Hướng tới Kỷ niệm 100 năm Báo chí cách mạng Việt Nam: Bài 2 - Thư ký thời đại trung thành trong dặm dài lịch sử

(PLVN) - Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam đầu năm 1930 là bước ngoặt có ý nghĩa lịch sử trong sự phát triển của cách mạng Việt Nam nói chung, báo chí cách mạng Việt Nam nói riêng. Từ đây, dưới sự lãnh đạo của Đảng, báo chí cách mạng Việt Nam đã chung sức, đồng lòng, lấy “ngòi bút là vũ khí sắc bén”, đóng góp vào sự nghiệp cách mạng lớn lao của dân tộc.
Bác Hồ và các nhà báo tại Đại hội lần thứ II Hội Nhà báo Việt Nam, ngày 16/4/1959. (Ảnh Tư liệu)
Bác Hồ và các nhà báo tại Đại hội lần thứ II Hội Nhà báo Việt Nam, ngày 16/4/1959. (Ảnh Tư liệu)

Góp sức vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc

Nhờ có một đảng cách mạng, trong cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930 - 1931), dù xuất bản bí mật nhưng hưởng ứng lời kêu gọi của trung ương, báo chí của Đảng trong cả nước hướng về Nghệ Tĩnh, cổ vũ quần chúng đấu tranh, vạch mặt tội ác của đế quốc và tay sai. Tính chung từ năm 1930 đến giữa năm l936, có trên l60 tờ báo và tạp chí của trung ương và các địa phương. Một số tờ báo tiêu biểu thời kỳ này có thể kể đến như: tạp chí Đỏ, tạp chí Cộng sản, báo Tranh đấu, tạp chí Bôn - sê - vích,…

Đến những năm 1936 - 1939, tình hình quốc tế có nhiều chuyển biến, Đảng chủ trương đưa báo chí ra xuất bản công khai. Nhiều tờ báo viết bằng tiếng Pháp được xuất bản ở Hà Nội và Sài Gòn, nổi bật có tờ Dân chúng - cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng nhằm tuyên truyền lý luận, đường lối quan điểm, chính sách cách mạng của Đảng; cổ động và tổ chức quần chúng đấu tranh thực hiện các khẩu hiệu dân chủ và chống chiến tranh phát xít; đấu tranh chống bọn Trốt-kít;…

Tháng 5/1941, Đảng chỉ đạo hệ thống báo chí hoạt động nửa bí mật, nửa công khai. Tuyên truyền đường lối, chủ trương xây dựng Mặt trận Việt Minh, tập hợp lực lượng tiến tới Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền về tay Nhân dân. Tại các tỉnh, thành xuất hiện các tờ báo công khai như: Tiếng nói của chúng ta, Tin tức, Lao động, Giết giặc, Quyết chiến, Tiếng dân, Vì nước,... Trong đó, Cờ giải phóng và Cứu quốc (1942 - 1945) là hai tờ báo có nhiều cống hiến nhất vào việc tổ chức lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Sau đảo chính của phát xít Nhật ở Đông Dương (ngày 9/3/1945), thời cơ cách mạng giành chính quyền xuất hiện, hệ thống báo chí cách mạng từ Trung ương đến địa phương tập trung tuyên truyền, vận động Tổng khởi nghĩa trên phạm vi toàn quốc với khẩu hiệu: “Đánh Pháp, đuổi Nhật, giành chính quyền”. Nội dung nhật lệnh khởi nghĩa của Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc trước ngày 15/8/1945 đã được đăng trên các báo: Cờ giải phóng, Cứu quốc, Dân mới;... Với cách diễn đạt cô đọng, súc tích, giản dị có tranh minh họa sử dụng văn vần nhằm giúp mọi người dễ đọc, dễ hiểu. Hình thức thể hiện về nội dung cũng rất phong phú với các mục: xã luận, bình luận, thơ, ca dao, vè mang đậm chất cổ động, nội dung kêu gọi hành động giành chính quyền về tay Nhân dân. Bằng nhiều hình thức khác nhau trong tuyên truyền, có thể là báo chí viết bằng tay, báo in li tô, có thể báo viết và in trong tù ngục, lao đày… đã góp phần vào thành công của cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945.

