Hướng tới Kỷ niệm 100 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam: Bài 1 - Cách mạng từ khởi nguồn báo chí

(PLVN) - Sau gần một thế kỷ, báo chí cách mạng Việt Nam đã chứng minh những đóng góp quan trọng, to lớn, sứ mệnh cao cả của mình trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Ngay từ khi mới ra đời, những trang báo chí cách mạng đã chứa đựng trong đó con đường, lý tưởng và tinh thần cách mạng sâu sắc.

Trui rèn trong lửa đỏ cách mạng

Sau chiến tranh thế giới thứ nhất, do sự tăng cường bóc lột của đế quốc Pháp, những mâu thuẫn cơ bản trong xã hội Việt Nam ngày càng sâu sắc. Phong trào yêu nước ngày càng lên cao và có quy mô thống nhất trong cả nước. Giai cấp công nhân hình thành và phát triển, ngày càng đóng vai trò quan trọng trong các phong trào đấu tranh yêu nước. Để đối phó với phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng, thực dân Pháp đã sử dụng chính báo chí để lừa bịp, mị dân nhằm đánh lạc hướng đấu tranh của quần chúng.

“Thanh niên” - tờ báo cách mạng đầu tiên của Việt Nam do đồng chí Nguyễn Ái Quốc sáng lập tại Quảng Châu (Trung Quốc).

“Thanh niên” - tờ báo cách mạng đầu tiên của Việt Nam do đồng chí Nguyễn Ái Quốc sáng lập tại Quảng Châu (Trung Quốc).

Đầu thế kỷ XX, báo chí nước ta phần lớn là công báo các loại, tạp chí, chuyên san của cơ quan hành chính và kinh tế Pháp; có một vài tờ báo là của trí thức và tư sản Pháp đứng về phía chính quyền thực dân. Tuy nhiên, ở Bắc Kỳ cũng như ở Nam Kỳ khi ấy có một số tờ báo tiếng Việt đăng bài bày tỏ thiện cảm đối với phong trào chính trị do Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh lãnh đạo. Các báo Đại Việt tân báo, Đăng cổ tùng báo có đăng bài của Phan Chu Trinh. Báo Lục tỉnh tân văn đăng bài của Trần Chánh Chiếu kêu gọi đồng bào hưởng ứng cuộc vận động Duy Tân.

Bấy giờ, việc thành lập Quốc tế Cộng sản theo sáng kiến của Lê-nin và những hoạt động của Quốc tế Cộng sản đã tác động tích cực đến phong trào yêu nước của Việt Nam. Chủ nghĩa Mác - Lê-nin được truyền bá vào Việt Nam đã tạo ra một bước ngoặt trong phong trào yêu nước. Trong những điều kiện lịch sử đó, báo chí cách mạng ra đời là một tất yếu khách quan.

Bắt đầu từ đầu những năm 20 của thế kỷ XX, tư tưởng cách mạng vô sản được truyền bá vào Việt Nam qua báo Le Paria của Hội Liên hiệp thuộc địa do đồng chí Nguyễn Ái Quốc làm chủ bút, chủ nhiệm, L' Humanité của Đảng Cộng sản Pháp, Inprekorr của Quốc tế Cộng sản. Cũng trong thời gian làm chủ nhiệm - bút chủ báo Le Paria bằng tiếng Pháp, đồng chí Nguyễn Ái Quốc còn có ý định xuất bản tại thủ đô Pháp tờ báo Tiếng Việt - với cái tên “Việt Nam Hồn”, đối tượng phục vụ là cộng đồng người Việt đang sinh sống ở đây, động viên mọi người không quên Tổ quốc, hướng về Tổ quốc.

Tìm về cội nguồn báo chí cách mạng

Cuối năm 1924, đồng chí Nguyễn Ái Quốc, phái viên của Quốc tế Cộng sản và là Ủy viên Bộ Phương Đông của Quốc tế được cử đến Hoa Nam để trực tiếp chỉ đạo cách mạng Việt Nam và một số nước Đông Nam Á. Cùng với việc mở lớp, kết nạp đoàn viên mới, Người chủ trương xuất bản báo Thanh niên, ra số 1, ngày 21/6/1925. Về danh nghĩa, lúc đầu báo không công bố là cơ quan ngôn luận của tổ chức nào, thực tế là của Thanh niên Cộng sản đoàn. Về sau, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (thường gọi là Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội) ra đời, báo Thanh niên được gọi là cơ quan của Tổng bộ Hội Thanh niên xuất bản cho đến cuối năm 1929, khi Hội kết thúc vai trò lịch sử của mình.

