Lắng lòng cùng miền đất huyền thoại
Vời chiều cao xấp xỉ 2.600m, Ngọc Linh là ngọn núi cao thứ hai Việt Nam với thế núi cao sừng sững, chạy dài ra biển Đông. Đó là ngọn núi thiêng còn mang trong mình nhiều điều kỳ bí chưa được khai phá. Đây là ngôi nhà sinh tụ của người Xê Đăng từ bao đời nay.
Ngọc Linh là dãy núi bao trùm 4 tỉnh Kon Tum, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai tựa lưng vào nhau, có điểm bắt đầu từ ngọn Ngọc Lum Heo ở tây bắc cho đến ngọn Ngọc Rơ phía đông nam. Bên cạnh đỉnh Ngọc Linh cao nhất (2.598m), xung quanh còn có những “người anh em” là đỉnh Mường Hoong (2.400m), Ngọc Phan (2.251m), Ngọc Lum Heo (2.116m), Ngọc Kơ-ring (2.066m), Ngọc Bôn Sơn (1.939m).
Những câu chuyện xung quanh ngọn núi Ngọc Linh - chốn rừng thiêng nước độc kì bí đã làm nhiều người phải khiếp đảm. Cũng chính những ám ảnh vô hình nơi rừng núi hoang sơ mà nhiều khi đã thử thách sự khám phá, tò mò của những lữ khách. Tại Ngọc Linh, những câu chuyện huyền bí về thuở hồng hoang của loài người với những câu chuyện được lưu truyền cho đến tận hôm nay. Có những câu chuyện chỉ còn tồn tại trong tiềm thức của các già làng, người lớn tuổi nơi đây.
Ngọc Linh cao và sừng sững vẫn là nơi thách thức lòng kiên nhẫn, bền bỉ, dẻo dai của con người. Ở nơi đây, mỗi bước chân đều thấm đượm những câu chuyện về vùng đất “hổ, beo” một thời tung hoành. Kiên nhẫn ngồi du khách sẽ được nghe những câu chuyện nửa hư, nửa thực về mảnh đất huyền thoại.
Nơi đây tụ hội 4 mùa trong 1 ngày |
Xứ sở thần tiên...
Nhìn từ xa xa, núi non hùng vĩ Ngọc Linh trập trùng hiện ra trong làn mây trắng xoá, đẹp huyễn hoặc như một bức tranh thủy mặc chốn thần tiên. Để lên đến đỉnh Ngọc Linh, du khách phải mất hơn một ngày cuốc bộ vượt qua những con đường cao ngất ngưởng, dốc khúc khuỷu, một bên là vực sâu thăm thẳm, một bên là vách núi dựng đứng.
Ngọc Linh nổi tiếng với sâm Ngọc Linh và những bản làng Xê Đăng sương mù phủ kín quanh năm cùng sự khắc nghiệt của vùng rừng núi cheo leo, dốc đứng. Và với những khách lữ hành, vùng sâm Ngọc Linh còn là sự giao hòa của sắc trời Sa Pa mù sương, cảnh đẹp của Đà Lạt mộng mơ đến cuốn hút, say đắm lòng người.
Trên đường đi vào trong các thôn bản Xê Đăng, lữ khách như lọt thỏm giữa đất trời trập trùng sương giăng dưới những tán cây cổ thụ tầng tầng lớp lớp đan xen lẫn nhau. Những giọt sương nhỏ qua từng kẽ lá với tiếng kêu tí tách bên tai. Rồi thi thoảng chợt thấy lạnh buốt khi từng cơn gió núi se lạnh lùa vào người, chạm vào những giọt mồ hôi sau chặng đường dài leo dốc.
Rồi men theo con đường đá dựng đứng, trơn trượt hay lối đi hiểm trở, dốc cheo leo là những bụi hoa dại, cỏ non, rau rừng xanh đến miên man trong tiếng hú gọi của miền sơn cước. Núi rừng Ngọc Linh trong veo như ánh ban mai tỉnh giấc, hiền hậu khác hẳn sự nhọc nhằn, cô độc vốn thấy.
