Hướng dòng vốn vào khu vực sản xuất để kiểm soát lạm phát

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Xung đột Nga - Ukraine đang đẩy giá xăng dầu lên cao làm dấy lên mối lo lạm phát, trong đó có Việt Nam. Trong bối cảnh dư địa chính sách tiền tệ không còn nhiều, nhóm nghiên cứu Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đề xuất cần hướng dòng tín dụng vào khu vực sản xuất và nền kinh tế thực nhằm kiểm soát lạm phát.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Rủi ro lạm phát

Với chủ đề “Kinh tế Việt Nam năm 2021 và triển vọng năm 2022: Ổn định kinh tế vĩ mô và lành mạnh tài chính trong bối cảnh đại dịch COVID-19”, ngày 25/4, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU) đã tổ chức Hội thảo và công bố ấn phẩm Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2021. Sự kiện do NEU phối hợp cùng Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức.

Theo GS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng NEU, đồng chủ biên ấn phẩm vừa được công bố, tăng trưởng kinh tế năm 2021 ở dưới mức tiềm năng, khả năng năm nay có thể đạt mục tiêu tăng trường 6 - 6,5%, khi tình hình dịch bệnh COVID-19 đang dần được kiểm soát, tỷ lệ tiêm vaccine đặt ở mức cao. Ngoài ra, kỳ họp bất thường của Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ chương trình phục hồi kinh tế và phát triển kinh tế - xã hội.

Năm 2022, tăng trưởng kinh tế Việt Nam kinh tế Việt Nam được nhận định là vẫn đang đối diện với nhiều rủi ro bất ổn vĩ mô và bất ổn tài chính, khiến cho quá trình ứng phó với đại dịch và hồi phục kinh tế trở nên khó khăn. Đặc biệt, theo GS Chương, “bài toán” khó nhất hiện nay là kiểm soát lạm phát.

“Xung đột Nga - Ukraine đã đẩy giá xăng dầu lên cao tác động đến lạm phát. Một trong các giải pháp là tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát, nhưng trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam không làm được vì dư địa chính sách tiền tệ không nhiều” - lời GS Chương.

Theo PGS.TS Tô Trung Thành, diễn biến giá dầu tăng cao trong những tháng đầu năm 2022 đặt ra thêm những thách thức rất lớn đến kinh tế. Cho đến ngày 11/3/2022, trung bình giá xăng dầu tăng 45,2% so năm 2021 và nếu theo Dự thảo giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu thì giá xăng dầu tăng 41%.

“Cả hai tình huống này đều ảnh hưởng mạnh đến CPI và GDP. Cụ thể, ảnh hưởng trực tiếp tức thời đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,5-0,6%, chỉ số giá sản xuất (PPI) tăng khoảng 2,2-2,34% và ở chu kỳ sản xuất tiếp theo, GDP có thể giảm khoảng 7,3-8% so với kịch bản không tăng giá xăng dầu…” - ông Thành phân tích.

Nói về triển vọng 2022, ông Francois Painchaud - Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam cho rằng, tăng trưởng GDP của thế giới sẽ chậm lại trong khi lạm phát tăng cao. “Hiện tại, vấn đề lạm phát đang là mối quan tâm của nhiều quốc gia, đặc biệt các nền kinh tế phát triển như Hoa Kỳ, châu Âu, lạm phát đã tăng cao trong 40 năm trở lại đây…” - đại diện IMF chia sẻ.

Đề xuất hướng dòng vốn vào sản xuất

Theo nhận định của các chuyên gia NEU, mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% tuy có thể đạt được nhưng không dễ dàng so với mục tiêu tăng trưởng 6-6,5%. Vậy giải pháp nào kiểm soát lạm phát trong khi dư địa chính sách tiền tệ không còn?

Theo nghiên cứu của nhóm tác giả, dòng vốn đổ vào thị trường bất động sản (BĐS) đang có dấu hiệu đáng lưu ý. Đó là tốc độ tăng trưởng tín dụng BĐS lên tới 17,14% (cao hơn bình quân toàn hệ thống). Dư nợ tín dụng vào BĐS chiếm khoảng 20,11% dư nợ toàn hệ thống (thuộc những ngành kinh tế có tỷ trọng nợ lớn nhất). Không những thế, vốn vào BĐS còn được hỗ trợ từ trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) khi vốn huy động từ TPCP chiếm 46% tổng nợ vay của các DN BĐS.

Thực tế cho thấy, BĐS là ngành phát hành nhiều TPDN nhất với hơn 40% lượng TPDN phát hành, tăng hơn 60%. Không chỉ quy mô phát hành, TPDN BĐS có lãi suất cao nhất, thậm chí 12-13% mỗi năm do khó tiếp cận tín dụng ngân hàng. Đáng ngại, 29% giá trị TPDN không có tài sản đảm bảo hoặc bảo đảm bằng cổ phiếu nên mức độ rủi ro rất lớn, đặc biệt, 80% giá trị TPDN phát hành thuộc về các DN chưa niêm yết, có "sức khỏe" tài chính ở mức rất yếu.

Vì vậy, nhóm nghiên cứu đề xuất, chính sách tiền tệ cần chú trọng vào việc hướng chuyển các dòng vốn tín dụng vào các khu vực sản xuất và nền kinh tế thực, kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng “nóng” ở các thị trường tài sản.

“Các chính sách cần tập trung hướng đến làm thế nào để hồi phục và phát triển nền kinh tế một cách bền vững trong bối cảnh “sống chung với COVID-19”; cần đảm bảo cân bằng bên trong của nền kinh tế thì sản lượng cần được duy trì gần mức tiềm năng; cần thực hiện các chính sách tài khóa và tiền tệ hướng về tổng cầu trong ngắn hạn để đẩy nền kinh tế quay trở lại vị trí tiềm năng. Tuy nhiên, chính sách cần được nới lỏng một cách thận trọng để tránh gây rủi ro bất ổn kinh tế vĩ mô” - PGS.TS Tô Trung Thành lưu ý.

Trong bối cảnh dư địa chính sách dần thu hẹp, nhóm nghiên cứu đề xuất các chính sách cần hướng nguồn lực ưu tiên đến khu vực DN, tạo điều kiện cho khu vực DN phục hồi và phát triển trong đại dịch; đặc biệt là những DN có ảnh hưởng lan tỏa lớn đến nền kinh tế.

Về chính sách tài khoá cần mở rộng chi tiêu, chấp nhận bội chi cao, ưu tiên cho tăng trưởng. Đây là chính sách hỗ trợ quan trọng nhất. Gia tăng hỗ trợ tài khóa 5-6% GDP trong ít nhất 2-3 năm.

“Chính sách hiệu quả chỉ khi chi tiêu đầu tư công hiệu quả. Hiệu quả chi tiêu công sẽ là nhân tố quyết định bền vững nợ công. Cần cải cách thể chế đầu tư công, nâng cao hiệu quả đầu tư công. Đảm bảo giải ngân nhanh chóng nhưng phải có hiệu quả, tránh lãng phí, thất thoát, tham nhũng…” - Đại diện nhóm nghiên cứu lưu ý.

Đọc thêm