Đã từng có những thời điểm chúng ta băn khoăn về điểm khởi đầu của báo chí cách mạng Việt Nam. Sự xuất hiện của tờ báo tiếng Việt đầu tiên ở Sài Gòn vào ngày 15/4/1865, mang tên Gia Định báo, đã đánh dấu một bước quan trọng trong lịch sử báo chí của Việt Nam. Năm 1907, tại Hà Nội, tờ Đăng Cổ Tùng báo tiếp tục góp phần vào sự phát triển này. Tại Paris, Nguyễn Ái Quốc đã gây tiếng vang với tờ báo Người cùng khổ (Le Paria)...

Tuy nhiên, tại sao tờ Thanh niên lại được xem là khởi nguồn của một báo chí cách mạng Việt Nam? Đã có nhiều quan niệm khác nhau của các nhà nghiên cứu, xung quanh khái niệm báo chí cách mạng. Trong đó, có quan niệm của nhà báo Hữu Thọ: “Khởi đầu, báo chí cách mạng là tiếng nói của tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản, hoặc là tiếng nói của Đảng, nhưng sau đó phát triển thành các tờ báo của Đảng, của Nhà nước, của Mặt trận, của các tổ chức chính trị - xã hội rồi của tổ chức xã hội nghề nghiệp dưới sự lãnh đạo của Đảng”.

Theo thống kê chưa đầy đủ, kể từ tờ Thanh niên mở đường đến cuối năm 1929, có trên 50 tờ báo và tạp chí của Hội Thanh niên, Đảng Cộng sản Đông Dương và Đảng Cộng sản An Nam. Có tờ ra được khoảng 200 số (chưa có con số xác định) như Thanh niên; có tờ ra được vài chục số, thậm chí một vài số. Mặc cho các thế lực thực dân, phong kiến tay sai tìm mọi cách ngăn cản, đàn áp, báo chí cách mạng vẫn không ngừng phát triển. Đó là những di sản quý của báo chí cách mạng Việt Nam buổi đầu và của báo chí Việt Nam nói chung. Nhờ có báo chí cách mạng, lý luận cách mạng đã bước đầu thâm nhập vào Nhân dân Việt Nam, nhất là công nhân và nông dân lao động, nhằm thức tỉnh quần chúng, cổ vũ họ đứng dậy đấu tranh chống thực dân, phong kiến để tự giải phóng cho mình.

Lý giải về định nghĩa này chúng ta soi chiếu ngay từ chính tờ báo Thanh niên. Thứ nhất, báo Thanh niên đã nhận thức rõ ràng mâu thuẫn giữa dân tộc ta với đế quốc Pháp, giữa các thuộc địa với chủ nghĩa đế quốc nói chung. Ví dụ như trong bài ''Cấm đi ra ngoài'' có viết: “Pháp cướp nước mình, cốt là rút của mình. Nó coi dân mình như là người ta nuôi gà, nuôi lợn vậy. Người ta nuôi gà, nuôi lợn là cất để lấy trứng và thịt. Nếu để cho gà cùng lợn chạy mất con nào, thì lỗ vốn con ấy, nên phải nhốt cho kỹ, không cho nó chạy ra ngoài”. Thẳng thắn nhìn nhận những điều đó để đào sâu lòng căm thù địch, xác định sự đối lập tuyệt đối giữa dân tộc ta và đế quốc Pháp, bác bỏ những quan điểm cải lương, tư tưởng hoài nghi, bi quan.

Thứ hai, báo Thanh niên khẳng định chắc chắn một con đường cách mạng. Nhiệm vụ của báo Thanh niên nói riêng và những hoạt động về lý luận, tư tưởng và chính trị của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên nói chung là kiên quyết triệt để chống chủ nghĩa cải lương, khẳng định chỉ có con đường đấu tranh cách mạng mới giải phóng được dân tộc. Báo Thanh niên, số 2, ngày 28/6/1925, có bài viết: ''Cách mệnh là toàn bộ các hành động nhờ đó một dân tộc bị áp bức trở thành tự do và giàu mạnh. Lịch sử các nước dạy ta rằng, chỉ có bằng cách mệnh, người ta mới có thể có một chính phủ tốt hơn, một nền giáo dục tốt hơn''. Hay như báo Thanh niên số 63, có đoạn: ''Đồng bào ơi! Quyền tự do là giời cho mình, người mà không được tự do, thà rằng chết. Tỉnh dậy, tỉnh dậy, đập vỡ cái lồng nó nhốt người mình đi''. Không còn gì nghi ngờ đó chính là phương thức thực hiện cách mạng là phải dùng bạo lực cách mạng đập tan xiềng xích thực dân, phong kiến.

