Bộ Tư pháp cho biết, sau 04 năm triển khai thi hành Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 09/11 đã được bộ, ngành, đoàn thể, địa phương tích cực hưởng ứng với nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo, đổi mới, góp phần khơi dậy ý thức trách nhiệm công dân, nâng cao ý thức pháp luật, giáo dục lối sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, nâng cao hiệu quả xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật trong Nhân dân.
Với chủ đề: “Tiếp tục hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và đổi mới sáng tạo; nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, cải cách hành chính, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn để đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp”. Ngày Pháp luật 2017 được xác định có nội dung trọng tâm, bao gồm về công tác hoàn thiện thể chế: Rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách, quy định pháp luật về đầu tư, kinh doanh, xuất nhập khẩu, thuế, đất đai, tài nguyên, môi trường, xây dựng, tín dụng…; các chính sách tư vấn, hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp;
Về công tác tổ chức thi hành pháp luật, chú trọng các giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật; quán triệt, truyền thông, phổ biến nội dung chính sách, quy định mới ban hành; tác động, hiệu ứng của chính sách, pháp luật đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp; các hành vi bị nghiêm cấm và chế tài xử lý; quyền, nghĩa vụ của công dân và biện pháp bảo đảm thực hiện; pháp luật về đất đai, vệ sinh, an toàn thực phẩm, trật tự an toàn xã hội, chủ quyền biên giới lãnh thổ; phòng, chống tham nhũng, lãng phí; bảo vệ môi trường, cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh, bảo vệ quyền tài sản, sở hữu trí tuệ; các điều ước, thỏa thuận quốc tế nhất là các thỏa thuận hợp tác về pháp luật và tư pháp mà Việt Nam là thành viên.
Bên cạnh đó, thông tin về hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động đầu tư kinh doanh; triển khai nhiệm vụ xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; tăng cường theo dõi thi hành pháp luật, các vấn đề pháp lý phát sinh trong bối cảnh hội nhập quốc tế; các vấn đề dư luận quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội.
Giáo dục ý thức và lợi ích của việc tuân thủ, chấp hành pháp luật; xây dựng, bồi dưỡng, nhân rộng, khen thưởng, tôn vinh gương người tốt, việc tốt, điển hình trong xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật…Bộ Tư pháp cũng nhấn mạnh: Cần xác định hưởng ứng Ngày pháp luật là việc làm hàng ngày, thường xuyên của mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người dân; trong đó tập trung vào đợt cao điểm tuyên truyền, phổ biến các luật, pháp lệnh và các văn bản mới liên quan đến chính sách hỗ trợ khởi nghiệp hoặc liên quan trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp từ ngày 01/10 đến ngày 30/11/2017.
Bộ, ngành, đoàn thể, địa phương, cơ quan, đơn vị chủ động xác định hình thức hưởng ứng Ngày Pháp luật phù hợp, thiết thực, hiệu quả, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, cụ thể là: Tổ chức lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật hoặc lồng ghép hưởng ứng thông qua hội nghị, hội thảo, tọa đàm, qua hoạt động chính trị, chuyên môn phù hợp với điều kiện thực tiễn;
Lồng ghép trong triển khai hoạt động xây dựng, thi hành, bảo vệ pháp luật; tổ chức lễ ký kết chương trình phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật; tổ chức đối thoại chính sách pháp luật; xây dựng, phát hiện, nhân rộng mô hình hay, cách làm mới, hiệu quả; tổ chức các hoạt động tập huấn, bồi dưỡng để nâng cao năng lực xây dựng, thi hành thể chế, chính sách cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; ngày tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý miễn phí; “Ngày Pháp luật” định kỳ hàng tháng; “Tiết học pháp luật”, “Quán cà phê pháp luật”…
Đồng thời, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong phổ biến, giáo dục pháp luật; phát động, tổ chức thi tìm hiểu pháp luật (trực tuyến, sân khấu hóa); sử dụng hiệu quả mạng lưới thông tin cơ sở; nhân rộng mô hình ngày hội pháp luật; thiết lập chuyên trang, chuyên mục phát thanh, truyền hình để bình luận, đối thoại chính sách, định hướng dư luận; áp phích, pa-nô, băng rôn, cờ, phướn trên đường phố chính, khu trung tâm, cơ quan, đơn vị, trường học, địa điểm công cộng;
Ra quân tình nguyện, hoạt động giáo dục ngoại khóa ngoài giờ lên lớp gắn với giáo dục khởi nghiệp; tư vấn pháp luật, thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý, nhất là vụ việc tham gia tố tụng; mở phiên tòa xét xử lưu động; lồng ghép qua lễ hội, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ bài trừ hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, phòng, chống tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật có sự tham gia rộng rãi của Nhân dân.
Tôn vinh tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật; tham gia tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động nhân dân tuân thủ, chấp hành chính sách, pháp luật, củng cố khối đoàn kết cộng đồng, gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và phong trào xây dựng nông thôn mới tại cộng đồng dân cư.
Các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật cần tổ chức thường xuyên, liên tục trong cả năm, tập trung vào 02 tháng, bắt đầu từ ngày 01/10 đến hết ngày 30/11/2017; cao điểm từ ngày 06/11 đến ngày 11/11/2017.