Năm nay, Tuần lễ thế giới nuôi con bằng sữa mẹ sẽ diễn ra từ ngày 01 - 07/8, với chủ đề “Thu hẹp khoảng cách - Hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ cho tất cả các bà mẹ - Kết nối vòng tay yêu thương”, nhấn mạnh việc giảm thiểu bất bình đẳng trong việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho mẹ và trẻ em.
Tại Việt Nam, ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động, lao động nữ chiếm gần một nửa (48%) lực lượng lao động cả nước. Phụ nữ cần được hỗ trợ khi họ đang cùng lúc phải thực hiện cả 2 vai trò công việc và chăm sóc con. Đặc biệt, giai đoạn mang thai và nuôi con nhỏ dưới 2 tuổi, lao động nữ cần các chính sách và biện pháp hỗ trợ thiết thực của Nhà nước, cơ sở y tế, nơi làm việc, gia đình và cộng đồng để chăm sóc sức khỏe thai sản và nuôi con bằng sữa mẹ, bảo đảm nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ.
Tuy nhiên, việc thực hiện tốt các chính sách và can thiệp hỗ trợ, khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ đã góp phần cải thiện đáng kể tỷ lệ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu (tăng từ 19% năm 2010 lên 45% năm 2020).
Tuy nhiên, theo báo cáo của Viện Dinh dưỡng, tại Việt Nam, tỷ lệ trẻ được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ chỉ đạt 22,7% vào năm 2015 và 45,4% vào năm 2020; tỷ lệ bà mẹ tiếp tục cho trẻ bú mẹ đến 2 tuổi vẫn còn thấp, chỉ ở mức 26% (năm 2020). Đây là con số đáng báo động và là nguyên nhân tiềm ẩn gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của thế hệ tương lai tại Việt Nam và trên toàn thế giới.
Ở góc độ pháp luật, đã có nhiều quy định để khuyến khích việc nuôi con bằng sữa mẹ. Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2012 quy định lao động nữ được nghỉ thai sản 6 tháng giúp người mẹ có điều kiện tốt hơn để nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và chăm sóc con tốt hơn; quy định khuyến khích người sử dụng lao động lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc, nhu cầu của lao động nữ là 1 trong 15 quyền lợi đối với lao động nữ được pháp luật về lao động đề cập.
Ngày 14/12/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 145/2020/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động. Trong đó, khoản 5 và 6 Điều 80 quy định các nội dung về khuyến khích người sử dụng lao động lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc; khuyến khích người sử dụng lao động tạo điều kiện để lao động nữ nuôi con từ 12 tháng tuổi trở lên vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc...
Ngày 9/11, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 5175/QĐ-BYT về việc phê duyệt tài liệu “Hướng dẫn triển khai phòng vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc”. Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, đối với các doanh nghiệp, số lượng phòng vắt, trữ sữa sẽ xây dựng dựa theo số lượng lao động nữ. Đơn vị có dưới 100 lao động nữ thì phải có tối thiểu 1 phòng vắt, trữ sữa mẹ và tối thiểu 4 phòng đối với nơi làm việc có từ 1.000 lao động nữ trở lên.
Phòng vắt, trữ sữa cần cách nơi làm việc của đa số lao động nữ không quá 10 phút đi bộ. Cần tham vấn ý kiến lao động nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ và cán bộ công đoàn để lựa chọn vị trí phù hợp. Tất cả lao động nữ cần được thông báo về vị trí của phòng vắt, trữ sữa mẹ.
Hưởng ứng Tuần lễ thế giới nuôi con bằng sữa mẹ năm 2024, nhiều bệnh viện đã có các hoạt động nhắc nhở, thúc đẩy nhân viên y tế và sản phụ về tầm quan trọng của sữa mẹ đối với trẻ nhỏ, cũng như khuyến khích các bà mẹ tiếp tục nuôi con bằng sữa mẹ; tổ chức nói chuyện chuyên đề lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ, phát tài liệu hướng dẫn nuôi con bằng sữa mẹ cho các bà mẹ mới bắt đầu hoặc vẫn đang tiếp tục nuôi con bằng sữa mẹ...
Có thể nói, việc toàn xã hội nói chung và các chính sách pháp luật nói riêng tập trung vào hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ rất có ý nghĩa giúp các bà mẹ không cảm thấy cô độc trên hành trình nuôi con bằng sữa mẹ, hạn chế việc bị trầm cảm sau sinh liên quan đến sữa mẹ.