Hướng dẫn biện pháp phòng cháy và thoát nạn với nhà ống, nhà cao tầng Hà Nội

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Để giảm thiểu rủi ro nếu có hỏa hoạn xảy ra đối với nhà ống, nhà cao tầng, Công an TP Hà Nội hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy, cách thoát nạn thoát hiểm.
Căn nhà 3 tầng tại phố Hạ Yên Quyết xảy ra cháy vào trưa 21/6. Ảnh: Cường Đoàn/Báo Vietnamnet
Căn nhà 3 tầng tại phố Hạ Yên Quyết xảy ra cháy vào trưa 21/6. Ảnh: Cường Đoàn/Báo Vietnamnet

Cụ thể, Công an TP Hà Nội khuyến cáo các biện pháp bảo đảm an toàn về phòng cháy:

Chủ hộ gia đình cần chủ động tìm hiểu để có kiến thức và kỹ năng cơ bản về PCCC. Chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về PCCC và CNCH. Lắp đặt các hệ thống, phương tiện, thiết bị PCCC đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn quy định. Đôn đốc, nhắc nhở thành viên trong hộ gia đình thực hiện quy định của Pháp luật về PCCC và nắm vững kiến thức cơ bản về PCCC, thoát nạn, cứu người trong đám cháy, sơ cứu ban đầu.

Đối với nhà ở gia đình, nhà dạng ống, nhà liền kề, chia lô, không sắp xếp vật dụng che chắn, cản trở lối thoát nạn; không lắp đặt biển quảng cáo, lồng sắt, lưới sắt tại các ban công của nhà; tầng sân thượng, mái cần bố trí thông thoáng và có lối lên từ tầng dưới qua các thang cố định và cửa đi, không khóa cửa lối lên mái, trường hợp cửa có khóa, cần quy định vị trí để chìa khóa trong nhà.

Đối với nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, chứa hàng hóa, chất nguy hiểm về cháy, nổ nên bố trí tách biệt với nơi ở, sinh hoạt; không sản xuất, kinh doanh chất, hàng hóa dễ cháy, nổ trong ngôi nhà (xăng, dầu, hóa chất dễ cháy, nổ…).

Sắp xếp vật dụng, hàng hóa, vật liệu dễ cháy ngăn nắp, gọn gàng, cách xa nơi phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt (như: tủ điện, ổ cắm điện…) tối thiểu 0,5m.

Không tích trữ, chứa xăng, dầu, khí đốt, chất lỏng dễ cháy ở trong nhà; trường hợp cần thiết thì chỉ nên dự trữ số lượng tối thiểu đáp ứng nhu cầu sử dụng trong thời gian ngắn và bảo quản nơi thông thoáng, cách xa nguồn lửa, nguồn nhiệt; không bảo quản, sử dụng chất khí, chất lỏng dễ cháy, nổ trong tầng hầm, cùng với khu vực có nhiều vật dụng, hàng hóa dễ cháy và trong phòng ngủ....

Ô tô, mô tô, xe gắn máy, máy phát điện và phương tiện khác có sử dụng xăng, dầu, chất lỏng dễ cháy cần để cách xa nơi đun nấu, nguồn lửa, nguồn nhiệt.

Các hộ gia đình cần quản lý chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt: Khi đun nấu, thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã…, sử dụng các thiết bị đốt nóng, sửa chữa, thi công, hàn cắt... (gây phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt) phải có người trông coi;

Thiết kế, lắp đặt bảo đảm đủ công suất cấp cho các thiết bị sử dụng, có thiết bị đóng, ngắt, bảo vệ (cầu dao, cầu chì, aptomat...) cho hệ thống điện chung toàn nhà, từng tầng, nhánh và thiết bị tiêu thụ điện có công suất lớn (điều hòa, bình nóng lạnh...), cầu dao, aptomat nên lắp đặt tại vị trí thuận tiện cho việc ngắt điện;

Không nên sử dụng nhiều thiết bị điện có công suất lớn vào cùng một ổ cắm; sạc điện thoại, máy tính, xe đạp điện, xe máy điện qua đêm; để thiết bị điện có sinh nhiệt trên vật dụng hoặc để gần các thiết bị, vật dụng dễ cháy; để vật liệu dễ cháy phủ lên dây dẫn, ổ cắm, cầu dao, các thiết bị điện…; không phơi, sấy quần, áo trực tiếp lên đèn, quạt sưởi, bếp điện, ấm điện... Trước khi đi ngủ hoặc ra khỏi nhà tắt các thiết bị điện không cần thiết.

