Theo số liệu tổng hợp, đến tháng 6/2020, dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, dịch tả lợn châu Phi, nhưng cả nước vẫn có thêm 2.000 HTX, thu hút 7,2 triệu thành viên và 2,5 triệu lao động. Sáu tháng đầu năm 2020, cả nước thành lập mới 752 HTX, 10 liên hiệp HTX, 3.000 tổ hợp tác.
Liên minh HTX Việt Nam phải là ngôi nhà chung
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, kinh tế tập thể (KTTT) là thành phần kinh tế gồm những cơ sở kinh tế do người lao động tự nguyện góp vốn, cùng kinh doanh, tự quản lý theo nguyên tắc tập trung, bình đẳng, cùng có lợi. KTTT mà nòng cốt là mô hình HTX không chỉ có ở Việt Nam mà còn có ở rất nhiều nước trên thế giới.
Kinh tế HTX phát triển đa dạng trong các lĩnh vực, nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ. Đã xuất hiện nhiều mô hình HTX hoạt động có hiệu quả. Khu vực Kinh tế HTX đã hoạt động từng bước có kết quả, từ đó tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho các thành viên và người lao động; có đóng góp cho ngân sách nhà nước và góp phần phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Trong đó, Liên minh HTX Việt Nam là tổ chức đại diện của HTX, liên hiệp HTX và các thành viên tự nguyện tham gia, thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong xây dựng và phát triển kinh tế tập thể ngày càng vững mạnh, góp phần cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng của kinh tế quốc dân.
Hệ thống Liên minh HTX Việt Nam (Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX cấp tỉnh) được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ nòng cốt trong phát triển kinh tế tập thể, HTX; liên kết, thống nhất từ Trung ương đến địa phương.
Theo Phó Thủ tướng, Liên minh HTX Việt Nam phải là ngôi nhà chung, vừa đại diện, vừa bảo vệ, tối ưu hóa quyền lợi cho người dân, thành viên tham gia. Liên minh vừa là cầu nối để truyền tải chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, đồng thời phản ánh tâm tư, nguyện vọng của người dân để Đảng, Nhà nước có quyết sách phù hợp với thực tiễn.
"Trước kia, mô hình HTX còn rất hình thức nhưng hiện nay, HTX đã làm rất nhiều khâu, từ tổ chức sản xuất, thu hoạch, chế biến, bảo quản đến tìm thị trường xuất khẩu... Điều đó cho thấy hiệu quả của các HTX, từ đó các thành viên gắn bó, tham gia vào chuỗi sản xuất, cùng với doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, kể cả tham gia chuỗi giá trị toàn cầu", Phó Thủ tướng ghi nhận.
Cần hoàn thiện pháp luật về HTX
Bên cạnh những kết quả đạt được, theo Phó Thủ tướng, phát triển KTTT nói chung và HTX còn nhiều khó khăn, thách thức. Tốc độ tăng trưởng còn thấp so với khu vực kinh tế khác (đặc biệt so với khu vực kinh tế tư nhân). Phần lớn tổ chức kinh tế tập thể, HTX có quy mô nhỏ, phát triển không đồng đều giữa các vùng miền, giữa khu vực nông nghiệp và phi nông nghiệp. Hoạt động của các HTX còn đơn giản, ít hiệu quả, chưa thực sự là một tổ chức kinh tế để thực hiện các chức năng liên kết, cung ứng vốn, dịch vụ đầu vào cho sản xuất, thực hiện tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Sự tham gia liên kết giữa các HTX với nhau và giữa HTX với các doanh nghiệp để tham gia vào chuỗi sản xuất còn yếu.
"Nhiều nơi còn hình thức, chưa lấy hiệu quả kinh tế làm động lực, thước đo để phát triển", Phó Thủ tướng lưu ý.
Theo Phó Thủ tướng, trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, phải hoàn thiện pháp luật về HTX, làm rõ nhiều vấn đề như tổ hợp tác. Một gia đình thành lập doanh nghiệp rất dễ, vậy tại sao nhiều hộ gia đình hợp tác để thành lập DN lại bỏ ngỏ.
Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị Liên minh HTX Việt Nam và các bộ, ngành tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về bản chất, vai trò của tổ chức KTTT, HTX trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tập trung các giải pháp giáo dục, đào tạo, tuyên truyền, tập huấn sâu rộng về Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về "tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể" và các văn bản pháp luật về HTX nhằm thống nhất nhận thức cho toàn bộ hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên. Phải coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục.
Các cơ quan chức năng tiếp tục rà soát, cập nhật, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện khung pháp luật và chính sách hỗ trợ phát triển KTTT phù hợp, gắn với thực tiễn nhằm khuyến khích, thúc đẩy khu vực KTTT, HTX phát triển mạnh mẽ và rộng khắp.
Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các quy định trong Luật HTX; nghiên cứu, đề xuất giải pháp khắc phục những bất cập trong các quy định tại Luật HTX năm 2012; tạo điều kiện, phối hợp, hỗ trợ hệ thống Liên minh HTX Việt Nam thực hiện vai trò nòng cốt phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã; ổn định tổ chức bộ máy, cơ chế, chính sách tương đương như các bộ, ngành kinh tế có liên quan.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh cần hoàn thiện và nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước về HTX; xác định rõ chức năng và nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn và cơ chế phối hợp của các bộ, ngành Trung ương và địa phương.
"HTX bảo đảm quyền lợi của các thành viên, nhưng cần hướng tới quản lý như DN để bảo đảm hiệu quả, tránh hình thức", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.