Hướng tới đạt thỏa thuận toàn cầu về rác thải nhựa

(PLVN) - Việt Nam sẽ tham gia vào cuộc đàm phán toàn cầu về ô nhiễm nhựa sẽ diễn ra tại Phiên họp thứ 5 (INC-5), từ 24/11 đến 1/12/2024 ở Busan, Hàn Quốc. Khi được thực thi, Thỏa thuận này có thể tác động mạnh mẽ đến kinh tế - xã hội, thúc đẩy một “cuộc cách mạng” trong sản xuất, tiêu dùng và quản lý rác thải nhựa trên toàn cầu.
Sự bền vững của môi trường và hệ sinh thái biển đang đứng trước mối đe dọa to lớn từ ô nhiễm nhựa. (Ảnh minh họa. Nguồn: Bộ CT)

“Cuộc cách mạng” chống ô nhiễm nhựa

Việt Nam đang nỗ lực hướng tới đạt được Thỏa thuận toàn cầu về rác thải nhựa thông qua các biện pháp cụ thể. Thỏa thuận toàn cầu về rác thải nhựa mang đến cơ hội lớn để Việt Nam không chỉ góp phần vào nỗ lực quốc tế mà còn cải thiện môi trường trong nước và xây dựng nền kinh tế tuần hoàn. Để đạt được điều này, Việt Nam cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức quốc tế, bảo đảm sự sẵn sàng về cả nguồn lực tài chính và kỹ thuật, cũng như các chính sách hỗ trợ phù hợp cho doanh nghiệp và cộng đồng.

INC-5 là cơ hội để Việt Nam khẳng định vai trò tiên phong trong khu vực, đồng thời góp phần xây dựng hình ảnh quốc gia đi đầu trong cuộc chiến chống ô nhiễm nhựa, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Để việc đàm phán đạt hiệu quả, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) đề nghị các quốc gia thống nhất danh sách các sản phẩm nhựa và hóa chất độc hại cần bị cấm, tập trung vào những sản phẩm gây nguy hại nghiêm trọng đến sức khỏe và môi trường. Thỏa thuận cần thiết lập các tiêu chuẩn thiết kế sản phẩm mang tính bền vững, giúp bảo đảm tính tái sử dụng và tái chế. Điều này sẽ thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn và khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới trong sản xuất.

Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) cho rằng Việt Nam cần tham gia Thỏa thuận toàn cầu phù hợp với các ưu tiên quốc gia, bao gồm cam kết hạn chế sản xuất nhựa nguyên sinh và kiểm soát hóa chất độc hại, cũng như thiết lập các cơ chế thuế và phí hợp lý. Các biện pháp cấm nhựa dùng một lần và hạn chế sản xuất nhựa có thể ảnh hưởng tới nền kinh tế, xã hội và môi trường. Vì vậy, Việt Nam cần bảo đảm sự sẵn sàng của các doanh nghiệp và ngành công nghiệp nhựa, một lĩnh vực trị giá 25 tỷ USD, để thích ứng với Thỏa thuận này.

Việt Nam cần đàm phán để Thỏa thuận bảo đảm hỗ trợ tài chính, kỹ thuật và xây dựng năng lực cho các nước đang phát triển. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các đối tượng dễ bị tổn thương như lực lượng lao động phi chính thức, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Điều đáng chú ý nhất là thách thức về điều chỉnh chính sách nội địa. Để tuân thủ cam kết quốc tế, Việt Nam cần chuẩn bị cho việc sửa đổi các quy định pháp luật trong các lĩnh vực như thiết kế sản phẩm, kiểm soát hóa chất, quản lý chất thải và chính sách thuế và phí.

Hoàn thiện pháp luật để quản lý nhựa bền vững

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách nhằm quản lý, khai thác và bảo vệ tài nguyên môi trường biển, trong đó có Luật Tài nguyên, Môi trường biển và Hải đảo năm 2015, Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030. Các chính sách này đã đóng góp tích cực vào việc bảo vệ môi trường biển, tạo cơ sở pháp lý cho công tác quản lý và giảm thiểu rác thải nhựa.

Cùng với đó, hệ thống pháp luật liên quan đến quản lý rác thải nhựa cũng liên tục được hoàn thiện. Nhiều văn bản như Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Luật Thuế bảo vệ môi trường năm 2010, Luật Biển Việt Nam năm 2012 đã quy định chi tiết các khâu từ sản xuất, nhập khẩu đến quản lý chất thải nhựa. Những chính sách này giúp nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các nhà sản xuất cũng như người dân trong việc xử lý rác thải nhựa.

Tuy nhiên, công tác quản lý rác thải nhựa vẫn còn nhiều khó khăn. Phần lớn rác thải sinh hoạt vẫn chưa được phân loại tại nguồn, gây cản trở cho quá trình xử lý và tái chế. Hiện nay, Việt Nam vẫn thiếu cơ chế tài chính rõ ràng cho công tác quản lý rác thải nhựa. Bộ Tài chính đang trong quá trình rà soát và hoàn thiện chính sách tài chính nhằm hỗ trợ các hoạt động này.

Ngoài ra, mặc dù đã có quy định về việc giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, nhưng các chế định này vẫn chưa được áp dụng rõ ràng, đặc biệt trong việc kiểm soát đầu tư vào các dự án sản xuất sản phẩm nhựa khó phân hủy. Các làng nghề sản xuất túi nilon và sản phẩm nhựa giá rẻ hiện chưa được quản lý chặt chẽ và sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ra lượng phát thải chất thải nhựa thứ cấp lớn ra môi trường.

Để giải quyết những thách thức này, đồng thời hướng tới thực thi Thỏa thuận toàn cầu về rác thải nhựa sau khi đàm phán thành công, việc hoàn thiện cơ chế chính sách và quy định pháp luật về quản lý rác thải nhựa sẽ rất cần thiết. Việt Nam đang rất cần các biện pháp quản lý bền vững, bao gồm việc phân loại rác tại nguồn, phát triển cơ chế tài chính hỗ trợ quản lý rác thải và kiểm soát chặt chẽ các hoạt động sản xuất nhựa dùng một lần. Chỉ khi có các quy định pháp luật mạnh mẽ và đồng bộ, công tác quản lý rác thải nhựa mới có thể phát huy hiệu quả, góp phần vào mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.

Đọc thêm