng khoán có thị phần môi giới cổ phiếu và chứng chỉ quỹ lớn nhất năm 2018, gồm HSC với thị phần 11,24%, VCSC 10,95%, VND 7,32%, MBS 5,63%, SHS 4,02%, FPTS 3,334%, BVSC 2,99% và BSC 2,83%.

Mặc dù bối cảnh chung của thị trường trong năm 2018 còn nhiều khó khăn nhưng với tiềm lực và uy tín sẵn có, cùng sự tin tưởng của các nhà đầu tư, các công ty chứng khoán vẫn ghi nhận được sự tăng trưởng về số lượng khách hàng.

Cụ thể, từ đầu năm đến nay, thị trường chứng khoán Việt Nam đã qua nhiều giai đoạn thăng trầm khi tăng mạnh trong hơn bốn tháng đầu năm 2018, với VN-Index đã vượt đỉnh lịch sử và xác lập mức kỷ lục 1.211 điểm ngày 10/4/2018. Tuy nhiên, cũng từ mức đỉnh mới này, chỉ trong tám tháng sau đó, chứng khoán Việt Nam giảm điểm mạnh và trở thành thị trường giảm sâu thứ 9 trên thế giới. 

Kết thúc phiên giao dịch cuối năm 2018, VN-Index dừng ở mốc 892,54 điểm; giảm 91,7 điểm - tương đương mức giảm 9,32% so với cuối năm 2017. Chính vì vậy, các chuyên gia đánh giá thị trường chứng khoán “lạc nhịp” trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất 10 năm xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan như tình trạng căng thẳng của cuộc chiến thương mại giữa Mỹ-Trung, cũng như xu hướng tăng tốc bình thường hóa lãi suất của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu. 

Theo các chuyên gia, điểm sáng của thị trường chứng khoán Việt Nam có thể kể đến chính là quy mô và thanh khoản thị trường tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ. Đơn cử, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt gần 3,9 triệu tỷ đồng, tăng 10,6% so với năm 2017, tương đương với 70,2% GDP năm 2018. Đồng thời, đây cũng là mức vượt chỉ tiêu 70% GDP đề ra tại Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2011-2020. 

Ngoài ra, giá trị giao dịch cổ phiếu bình quân đạt 6.500 tỷ đồng/phiên, tăng 29% so với năm 2017. Đặc biệt, vốn đầu tư gián tiếp của nước ngoài vẫn vào ròng đạt 2,8 tỷ USD, cơ bản bằng mức kỷ lục 2,9 tỷ USD của năm 2017. Giá trị danh mục của nhà đầu tư nước ngoài ước đạt trên 32,8 tỷ USD. 

Dự báo trong năm 2019 và những năm tiếp theo, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ còn có nhiều thay đổi mạnh mẽ, nhất là khi mục tiêu nâng hạng đã trở nên rất rõ ràng; trong đó, có thể kể đến một quy luật tất yếu, sự vận động của thị trường cũng sẽ khiến cuộc đua giữa các công ty chứng khoán trong việc giành được niềm tin yêu từ khách hàng sẽ ngày càng trở nên khốc liệt hơn. 

Vì vậy, các công ty chứng khoán ngày nay đều đã ý thức hơn trong việc bồi dưỡng chất lượng nhân sự, chất lượng dịch vụ, chất lượng báo cáo. Ngoài ra tiếp tục tập trung vào chiến lược phát triển bền vững, dài hạn bằng việc mở rộng nhiều phân nhóm khách hành, đa đang hóa sản phẩm dịch vụ phù hợp với từng phân nhóm.

Đọc thêm