Vì sao không nên để đồ vật quý giá trong hành lý ký gửi máy bay?

(PLO) - Các hãng hàng không luôn khuyến cáo không để các vật phẩm có giá trị trong hành lý ký gửi thế nhưng nhiều hành khách dường như không để ý quy định này, tới khi chẳng may mất đồ lại bức xúc quy trách nhiệm cho nhà vận chuyển.
Vì sao không nên để đồ vật quý giá trong hành lý ký gửi máy bay?
Mới đây một hành khách đi trên chuyến bay từ Đà Lạt về Nội Bài phản ảnh bị mất đồ trong kiện hành lý ký gửi. Cụ thể: vali bị mất 01 khóa dây và 01 viên đá thạch anh hồng, đường kính 3cm.
Trước đó, khi làm thủ tục lên máy bay, do kiện hành lý nặng 18,3 kg (vượt quá quy định hành lý xách tay) nên hành khách này được nhân viên hãng hàng không yêu cầu ký gửi. Mặc dù cẩn thận khóa vali (khóa số và khóa dây bên ngoài) nhưng khi ký gửi hành khách lại không khai báo trong hành lý có viên đá thạch anh.
Khi nhận hành lý tại sân bay Nội Bài, hành khách phát hiện vali bị mất khóa dây và phản ảnh viên đá thạch anh trong vali đã bị mất. Hành khách này cũng cho biết do viên đá thạch anh có giá trị không lớn nên không có giấy tờ chứng nhận về sản phẩm.
Hãng hàng không căn cứ các quy định hiện hành và thực tế hành lý khi cân lên không bị hao hụt so với lúc gửi và trả lời trường hợp này hãng không có căn cứ để đền bù thì hành khách lại tỏ ra bức xúc và không hài lòng với cách giải quyết này.
Đây không phải trường hợp hy hữu, thời gian qua đã xảy ra một số trường hợp hành khách khai báo hành lý bị mất khi ký gửi. Tình trạng này xảy ra ở cả trên các chuyến bay nội địa cũng như các chuyến bay quốc tế, tất cả các hãng hàng không trong nước cũng như một số hãng hàng không quốc tế cũng đều phải đối diện với thực trạng này.
Câu hỏi đặt ra là: Vì sao lại như vậy, để xảy ra hiện tượng hành lý của khách bị hư hại, mất mát thì hãng hàng không có trách nhiệm gì, có giải pháp gì để ngăn chặn tình trạng này cũng như hành khách tự bảo vệ hành lý của mình như thế nào, có được hay không?
Trước hết, cần nhìn vào "đường đi" của một kiện hành lý ký gửi từ khi làm thủ tục đến khi được đưa lên máy bay ( ở điểm đi) và đưa xuống máy bay (ở điểm đến). 
Ở Việt Nam và hầu hết các quốc gia khác hãng vận chuyển hàng không đều thuê công ty phục vụ mặt đất để thực hiện việc làm thủ tục cho khách và hành lý.
Sau khi nhân viên của công ty phục vụ mặt đất làm thủ tục cho hành lý xong thì hành lý sẽ đi qua khu vực soi chiếu về hải quan. Nếu có những vật phải liên quan về khai báo hải quan thì sẽ do bên hải quan giải quyết. Cùng thời điểm này hành lý cũng đi qua máy soi chiếu về an ninh, các vấn đề liên quan đến an ninh sẽ do nhân viên an ninh giải quyết.
Sau đó hành lý sẽ đi về khu vực băng chuyền. Ở đây có 1 bộ phận gọi là "phục vụ hành lý" thực hiện việc kiểm tra, phân loại các hành lý cho đúng từng chuyến bay và chặng bay, sau đó xếp vào những thùng hành lý. Sau đó những hành lý này được kéo ra tàu bay. Ở đây có một bộ phận khác được là nhân viên bốc xếp sẽ chất hành lý lên máy bay.