Các cô gái Xê Đăng với nghề dệt thổ cẩm truyền thống |
Đích đến là những bản làng Xê Đăng dần hiện ra trong màn sương mờ ảo khiến lữ khách xúc động sững sờ. Những thửa ruộng bậc thang nằm ở lưng chừng núi thấp thoáng giữa trời cao, vực sâu. Trên đường đi có thể đưa tay ngắt cụm rau quen thuộc như diếp cá, rau má, rau mã đề đang là là quanh chỗ bạn ngồi, nhấm nháp vị đăng đắng trên môi hoặc vò nát những đọt chè xanh ngửi lấy mùi thơm nồng ngai ngái chợt thấy thèm cái mùi của rừng.
Để đến với đỉnh sương mù bản làng Xê Đăng nằm ở phía lưng chừng trời kia còn phải thử sức với chính mình bằng đôi chân chắc khỏe và một ý nghĩ phóng khoáng để tiếp tục bước. Cứ đi được 1-2 giờ, lữ khách phải dừng chân nghỉ ngơi để lấy lại sức đi tiếp. Khi dừng chân, chỉ muốn đưa tay hứng những làn mây trắng cứ lãng đãng xung quanh mình, hay thậm chí muốn ùa mây vào mặt để tận hưởng cái mát rượi của núi rừng.
Bản làng Xê Đăng rất nhiều nók, và mỗi nók nằm ở rất xa. Nók gần nhất đi bộ gần 1 giờ. Nók xa nhất cũng một ngày trời. Tất cả thử thách những đôi chân dẻo dai và sức bền của con người.
Mới bước đến đầu nók, những kho thóc của đồng bào lộ diện trước mắt. Trên đường vào nók, chúng tôi gặp những người dân nói cười giòn tan với giọng lơ lớ đáng yêu. Những cô bé, cậu bé đen nhẻm e thẹn không dám chào, cứ chạy lăng xăng khi nhìn thấy khách lạ.
Đón bình minh trên đỉnh núi cũng thật tuyệt. Trên đỉnh núi nhìn về phía Đông, những ánh bình minh yếu ớt đến muộn hơn những nơi khác, le lói qua những khe núi. Còn buổi chiều, mặt trời lặn núi trễ hơn đồng bằng. Dường như 365 ngày ở đây đều vắng mặt trời. Người dân nơi đây đã quá quen với cuộc sống mờ mờ, ảo ảo kỳ lạ này. Cửa ngõ những nók sương mù chùng chình qua ngõ, giăng đầy lối đi, lấp kín từng khe cửa nhà, phủ trùm từng mái nhà sàn nhỏ bé. Sương đặc quánh như chốn tiên cảnh bồng lai. Đứng dưới hốc cây, lữ khách sẽ được trải nghiệm cảm giác triệu triệu giọt sương li ti đầy trong vốc tay, nhỏ xuống người ướt đẫm.
Còn đêm xuống, trong từng mái nhà sàn, bên ché rượu cần ấm nồng, những chàng trai, cô gái thỏa sức trong từng điệu hát, bước nhảy đắm say lòng người. Để rồi tất cả qua đi, chìm đắm trong men rượu, say tình, say nghĩa và say cả lòng người. Còn những thầy giáo, cô giáo nơi đây cũng tự chống chịu lại cái lạnh thấu xương tủy bằng những ngụm rượu cần để ngủ thiếp đi, quên đi cái lạnh. Và ai đã một lần đến sẽ nhớ cái đêm miền núi rừng thật thú vị và ấm cúng.
Đến với Ngọc Linh, đến với bản làng Xê Đăng, lữ khách sẽ có cơ hội được thưởng ngoạn, được ngao du, được thử thách với núi rừng, được yên lành trong ánh sương mai 24 giờ và để được thấy mình nhỏ bé giữa bao la tiếng gió ngàn Ngọc Linh Trường Sơn hùng vĩ, và để một lần “chạm” đến mây trời./.