Hướng dẫn viên du lịch đang làm mất khách nước ngoài

(PLO) - Hướng dẫn viên du lịch chính là “đại sứ” của chuyến đi. Thế nhưng do quá nhiều hướng dẫn viên hiện nay yếu nghiệp vụ, kém kiến thức nên khách đi tour về bực bội trong lòng. Đây cũng chính là một trong những lý do có tới quá nửa du khách nước ngoài “lắc đầu”, sẽ không trở lại Việt Nam lần thứ… hai.
Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Ảnh minh họa. Nguồn internet.
1001 lý do hướng dẫn viên bỏ rơi du khách
Vừa qua, đại diện Công ty Du lịch Văn hóa Việt đã phải xin lỗi và bồi thường cho đoàn khách do sự làm ăn cẩu thả của hướng dẫn viên (HDV) du lịch công ty này. Theo đó, HDV tên D. của Cty này đã biến chuyến du lịch của nhóm du khách từ TP.Hồ Chí Minh ra Hà Nội thành một chuyến đi không thoải mái và nhiều bất trắc. Trong đoàn có nhiều du khách lớn tuổi bị đau khớp, HDV không khuyến cáo chuyến đi chùa, đi động phải leo trèo nhiều mà bỏ mặc họ phải “bò” theo đoàn. 
Một tình huống suýt chết người đã xảy ra là khi xuống thuyền, tự ai nấy xuống mà thuyền thì mong manh, chòng chành, một chị khách người hơi mập vừa bước xuống thì thuyền bị nghiêng, chị bị rơi tõm xuống sông. May là ngay lúc đó anh chèo thuyền nhanh chóng nhảy xuống cứu nên chị thoát chết trong gang tấc. 
Điều đáng nói ở đây là trong suốt chuyến đi thuyền vào quần thể hang động Tràng An, tuyệt nhiên không có mặt HDV đi theo. HDV đã bỏ mặc khách nên khi gặp sự cố, đoàn du khách không biết kêu ai để giúp đỡ giải quyết.
Trước đó sáng 3/2, hơn 100 du khách quốc tế bị một Cty du lịch bỏ rơi ở Hạ Long. Các du khách này làm hợp đồng với Cty Lữ hành Khang Thái (có trụ sở ở Hà Nội) về việc đưa họ đi tham quan vịnh Hạ Long. Sau khi được đón từ Cửa khẩu quốc tế Móng Cái về đến Hạ Long thì bỗng người của công ty “biến mất” khiến những du khách này hoang mang. Lý do bỏ rơi khách là trong lúc chờ khách, HDV này đã…chạy về thăm nhà!
HDV làm mất lòng du khách không phải chuyện hy hữu trong ngành Du lịch Việt. Nhiều HDV không coi trọng hình ảnh của mình cũng như ngành Du lịch. Có rất nhiều người bị đoàn khách chê vì lý do HDV đó ăn mặc rất luộm thuộm, tóc tai bù xù, thậm chí người có mùi hôi; hoặc HDV không lo hướng dẫn cho khách mà chỉ lo đi shopping mua đồ cho mình, một tay xách cái này, một tay xách cái kia, vai mang túi.
Chỉ quan tâm tới tiền “hoa hồng” và tiền “bo”
Chủ tịch Hội Lữ hành Đà Nẵng Cao Trí Dũng khẳng định “không có cái nhìn phiến diện” nhưng cũng chỉ ra “cái phổ biến mà các công ty lữ hành gặp thường xuyên là 10 HDV thì có tới 6 - 7 người vì lợi ích cá nhân hơn là lợi ích điểm đến, lên xe là nghĩ cách làm sao đưa khách đi shopping (để hưởng hoa hồng của nơi bán hàng), làm sao optional tours (bắt tay với các điểm đến bán thêm tour ngoài chương trình để kiếm lợi riêng mà không báo về cho hãng lữ hành), làm sao kiếm tiền tips (tiền boa của khách sau khi kết thúc tour) cho nhiều chứ không phải làm sao giới thiệu được cái hay, cái đẹp của điểm đến”. Tình trạng này vô hình trung đẩy giá dịch vụ lên cao khiến du khách cảm thấy khó chịu do bị “chặt chém”, nhất là mua hàng chất lượng kém. 
Nhiều HDV còn không hiểu rõ về những địa danh mình dẫn khách đến. Có câu chuyện cười ra nước mắt là khi giới thiệu quần thể di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, một cậu HDV hùng hồn giới thiệu cho một đoàn du khách đến từ Tây Ba Nha: “Văn Miếu gắn với tên Quốc Tử Giám bởi đây là nơi chôn cất những quan thái giám triều đình”. Để chứng minh lời nói của mình, anh ta còn chỉ tay vào những tấm bia Tiến sĩ và nói: “Đây là bia của quan thái giám!!!”. Một người trong đoàn đã từng đến đây “đốp” lại “Đó là bia Tiến sĩ” khiến cậu HDV tái mặt, lảng sang chuyện khác.  
Nhiều du khách phản ánh, mang tiếng là có HDV đi cùng nhưng hỏi cái gì họ cũng trả lời qua loa, đại khái. Thậm chí, khi khách hỏi về địa chỉ quán ăn, nhà hàng nào ngon tại điểm đến để khám phá thì HDV lại “mù tịt”. Nhiều HDV “được” ngoại ngữ thì lại “trống” hoàn toàn về nghiệp vụ. 
Một cuộc khảo sát khoảng 20 đơn vị trong ngành Du lịch tại TP.HCM có sử dụng nhân viên tốt nghiệp từ các trường  đào tạo du lịch cho thấy gần như 100% phải đào tạo lại. Có một thực tế, ngành Du lịch chỉ quản lý về tiêu chuẩn, điều kiện để cấp phép, còn định hướng, tập hợp HDV sinh hoạt... thì các công ty lữ hành “tự lo”. Tuy nhiên, doanh nghiệp du lịch ít tuyển HDV mà chủ yếu là sử dụng HDV tự do nên HDV không biết phải tự đào tạo như thế nào.
HDV chính là “đại sứ” của chuyến đi, thế nhưng do quá nhiều HDV hiện nay yếu nghiệp vụ, kém kiến thức khiến khách đi tour về chỉ thấy bực bội đọng lại trong lòng. Đây cũng chính là một trong những lý do có 80-90% du khách nước ngoài “lắc đầu”, sẽ không trở lại Việt Nam lần thứ… hai! Đáng buồn thay.

Đọc thêm