Thứ ba, báo Thanh niên đã chỉ ra lực lượng cách mạng là toàn dân, lấy công nông làm nền tảng. Ngay trong số đầu tiên, báo đã có bài viết: “Để dẫn dắt nhân dân làm một sự nghiệp vĩ đại cần phải có một sức lãnh đạo. Sức lãnh đạo đó không phải của một vài người thôi, mà sinh ra từ sự hiệp lực của hàng ngàn, hàng vạn người”. “Lực lượng dân tộc cách mạng là ở về toàn quốc dân, nên quốc dân giác ngộ chừng nào thì lực lượng cách mạng to lớn chừng ấy”.

Thứ tư, báo Thanh niên là tờ báo nhận thức rõ con đường cách mạng và mục tiêu cách mạng hướng đến. Người làm báo Thanh niên khi ấy đã phác họa cách mạng Việt Nam đi qua hai thời kỳ. ''Thời kỳ thứ nhất là đánh đuổi chủ nghĩa đế quốc giải phóng dân tộc''. “Mục tiêu của thời kỳ thứ hai là khai thác triệt để thắng lợi của cách mệnh. Vì vậy, sau khi đánh đuổi Pháp ra khỏi bờ cõi Việt Nam, chúng ta phải trừ diệt các phần tử phản cách mệnh, xây dựng các đường giao thông, phát triển thương nghiệp và công nghiệp, giáo dục Nhân dân và lo cho dân được hòa bình, hạnh phúc”. Đây chính là nội dung của cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Cuối cùng, báo Thanh niên chỉ ra cần có Đảng Cộng sản lãnh đạo cách mạng và tổ chức quần chúng cách mạng, đặc biệt là tổ chức công nhân. Trong số 60 ra ngày 8/9/1926, báo Thanh niên có bài viết về các chính đảng, tác giả đặt câu hỏi: ''Chúng ta phải theo đảng nào?''. Và trả lời dứt khoát rằng: ''Hỡi đồng bào thân mến, như vậy chỉ có một con đường chân chính là phải theo cái đảng duy nhất kiên quyết trong hành động, đó là Đảng Cộng sản''.

Những tiếp nối khởi nguồn cách mạng

Tiếp nối tinh thần báo Thanh niên, đồng chí Nguyễn Ái Quốc lập ra báo Kông Nông để tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước cho công nhân và nông dân theo quan điểm của chủ nghĩa xã hội khoa học (1926); báo Lính Kách mệnh (1927) để vận động, giác ngộ binh lính người Việt trong quân đội Pháp không chịu làm công cụ cho kẻ thù đàn áp đồng bào, liên minh với công nông làm cách mạng. Ngày 1/10/1929, báo Búa liềm, cơ quan ngôn luận trung ương của Đảng Cộng sản Đông Dương ra số l, do Trịnh Đình Cửu, Ủy viên Trung ương lâm thời phụ trách. Cùng với báo của trung ương, một hệ thống báo chí của Đảng Cộng sản Đông Dương, từ các tỉnh đảng bộ, công hội, học sinh hội, đến một số chi bộ ra đời trên cả nước. Như ở Trung Kỳ có báo Bôn - sê - vích, ở Nam Kỳ có báo Cờ cộng sản. Ở Hải Phòng có báo Sao đỏ, Nam Định có báo Tiền phong, ở vùng mỏ Hòn Gai có các tờ Hầm mỏ, Mỏ than,…

Báo của Đảng viết theo Tuyên ngôn được thông qua trong ngày thành lập, dựa theo Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Đại hội lần thứ VI Quốc tế Cộng sản năm 1928. Tháng 8/1929, Đảng Cộng sản An Nam thành lập, có tổ chức cơ sở ở Nam Bộ và một số chi bộ ở Hoa Nam. Chi bộ Đảng Cộng sản An Nam ở Thượng Hải ra báo Đỏ, cũng viết tay trên giấy sáp.

(Đón đọc bài 2: Thư ký thời đại trung thành trong dặm dài lịch sử)

Tài liệu tham khảo:

Đỗ Quang Hưng (chủ biên): Lịch sử báo chí Việt Nam 1896 - 1945, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội, 2000.

Hồng Chương: Tìm hiểu lịch sử báo chí Việt Nam, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1992.

Nguyễn Thành: Báo chí cách mạng Việt Nam 1925 - 1945, Hà Nội, 1984.

Tô Huy Rứa: Thư tịch báo chí Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998.

Đọc thêm