Trong những năm đầu sau Cách mạng Tháng Tám 1945, báo chí có sự phát triển nhanh chóng, nhiều cơ quan báo chí ra đời bao gồm báo chí của Trung ương, báo của kỳ bộ, xứ ủy, báo của cấp tỉnh, thành phố; nội dung sinh động, thể loại đa dạng, phong phú, tích cực phục vụ nhiệm vụ bảo vệ chính quyền cách mạng còn non trẻ. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, hàng loạt cơ quan báo chí chuyển lên vùng chiến khu.

Trong suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, hệ thống báo chí đã bám sát thực tiễn, phục vụ kịp thời nhiệm vụ của cuộc kháng chiến. Với số đầu báo ít (năm 1952 chỉ có 52 tờ), nhưng báo chí cách mạng gần như vẫn bao quát được toàn bộ mọi đối tượng trong xã hội, coi việc phục vụ kháng chiến là quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ của mình. Nhận rõ sức mạnh của hệ thống đài phát thanh trong công tác tuyên truyền nên Đảng, Nhà nước cũng gấp rút cho ra đời Đài Tiếng nói Việt Nam. Trong giai đoạn này, một số tờ báo cách mạng tiêu biểu lần lượt ra đời, như: báo Nhân Dân (thay thế tờ Sự thật), báo Quân đội nhân dân, báo Văn nghệ,… và báo chí cách mạng xuất bản tại các địa phương.

Đặc biệt trong đó là tờ báo Quân đội nhân dân - tờ báo luôn thông tin kịp thời, theo sát tình hình chiến dịch. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, cùng với Báo Quân đội nhân dân tại hậu phương - tòa soạn đóng tại ATK Định Hóa, còn có tòa soạn báo Báo Quân đội nhân dân tổ chức xuất bản và phát hành báo ngay tại mặt trận Điện Biên Phủ đầy khói lửa.

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi, báo chí vừa làm nhiệm vụ tuyên truyền công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa đấu tranh chống đế quốc Mỹ và tay sai ở miền Nam nhằm mục đích thống nhất nước nhà. Để đáp ứng yêu cầu phát triển của công tác thông tin, tuyên truyền, ngày 7/9/1970, Đài Truyền hình Việt Nam ra đời. Hơn 20 năm trường kỳ kháng chống Mỹ cứu nước, báo chí cách mạng đã có sự đóng góp xứng đáng vào thắng lợi vẻ vang của dân tộc, mà đỉnh cao là đại thắng mùa Xuân năm 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất nước nhà, cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Báo chí cách mạng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Phóng viên tác nghiệp giữa mùa dịch Covid-19. (Ảnh: Xuân Thái)

Phóng viên tác nghiệp giữa mùa dịch Covid-19. (Ảnh: Xuân Thái)

Sau năm 1975, hệ thống báo chí cách mạng Việt Nam được thống nhất trong cả nước, số lượng và chất lượng phát triển với tốc độ khá nhanh; mạng lưới thông tấn, báo chí, phát thanh, truyền hình được phân bố và phát hành rộng khắp cả nước.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (tháng 12/1986) mở ra thời kỳ đổi mới đất nước, hoạt động báo chí được đổi mới về tư duy, tổ chức, cơ chế hoạt động, phát huy đầy đủ chức năng là công cụ của Đảng, là cầu nối giữa Đảng với Nhân dân. Khơi nguồn cho quá trình đổi mới báo chí Việt Nam bắt đầu từ loạt bài “Những việc cần làm ngay” của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh ngày 25/5/1987 trên các báo, đài. Những bài báo mang tiêu đề “Những việc cần làm ngay” đã phê bình cụ thể, có địa chỉ rõ ràng, mở ra luồng sinh khí mới cho giới báo chí tham gia trực tiếp cuộc đấu tranh chống tiêu cực đi đôi với cổ vũ các nhân tố mới. Tiếp theo, hàng loạt các báo, đài từ Bắc vào Nam với đủ đề tài đã mở chuyên mục “Hưởng ứng những việc cần làm ngay”.