Ngoài ra, các gia đình cần chuẩn bị phương án thoát nạn khi có cháy xảy ra. Đối với nhà có 1 lối thoát nạn, cần hướng dẫn bố trí thêm phương án thoát nạn thứ hai (có thể là cầu thang sắt ngoài nhà, ống tụt hoặc thang dây, dây thả chậm đặt tại ban công, lô gia, sân thượng; lối sang mái của nhà bên cạnh để thoát nạn trong trường hợp khẩn cấp).

Cần bố trí thêm lối ra khẩn cấp qua ban công, lô gia, cửa sổ (nghiên cứu tận dụng bố trí lối thoát nạn thứ 2 trên cửa sổ, mái nhà, qua ban công…) trường hợp lắp đặt lồng sắt, lưới sắt cần bố trí ô cửa để thoát nạn (kích thước khoảng 0,6mx0,6m)...

Hướng dẫn thoát nạn khi có cháy

Thành viên hộ gia đình cần nắm rõ, chủ động di chuyển ra lối ra thoát nạn tại tầng 1, lối ra khẩn cấp (lối ra thứ 2), vị trí để chìa khóa, dụng cụ phá dỡ trong nhà; tại khu vực sản xuất, kinh doanh, cần phổ biến cho người lao động, sinh sống trong nhà về nội quy, biện pháp thoát nạn, nhận biết chỉ dẫn thoát nạn (biển chỉ dẫn hay đèn chỉ dẫn thoát nạn), sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn để kịp thời thoát nạn, CNCH khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.

Khi phát hiện có cháy, nổ xảy ra, người dân cần bình tĩnh suy xét, hô hoán báo động cho tất cả các thành viên trong gia đình biết để mau chóng di chuyển ra ngoài qua lối thoát nạn an toàn hoặc qua lối lên mái, ban công, cửa sổ sang nhà bên cạnh hoặc thoát xuống bằng thang dây. Đồng thời gọi điện báo cháy ngay cho lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH theo số máy 114, hoặc sử dụng App BAOCHAY 114, báo cho Đội CS PCCC&CNCH - Công an quận Thanh Xuân qua số điện thoại 024.35510667 hoặc Công an phường gần nhất.

Trong quá trình di chuyển qua đám cháy nên dùng khăn thấm ướt che kín miệng, mũi và cúi thấp người, bò khom để tránh nguy cơ bị ngạt khói, men theo tường và di chuyển đến nơi an toàn.

Tuyệt đối không được núp trong phòng, nhà vệ sinh. Trường hợp cửa chính bị lửa bao trùm hãy nhanh chóng tìm và mở lối thoát nạn khác (lối thoát nạn thứ 2) qua ban công, cửa sổ, sân thượng sang nhà bên cạnh hoặc thoát xuống bằng thang dây hoặc bố trí lối thoát lên mái nếu mái nhà có kết cấu bằng các tấm lợp. Trường hợp, không còn lối thoát nào khác hãy dùng chăn thấm ướt, trùm kín người, cố gắng thoát qua đám cháy nhanh nhất có thể.

Trường hợp lối và đường thoát nạn bị nhiễm khói, lửa mà không thể thoát từ gian phòng ra ngoài theo lối cầu thang bộ, cửa chính; nhanh chóng sử dụng khăn vải, băng dính để chèn, dán kín vào khe cửa để ngăn khói, khí độc vào phòng đang ở, di chuyển ra ban công để báo hiệu cho lực lượng PCCC hỗ trợ biết, ứng cứu kịp thời. Tổ chức chữa cháy giai đoạn đầu, sử dụng phương tiện tại chỗ để chữa cháy và thoát nạn, cứu người, cứu tài sản, tùy theo tình huống cụ thể và trong khả năng xử lý.

Đọc thêm