Huy động cả "con nghiện" bắt "trùm" ma túy giả điên

Một vài "con nghiện" bị bắt bỗng nhiên được thả. Chúng điện thoại gọi “hàng” rồi dặt dẹo lần mò đến quán cà phê gần đường Nguyễn Trường Tộ. Trên đường, hai thanh niên dắt bộ chiếc xe thủng lốp nhễ nhại mô hôi, phải ghé tạm quán cà phê ngồi nghỉ lấy sức. Mọi việc vẫn bình thường cho đến khi Hiệp đến nhận tiền, giao “hàng”...

Với những chiêu trò xảo quyệt, giả tâm thần che mắt cảnh sát, Phạm Quang Hiệp, kẻ hơn 40 tuổi đã gần chục tiền án, suốt nửa cuộc đời chỉ ăn cơm tù, trở thành "con mồi" khó sa lưới của cơ quan điều tra. Nhưng cuối cùng, tên cáo già này cũng phải ngoan ngoãn cho tay vào còng, khai nhận toàn bộ tội lỗi của mình.

Mẻ lưới khó cất

Ngay từ khi thành lập Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy vào năm 2000, Công an quận Hải Châu (Đà Nẵng) đã có chuyên án 2010M đưa đối tượng cầm đầu đường dây buôn bán ma túy Phạm Quang Hiệp (SN 1971, ngụ đường Nguyễn Trường Tộ) ra trước vành móng ngựa.

Đã chấp hành án lần trước, 13 năm sau, các trinh sát lại tiếp tục xác lập chuyên án 115M “mời” “vị khách quen” năm nào một lần nữa tra tay vào còng cùng với tội danh cũ.

Trùm ma túy giả điên Phạm Quang Hiệp
Trùm ma túy giả điên Phạm Quang Hiệp.

Trùm ma túy xảo quyệt

Những ngày đầu năm 2013, nạn buôn bán “cái chết trắng” trong khu vực quận trung tâm thành phố có dấu hiệu “rầm rộ” hẳn lên với một số đối tượng liều lĩnh, sẵn sàng cung cấp “hàng” giữa thanh thiên bạch nhật mỗi khi "con nghiện" cần.

Đặc biệt, tại khu vực đường Nguyễn Trường Tộ (phường Nam Dương) thường xuyên có một số "con nghiện" lui tới cả ngày lẫn đêm với biểu hiện phê thuốc. Không khó để các trinh sát nhận ra kẻ đáng lưu tâm là Phạm Quang Hiệp. Vì sao đối tượng vừa mãn hạn tù tháng 11/2011, chưa có công ăn việc làm, nhưng lại chi tiêu tiền bạc có phần thoải mái?.

Ngày 15/1, công an quận thành lập Chuyên án 115M đấu tranh với các đối tượng mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy; khẩn trương chỉ đạo trinh sát, điều tra viên vào cuộc.

Con nghiện sử dụng "đá" thường xuyên sẽ nhanh chóng bị các triệu chứng như mất ngủ, rối loạn hệ thống thần kinh, loạn thị, suy nhược cơ thể, giảm sức đề kháng, đột quỵ do hiện tượng thiếu máu não, tăng nhịp cơ tim.

"Đập đá" còn gây ra cho con người chứng hoang tưởng ảo giác, rối loạn hành vi nhân cách, kích thích hệ thần kinh, khiến cho người sử dụng không điều khiển được mình và mất ngủ trong vài ngày liên tiếp, các cơ quan sinh học nội tạng sẽ nhanh chóng bị suy yếu, kiệt quệ.

Kinh hoàng hơn, như dự đoán của một điều tra viên tham gia phá vụ án, loại ma túy đá “nhân đôi” do Hiệp “pha chế” thêm hợp chất khác vào còn có thể gây ra những tác hại khác, hoặc đồng thời “nhân đôi” tác hại.

Tiếp tục nắm tình hình, trong hai ngày tiếp theo, các trinh sát tạm giữ một số đối tượng có biểu hiện phê “hàng” từ nhà Hiệp ra. Nhưng để có chứng cứ buộc Hiệp thừa nhận hành vi của mình thì không phải dễ. Đối tượng giả “ngây ngây, dại dại”, thường xuyên nằm lỳ ở nhà.

Tuy nhiên, “đã bứt dây ắt động rừng”, Ban chuyên án buộc phải nhanh chóng triển khai kế hoạch “cất vó”, dụ cho được nghi phạm ra ngoài với chứng cứ không thể chối cãi.

Tối 17/1, một vài "con nghiện" bị bắt bỗng nhiên được thả. Chúng điện thoại gọi “hàng” rồi dặt dẹo lần mò đến quán cà phê gần đường Nguyễn Trường Tộ.

Trên đường, hai thanh niên dắt bộ chiếc xe thủng lốp nhễ nhại mô hôi, phải ghé tạm quán cà phê ngồi nghỉ lấy sức. Mọi việc vẫn bình thường cho đến khi Hiệp đến nhận tiền, giao “hàng”, lập tức hai thanh niên bị thủng lốp xe bất ngờ đứng phắt dậy, lao tới bắt quả tang.

