Hướng tới phát triển bảo hiểm y tế toàn dân

(PLVN) -Đây là một trong những lưu ý của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu tại cuộc họp thẩm định đề nghị xây dựng Luật bảo hiểm y tế sửa đổi diễn ra sáng 21/1. Về phía cơ quan chủ trì soạn thảo, có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn và đại diện một số đơn vị của Bộ.
Hướng tới phát triển bảo hiểm y tế toàn dân

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn khẳng định, việc thực hiện Luật Bảo hiểm y tế thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đó là một trong những chính sách an sinh xã hội, nhân đạo, ưu việt của Đảng và Nhà nước. Chất lượng y tế được nâng lên, Quỹ bảo hiểm y tế cơ bản đáp ứng được yêu cầu…

Tuy vậy, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn chỉ ra rằng, sau một thời gian thi hành, Luật bảo hiểm y tế năm 2008 và Luật sửa đổi, bổ sung năm 2014 đã bộc lộ một số tồn tại, đòi hỏi phải được điều chỉnh để đồng bộ, thống nhất. Do đó, để tiếp tục thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển bảo hiểm y tế đồng thời tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 139/NQ-CP ngày 21/12/2017 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 BCH Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới cũng như để khắc phục tồn tại trong các quy định hiện hành thì cần thiết phải xây dựng Luật bảo hiểm y tế sửa đổi. Thứ trưởng Bộ Y tế hy vọng rằng, Luật bảo hiểm y tế sửa đổi cùng với Luật khám bệnh, chữa bệnh sẽ tạo khung pháp lý mới đầy đủ, đồng bộ nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cho Nhân dân.  

Đại diện đơn vị chủ trì soạn thảo của Bộ Y tế cho biết, đề nghị xây dựng Luật bảo hiểm y tế sửa đổi gồm 6 chính sách gồm: Thúc đẩy bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân, mục tiêu của chính sách này nhằm tăng tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế, cải cách thủ tục hành chính, khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi để người dân tham gia bảo hiểm. Điều chỉnh phạm vi quyền lợi bảo hiểm y tế, nâng cao sức khỏe, giảm chi phí tiền túi của người dân sử dụng dịch vụ y tế, giảm thiểu việc sử dụng các dịch vụ điều trị nội trú. Đa dạng các loại hình cơ sơ cung ứng dịch vụ y tế, tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu tại tuyến cơ sở. Nâng cao hiệu quả quản lý và điều hành bảo hiểm y tế, trách nhiệm của cơ sở cung ứng dịch vụ y tế và cơ quan bảo hiểm xã hội. Nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế trên nguyên tắc công khai, minh bạch, hiệu quả, tập trung nguồn lực cho chăm sóc sức khỏe của người tham gia bảo hiểm y tế. Đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, chính xác, khả thi của các quy định trong luật.

Tại cuộc họp, một số thành viên Hội đồng thẩm định đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần đánh giá kỹ hơn một số vấn đề như sự cần thiết phải sửa đổi Luật, tính khả thi của một số chính sách…

Trên cơ sở các ý kiến đóng góp của các thành viên Hội đồng, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Hội đồng thẩm định cũng thể hiện sự nhất trí với sự cần thiết với đề nghị xây dựng Luật bảo hiểm y tế sửa đổi cũng như việc mở rộng đối tượng, phạm vi điều chỉnh của Luật. Thứ trưởng cũng lưu ý một số vấn đề như: Cần làm rõ hơn sự cần thiết của đề nghị xây dựng và việc mở rộng đối tượng và phạm vi điều chỉnh trong Luật sửa đổi lần này; làm sâu sắc hơn những bất cập lớn của Luật, đánh giá sự phù hợp với chủ trương đường lối của đảng, chính sách của Nhà nước nêu tại Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012, Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Bộ Chính trị và các văn bản khác của Đảng và Nhà nước về phát triển bảo hiểm y tế toàn dân. Đồng thời, cần rà soát các chính sách nêu ra trong đề nghị xây dựng với các chính sách, quy định của các văn bản quy phạm pháp luật khác. Bên cạnh đó, phải bổ sung, làm rõ tính tương thích của Luật với các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, làm sâu sắc hơn về Báo cáo đánh giá tác động về thủ tục hành chính và Báo cáo tổng kết, cũng như việc phải tuân thủ đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật… 

Đọc thêm