Nguồn vốn truyền thống không đủ đáp ứng
Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) với sự hỗ trợ kỹ thuật của Cơ quan phát triển quốc tế của Hoa Kỳ (USAID) vừa tổ chức Tọa đàm Góp ý Báo cáo rà soát các mẫu hợp đồng hợp tác công - tư và Báo cáo huy động nguồn lực tài chính mới cho các dự án cơ sở hạ tầng (CSHT) tại Việt Nam.
Tại sự kiện, ông Phan Vinh Quang, Trưởng nhóm Nghiên cứu Dự án Các cơ hội mới nổi tại châu Á (AEO) - USAID dẫn Báo cáo Viễn cảnh CSHT toàn cầu cho biết, Việt Nam sẽ cần hơn 600 tỷ USD để đạt được các mục tiêu về CSHT vào năm 2040.
Theo chuyên gia này, nguồn ngân sách truyền thống sẽ không đủ để giải quyết các nhu cầu tài chính đó. “CSHT của Việt Nam hầu hết được đầu tư trực tiếp bởi chính phủ và các cơ quan khác thuộc khu vực công, chẳng hạn như chính quyền địa phương và doanh nghiệp nhà nước, trong khi sự tham gia của khu vực tư nhân còn hạn chế. Khi ngân sách nhà nước chịu thêm gánh nặng bởi các khoản chi tiêu liên quan đến COVID-19, khả năng tài chính để đầu tư CSHT mới ngày càng bị giới hạn. Do đó, Chính phủ Việt Nam cần xác định những phương thức mới để huy động nguồn lực đầu tư cho CSHT…” - ông Quang gợi mở.
Về nguồn tài chính tư nhân (bao gồm vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư và các khoản vay ngân hàng) thực tế cho thấy các nguồn này đang gặp những trở ngại nhất định do các quy định tài chính chặt chẽ hơn, mức độ chấp nhận rủi ro nghiêm ngặt hơn và kỳ hạn dài.
Cho đến nay, các khoản vay ngân hàng vẫn là nguồn tài chính chủ yếu trong các dự án có sự tham gia của khu vực tư nhân tại Việt Nam. Tuy nhiên, các khoản vay ngân hàng cho các dự án CSHT dự kiến sẽ giảm hơn nữa do các ngân hàng đang thắt chặt chính sách cho vay và giảm đầu tư dài hạn.
“Nhu cầu tìm kiếm các cơ chế và công cụ tài chính mới để mở rộng các nguồn tài chính hiện tại cho đầu tư CSHT ở Việt Nam ngày càng tăng. Ở nhiều quốc gia, các khoản vay ngân hàng hầu như chỉ được sử dụng trong giai đoạn xây dựng có rủi ro cao của dự án. Những khoản vay này có thể được thay thế một phần bằng các công cụ tài chính khác sau khi dự án bắt đầu tạo ra tiền mặt…” - Chuyên gia USAID phát biểu.
AR - Gợi ý đáng quan tâm
Đầu tư tài sản mới bằng nguồn thu từ các tài sản hiện có của Chính phủ (AR) là một phương thức giúp chính phủ giải quyết những khó khăn trong việc thu xếp ngân sách đầu tư CSHT mới mà không làm tăng nợ công hoặc phải cắt bớt các khoản chi thường xuyên cần thiết khác. AR là một cơ chế tạo ra các thỏa thuận thể chế liên kết việc đầu tư các dự án CSHT mới với việc nhượng quyền kinh tế từ các tài sản thuộc sở hữu công hiện có để dùng số tiền thu được từ các tài sản công này đầu tư trực tiếp vào CSHT mới.
Một trong những điểm hấp dẫn của AR là nó có thể áp dụng được trong nhiều môi trường thể chế. Các chính phủ có thể sử dụng tiền kiếm được để phát triển CSHT công cộng thông qua đấu thầu thông thường hay dùng để lập quỹ tài trợ nhằm tăng tính khả thi cho các dự án PPP mới.
“Chính phủ Việt Nam có nhiều cơ hội để tạo nguồn thu từ danh mục tài sản khổng lồ của mình, vốn đã được đầu tư bằng vốn nhà nước và vốn ODA và bắt đầu tạo ra dòng tiền ổn định, để tạo vốn đầu tư CSHT mới. Nhiều quốc gia đã tạo ra nguồn thu từ các tài sản CSHT hiện có để tài trợ cho CSHT mới thông qua phương pháp AR. Trong số các nước đang phát triển, Indonesia và Ấn Độ đã xây dựng các cơ chế AR mà Việt Nam có thể học hỏi...” - Chuyên gia USAID gợi ý.
Để thực hiện phương thức AR, theo đề xuất của chuyên gia, Chính phủ cần ban hành các hướng dẫn chi tiết về các hợp đồng Kinh doanh và Quản lý (O&M) để hướng dẫn các bộ, ngành trong quá trình vốn hóa tài sản nhà nước trong các lĩnh vực CSHT. Lựa chọn quy trình đấu thầu minh bạch và cạnh tranh áp dụng cho các nhà khai thác tư nhân. Ngoài ra, Chính phủ nên xây dựng một khung thể chế rõ ràng để liên kết tiền Nhà nước thu được từ việc nhượng quyền đối với tài sản của Chính phủ với việc phát triển CSHT mới.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần nâng cao hiệu quả và năng lực của khu vực công trong việc lập kế hoạch dự án, phân bổ nguồn lực và đấu thầu dự án để có thể giới thiệu các dự án hợp lý và bền vững ra thị trường. Cùng với việc củng cố thị trường vốn trong nước, Chính phủ cần cải thiện khuôn khổ thể chế, pháp lý và quy định để thúc đẩy các công cụ tài chính xanh. Việt Nam nên xây dựng hệ thống phân loại trái phiếu xanh hoặc chỉ số quốc gia về trái phiếu xanh để xây dựng lòng tin của các nhà đầu tư tổ chức đối với các công cụ tài chính xanh của các tổ chức phát hành trong nước.