Các hãng hàng không đều khuyến cáo hành khách không để vật có giá trị trong hành lý ký gửi, ảnh MH
Các hãng hàng không đều khuyến cáo hành khách không để vật có giá trị trong hành lý ký gửi, ảnh MH
Trên thực tế, các hãng hàng không đều triển khai các biện pháp để giảm thiểu rủi ro trong quá trình vận chuyển hành lý. Tuy nhiên, quy trình phục vụ hành lý khá phức tạp, qua nhiều công đoạn, liên quan đến nhiều bộ phận trong một khoảng thời gian khá dài, việc xảy ra một vài trường hợp hành lý bị hư hại, thất lạc là khó tránh khỏi.
Do vậy, các hãng hàng không trong điều lệ vận chuyển đều đã khuyến cáo và quy định rõ hành khách không để đồ quý giá trong hành lý ký gửi.  Nếu hành khách cố tình để đồ đạc quý giá trong hành lý ký gửi, khi mất mát hay hư hỏng thì hãng vận chuyển sẽ được miễn trừ trách nhiệm.
Việc hành khách biết quy định không được để đồ vật quý giá trong hành lý ký gửi, chẳng may đồ vật đó bị mất, hãng vận chuyển không phải bồi hoàn hay đền bù, song với các trường hợp hành lý bình thường khác nếu bị thất thoát, mất mát thì sao, hãng hàng không sẽ chịu trách nhiệm như thế nào?
Theo quy định của các hãng hàng không, việc mất hành lý là rủi ro trong kinh doanh và hãng sẽ phải đền bù cho hành khách. Trong bất cứ trường hợp nào liên quan đến mất mát, thất lạc hành lý, hành khách trước tiên cần liên lạc với nhân viên của đội tìm kiếm hành lý thất lạc ở các sân bay để tìm hướng giải quyết.
Nếu trọng lượng hành lý bị hao hụt, hành lý bị mất khóa, gãy, rách..., hãng hàng không sẽ căn cứ vào các qui định giữa nhà vận chuyển và hành khách (in ở mặt sau của vé máy bay đối với vé máy bay thường và vé máy bay điện tử) để tính mức độ đền bù cho tài sản mất mát (căn cứ theo trọng lượng hao hụt và tính theo ký chứ không tính theo giá trị hàng hóa đã mất).
Những qui định này đã được ghi rõ trên vé, vì vậy hành khách phải xem kỹ các qui định này và đừng để tài sản có giá trị trong hành lý gửi theo chuyến bay để phòng những trường hợp không hay xảy ra trong quá trình vận chuyển.
Đại diện các hãng hàng không cho biết các hãng vận chuyển đều nỗ lực tìm các giải pháp để hành khách bay vui vẻ và an toàn, bao gồm cả việc an toàn cho hành lý của hành khách, tuy nhiên với đặc thù vận chuyển hàng không và cộng đoạn vận chuyển hành lý ký gửi có nhiều đơn vị tham gia như đã nói ở trên, hãng hàng không mong rằng hành khách hiểu đúng quy trình vận chuyển của ngành hàng không để cảm thông, thấu hiểu và chia sẻ. Đồng thời các hãng hàng không khuyến nghị tất cả hành khách cần nắm được quy định về vận chuyển, tuyệt đối không để đồ vật có giá trị cao trong hành lý ký gửi.
 Tất cả các chuyến bay kể cả quốc nội, quốc tế của các hãng hàng không, hành lý xách tay hành khách phải tự bảo quản. Nếu xảy ra trường hợp mất mát, bỏ quên, thất lạc hành lý xách tay thì hãng hàng không sẽ tìm kiếm giúp hành khách, nhưng nếu mất hãng sẽ không đền bù. Tất cả các hãng hàng không chỉ chịu trách nhiệm với hành lý ký gửi (đã có làm thủ tục tại quầy và có thẻ hành lý).
Chuyên mục Bạn đọc của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả có căn cứ và theo đúng quy định của pháp luật...Chúng tôi sẽ hồi âm sớm nhất đến bạn đọc.

Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com