Huyện Long Hồ (Vĩnh Long): Báo động tình trạng bờ sông sạt lở, sụt lún

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Sau nhiều điểm xuất hiện sạt lở trên địa bàn của tỉnh Vĩnh Long, mới đây tại huyện Long Hồ lại xuất hiện những vết sạt lở, lún sâu khiến người dân địa phương không khỏi lo lắng.
Một vụ sạt lở đã “ngoạm” sâu đoạn đường giao thông dài hơn 30m.
Một vụ sạt lở đã “ngoạm” sâu đoạn đường giao thông dài hơn 30m.

Tại địa phương này, 2 điểm sạt lở mới nhất thuộc tuyến kè sông Cái Cao (ấp Phú Thạnh, xã Phú Đức) chỉ cách nhau hơn 200m. Vị trí sụt lún này ăn sâu vào sát vách nhà, đe dọa trực tiếp tính mạng, tài sản nhiều hộ dân. Dù tuyến kè đã gia cố nhiều lần bằng rọ đá, nhưng việc sụt lún, nứt nẻ vẫn diễn ra.

Ông Bùi Văn Bé (69 tuổi), cho biết, nhiều đêm không ngủ ngon giấc vì lo lắng tình trạng sụt lún ngay trước cửa nhà. Nhiều người đi đường qua khu vực đã gặp tai nạn, nhất là vào ban đêm. Gia đình ông đã lắp thêm bóng đèn để người đi đường qua lại thuận tiện, tránh sự cố đáng tiếc.

Ông Bé cho biết đã có cả chục vụ ngã xe tại đoạn sụt lún này.

Ông Bé cho biết đã có cả chục vụ ngã xe tại đoạn sụt lún này.

Cách đó khoảng 200m là điểm sụt lún sâu nhất, trước nhà bà Đinh Thị Thiệp (63 tuổi). Vị trí sụt lún cho thấy hơn 50% diện tích mặt đường gần như nằm vênh nhau gần 1m. Gia đình bà Thiệp thậm chí không thể chạy xe vào nhà. Lo lắng, gia đình bà đã gửi những vật dụng, tài sản có giá trị sang nhà hàng xóm vì lo lắng sạt lở sẽ cuốn trôi đi tất cả. Đồng thời, bà Thiệp cùng con cháu trong nhà sang nhà hàng xóm xin ở tạm.

Trước đó không lâu, tại ấp Phú An, cũng vừa phát sinh 2 đoạn sạt lở và nguy cơ sạt lở dài hơn 300m, ảnh hưởng đến 24 hộ dân. Đoạn sạt lở đã cắt đứt lối đi của người dân nơi đây, ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý, đời sống. Quan sát hiện trường vụ sạt lở trên cho thấy, không những dòng sông đã “ngoạm” đi tuyến đường giao thông mà còn tạo ra những vết nứt ăn sâu vào trong sân nhà dân.

Sau sự cố sạt lở làm mất nhiều đất sản xuất, đất ở của các hộ dân trên địa bàn xã Phú Đức, UBND tỉnh Vĩnh Long đã công bố tình huống khẩn cấp vụ sạt lở tại khu vực.

Ông Nguyễn Trung Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Long Hồ, cho biết huyện đã chỉ đạo địa phương sử dụng “4 tại chỗ”, trước mắt hỗ trợ người dân di dời ra khỏi nơi nguy hiểm. Với những hộ khó khăn, chưa có chỗ ở tạm thời thì huyện chỉ đạo xã tạo điều kiện để những hộ này có nơi sinh sống tạm thời. Với những trường hợp hộ dân bị ảnh hưởng không còn đất ở, huyện sẽ cố gắng hỗ trợ để người dân được ở tại các nền nhà tái định cư thuộc quỹ đất của huyện.

Mặt đường bên cao, bên thấp gây khó khăn cho người lưu thông.

Mặt đường bên cao, bên thấp gây khó khăn cho người lưu thông.

Theo ông Sơn, địa bàn xã Phú Đức có một số công trình trước đây đã được gia cố, nhưng do địa phương này có nền đất yếu nên nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở và tiếp tục sạt lở. Huyện đã báo cáo UBND tỉnh và các ngành chuyên môn của tỉnh phối hợp khảo sát tìm nguyên nhân cụ thể, từ đó có giải pháp phù hợp. Trước mắt, với những đoạn đã xảy ra sạt lở, địa phương thường xuyên theo dõi sát sao tình hình.

Sau khi khảo sát tìm ra nguyên nhân, các đơn vị chuyên môn sẽ lập dự toán, trình đơn vị thẩm quyền bố trí nguồn kinh phí để sớm khắc phục các đoạn sạt lở và ổn định đời sống người dân. Huyện cũng sẽ rà soát lại các nhà bị ảnh hưởng, kiểm kê các tài sản người dân bị thiệt hại để có hướng hỗ trợ sau này.

Đọc thêm