Định thần nhìn lại, Hiệp không kịp cả… giả điên như mọi khi, đành thúc thủ cùng tang vật là hai “chấm” ma túy dạng đá cùng số tiền 1 triệu đồng. (“Chấm” là đơn vị dùng để định lượng cho ma túy "đá". Mỗi "chấm" tương đương với 1gr, gồm nhiều cánh nhỏ có kích thước, hình dạng tựa như mì chính, được dân "đập đá" (khoảng 7 - 8 người) sử dụng hết trong vòng khoảng 6 - 8 tiếng đồng hồ).

Tiếp tục khám xét khẩn cấp nhà đối tượng, cảnh sát phát hiện thêm hơn 20 “chấm” hàng đá. Số “hàng” này được Hiệp cất giữ tại nhiều nơi trong nhà như tủ lạnh, phòng ngủ, áo của con. Ngoài ra, công an thu giữ một cân tiểu ly, nhiều dụng cụ dùng để phân chia ma túy, một cục lớn tinh thể màu trắng (sau này được xác định là phèn chua – nghi vấn sử dụng vào mục đích phi pháp).

Đặc biệt, tại nhà đối tượng, nơi nào cũng cất giấu nhiều hung khí như dao, tuýp sắt. Điều này cho thấy có thể đối tượng đã xác định sẽ sẵn sàng chống trả nếu bị phát hiện.

Bề dày “thành tích” đi tù

Trước những chứng cứ “hai năm rõ mười”, biết khó thoát tội, lần này, Hiệp “giở chiêu” nói mê sảng, tự cắn lưỡi mình. Tình huống này đã bị cảnh sát hóa giải dễ dàng vì trước đó, Trung tá Trần Văn Khá, Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy công an quận Hải Châu bàn phương án với các cán bộ chiến sĩ, đặt ra các tình huống giả định để mọi người biết cách ứng phó. Bằng các nghiệp vụ, cảnh sát đã không để kẻ giả điên có cơ hội uy hiếp, giở mánh khóe.

Ngồi trước các điều tra viên, gặp lại “người quen” từng bóc mẽ các thủ thuật của mình, Hiệp co ro trong vóc người nhỏ thó.

Tang vật vụ án
Tang vật vụ án.

Theo lời khai, sau khi ra tù, do không có việc làm nên Hiệp quay trở lại con đường buôn bán ma túy từ đầu năm 2012 đến lúc bị bắt. Trong nghề bán “cái chết trắng” này, hắn phải luôn thủ thế và giữ miếng.

Không chỉ buôn lẻ ma túy, Hiệp còn kèm việc giới thiệu “hàng nóng” cho một vài đối tác và “nghề tay trái” đã giúp hắn không ít trong vấn đề thị uy, đòi nợ, kiếm thêm tiền…. Ngoài ra, khi phân nhỏ các gói ma túy, Hiệp còn biết trộn thêm các tinh thể màu trắng (như nói trên gồm đường phèn, phèn chua) vào các “chấm” ma túy đá cung cấp cho các con nghiện nhằm mục đích “nhân đôi”, thu lợi nhuận “khủng”, dù biết "con nghiện" sử dụng loại ma túy “đểu” này sẽ đồng thời bị “nhân đôi” tác hại.

“Ở thị trường bán lẻ ma túy, nơi nào cũng vậy chứ không riêng gì Đà Nẵng”, đối tượng khai. Hiệp cũng có đủ loại chiêu trò phân phối. “Nhưng do tui vừa bán vừa để dùng nữa nên không áp dụng nhiều công thức riêng pha chế ma túy, mà chỉ cho chút ít… gọi là tổng hợp”, "con nghiện" “bật mí”.

Lật lại hồ sơ nhân thân của Hiệp, được biết đối tượng có một bề dày “thành tích” vào tù ra khám nhiều đến bất ngờ: Gần nửa số tuổi ngồi tù. Một chữ bẻ đôi cũng không biết, thế nhưng mánh khóe buôn “hàng trắng” lại cực rành.

Sinh ra và lớn lên ở thành phố, từ nhỏ Hiệp đã sớm tập tành lang bạt với đám bạn, không thèm ngó ngàng đến đèn sách. Năm 1988, đối tượng bị Công an quận Hải Châu bắt nóng khi vừa ra tay thực hiện một phi vụ cướp giật tài sản. Do chưa đến tuổi thành niên, Hiệp được “châm chước”, chỉ bị phạt cảnh cáo rồi cho về.

Chưa đầy một năm sau, Hiệp lại tiếp tục đi cướp và bị TAND thành phố xử phạt một năm tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách hai năm tính từ ngày tuyên án. Có lẽ án phạt đối với tội phạm dưới tuổi vị thành niên chưa đủ răn đe, lại cần tiền để chơi ma túy nên từ năm 1999, Hiệp bắt đầu tàng trữ, mua bán chất ma túy, vừa thu lợi, vừa thỏa mãn nhu cầu bản thân.

Khi chuyên án 2010M thành lập, Hiệp trả giá bằng bản án 9 năm tù giam. Do cải tạo tốt, đối tượng được tha tù trước thời hạn. Không lấy đó làm bài học, Hiệp vẫn chạy theo đám bạn “du thử du thực”, lún sâu vào con đường nghiện ngập, những năm tiếp theo kịp lập nên “kỳ tích” có thêm sáu bản án về đủ tội danh, từ “Lừa đảo”, “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, đến “Cố ý gây thương tích”...

Đối tượng đã bị khởi tố, bắt tạm giam 4 tháng để tiếp tục mở rộng điều tra.

Vân Anh

Đọc thêm