Đại hội V Hội Nhà báo Việt Nam năm 1989 đã đề xuất những phương hướng đổi mới báo chí theo hướng đổi mới thông tin, báo chí cố gắng thể hiện là tiếng nói của Đảng, đồng thời là diễn đàn của Nhân dân, báo chí tích cực tham gia chống tiêu cực đi đôi với việc phát hiện và cổ vũ nhân tố mới. Luật Báo chí năm 1990 ra đời là một dấu mốc đối với lịch sử báo chí Việt Nam đương đại. Bộ luật gồm 31 điều, với rất nhiều điểm mới cần ghi nhận: thông tin trên báo chí phải tuân thủ tính khách quan và đưa ra những góc nhìn đa chiều trong khuôn khổ tôn trọng sự thật, tôn trọng luật pháp, Hiến pháp; người dân hoàn toàn có quyền sử dụng các cơ quan báo chí để bày tỏ nguyện vọng, thắc mắc, đồng thời tự bảo vệ quyền lợi hợp pháp của chính mình.

Ngày 17/10/1997, Bộ Chính trị (khóa VIII) ban hành Chỉ thị 22-CT/TW về tiếp tục đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo, quản lý công tác báo chí, xuất bản. Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) xác định quyết tâm hiện đại hóa hệ thống thông tin đại chúng; sắp xếp hợp lý nhằm tăng hiệu quả thông tin; xây dựng và từng bước thực hiện chiến lược truyền thông quốc gia phù hợp với đặc điểm nước ta và xu thế phát triển thông tin của thế giới. Thông báo kết luận số 162-TB/TW, ngày 1/12/2004 của Bộ Chính trị “Về một số biện pháp tăng cường quản lý báo chí trong tình hình mới”.

Ngày 30/3/2007, Bộ Chính trị ban hành Thông báo kết luận số 68-TB/TW tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với báo chí. Ngày 9/5/2007, Ban Bí thư ban hành Kế hoạch 03- KH/TW, nêu một số biện pháp cụ thể nhằm thực hiện Thông báo kết luận 68-TB/TW. Hội nghị lần thứ năm (khóa X) đã thảo luận và ra Nghị quyết “Về công tác tư tưởng, lý luận, báo chí trước yêu cầu mới”.

Báo cáo của Cục Báo chí cho biết, đến ngày 30/11/2023, cả nước có 882 cơ quan báo chí, phát thanh và truyền hình. Tổng số người được cấp thẻ nhà báo kỳ hạn 2021 - 2025 tính đến tháng 12/2023 là 20.508 trường hợp, trong đó 7.587 trường hợp có bằng tốt nghiệp đại học trở lên ngành Báo chí. Về tổ chức Hội Nhà báo, từ chỉ gần 300 hội viên thuở ban đầu, đến nay Hội đã thu hút hơn 25.000 hội viên, sinh hoạt tại 63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố, 21 liên chi hội và 223 chi hội trực thuộc trên cả nước.

Báo chí đã góp phần phổ biến đường lối, quan điểm của Đảng, phản ánh những hoạt động tích cực ở cơ sở, giới thiệu những kinh nghiệm sáng tạo của quần chúng, góp phần làm cho các Nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống, mang lại hiệu quả rõ rệt. Đi đôi với chống tiêu cực, báo chí đã phát hiện những nhân tố mới, cổ vũ những điểm sáng, những điển hình tiên tiến. Với lòng yêu nước và nhiệt tình cách mạng các cơ quan báo chí và đội ngũ người làm báo luôn đồng hành với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong suốt các thời kỳ lịch sử, nêu cao tinh thần cống hiến, sẵn sàng hy sinh, luôn có mặt trên tuyến đầu nóng bỏng nhất, quan trọng nhất của đất nước.

Trải qua gần một thế kỷ, báo chí cách mạng Việt Nam đã dần hình thành và phát triển thành một hệ thống báo chí từ Trung ương đến cơ sở, trở thành công cụ tuyên truyền hữu hiệu, kịp thời đưa chủ trương, chính sách, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến toàn thể Nhân dân, góp phần vào thắng lợi của công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Bên cạnh đó, báo chí cách mạng Việt Nam cũng góp phần xây dựng lực lượng cách mạng, xây dựng tổ chức Đảng và đào tạo đội ngũ cán bộ; là phương tiện để tổ chức đảng lãnh đạo các cuộc đấu tranh; là vũ khí sắc bén trên mặt trận đấu tranh tư tưởng, chống những luận điệu thù địch, bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, bảo vệ Đảng; là nhân tố góp phần thúc đẩy sự phát triển phong trào cách mạng.

(Đón đọc bài 3: Linh hồn của báo chí cách mạng Việt Nam)

Đọc thêm