Nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi
Quảng Ngãi là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) với hơn 200.000 người, chiếm 14,1 dân số toàn tỉnh. Trong đó, đồng bào Hrê và Co chiếm đa số. Các DTTS sinh sống chủ yếu ở các huyện miền núi như Trà Bồng, Minh Long, Ba Tơ, Sơn Tây, Sơn Hà.
Điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, hiểu biết pháp luật còn hạn chế nên vẫn còn đó nhiều câu chuyện đổ vỡ trong hôn nhân. Trước thực trạng trên, các cấp ngành của tỉnh Quảng Ngãi đã nỗ lực tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là người phụ nữ vùng cao để họ thấu hiểu, tự tin làm chủ được cuộc sống.
Quảng Ngãi là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số với hơn 200.000 người, sống chủ yếu ở các huyện như Trà Bồng, Minh Long, Ba Tơ, Sơn Tây, Sơn Hà. |
Vợ chồng chị Hồ Thị S. (ở xã Trà Phong, huyện Trà Bồng) từng trải qua không ít mâu thuẫn trong hôn nhân. Nắm được thông tin, các thành viên mô hình “Địa chỉ tin cậy cộng đồng” của thôn đã đến tận nhà khuyên nhủ, hòa giải, tuyên truyền những kiến thức pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình. Đến nay, hai vợ chồng chị S. đã thay đổi nhận thức, có những hành vi ứng xử phù hợp, cùng nhau chăm lo làm ăn, xây dựng hạnh phúc gia đình.
“Các chị trong tổ đã giải đáp những thắc mắc, tuyên truyền câu chuyện hay về hôn nhân gia đình nên hai vợ chồng tìm được tiếng nói chung. Tôi còn được tham gia các lớp tập huấn, tham gia câu lạc bộ “Phụ nữ với pháp luật”, biết thêm được nhiều điều, và sẽ cố gắng để không vi phạm luật pháp. Vợ chồng cùng xây dựng gia đình hạnh phúc để nuôi con ăn học, phát triển kinh tế gia đình”, chị S. chia sẻ.
Mô hình “Địa chỉ tin cậy cộng đồng” đến tận nhà tuyên truyền kiến thức pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình |
Anh Hồ Văn Điệp, cùng ở xã Trà Phong, cho biết: “Trước đây nam giới không lo làm ăn, hay uống rượu, kinh tế không phát triển. Nhờ thành viên của mô hình “Địa chỉ tin cậy cộng đồng” đến tuyên truyền, tập huấn các kiến thức về pháp luật như: Luật bình đẳng giới, Luật hôn nhân gia đình, Luật phòng chống bạo lực gia đình... chúng tôi mới vỡ ra được nhiều điều”.
Ở xã Ba Thành (huyện Ba Tơ), mỗi thành viên trong tổ truyền thông cộng đồng thôn Nước Y đều là một tuyên truyền viên tích cực, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến hội viên phụ nữ ở cơ sở. Định kỳ mỗi tháng, mỗi quý, tổ truyền thông cộng đồng đều tổ chức các buổi sinh hoạt, giải đáp những vấn đề còn vướng mắc, nâng cao hiểu biết kiến thức pháp luật cho phụ nữ, trẻ em.
Nam giới ở miền núi đã thay đổi nhận thức xây dựng gia đình hạnh phúc. |
Bà Nguyễn Thị Hằng, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Trà Bồng cho hay, trước khi thành lập “Địa chỉ tin cậy”, huyện đã tổ chức tập huấn nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ các thành viên trong tổ “Địa chỉ tin cậy”. Huyện hợp đồng báo cáo viên có kinh nghiệm hướng dẫn cách thức giải quyết các vấn đề về bạo lực gia đình. Đến nay, cuộc sống của chị em phụ nữ được nâng cao, chính quyền quan tâm nên các gia đình có sự thay đổi, hạnh phúc hơn, tình trạng bạo lực gia đình đã giảm nhiều.
Tiến đến xóa bỏ nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống
Tại huyện miền núi Minh Long, các cấp ngành địa phương đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân để tiến đến chấm dứt nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Chính quyền huyện tổ chức tuyên truyền, vận động người dân vùng đồng bào DTTS xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, chú trọng đẩy mạnh phát huy vai trò của hội, đoàn thể, người có uy tín... trong tuyên truyền người dân. Duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của Câu lạc bộ “Nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”, mô hình “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”, gắn với biểu dương cách làm hay, hộ gia đình, cá nhân tiêu biểu trong thực hiện phòng, chống tảo hôn.
Đồng thời, đưa việc vận động này vào trường học để các em học sinh nắm bắt, hiểu rõ những vấn đề của việc tảo hôn.
Tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho phụ nữ vùng cao được các cấp, ngành của tỉnh Quảng Ngãi chú trọng thực hiện. |
Tại trường THPT Minh Long, dưới sự hướng dẫn, gợi ý của cô giáo Đinh Thị Cảm, Bí thư Đoàn trường, các em học sinh đã thảo luận và mạnh dạn bày tỏ chính kiến của mình sẻ về chủ đề “Bạn sẽ làm gì để xóa bỏ nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống”.
Em Đinh Thị To Ky Na, học sinh lớp 12 cho biết, bố mẹ ly hôn, em sống cùng ông bà ở thôn Làng Giữa (xã Long Môn). Từ năm học 2022 - 2023, em học tại trường và ở bán trú nên được thầy cô quan tâm, gần gũi, thường xuyên trò chuyện, chia sẻ về những kiến thức liên quan đến tình yêu, hôn nhân gia đình cũng như nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Nhờ vậy, em biết lựa lời nói chuyện với ông bà để từ bỏ những quan niệm, phong tục không còn phù hợp; mạnh dạn “nói không” với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, chuyên tâm học hành để có tương lai tươi sáng hơn.
Các thầy cô giáo trường THPT Minh Long thường xuyên chuyện trò, dặn dò và động viên học sinh bán trú của trường chuyên tâm học hành, mạnh dạn “nói không” với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. |
Theo cô giáo Đinh Thị Cảm, xác định học sinh là chủ thể chính của tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống nên ngoài chương trình học chính khóa, nhà trường, thầy, cô giáo chú trọng giáo dục kỹ năng, trang bị kiến thức liên quan đến vấn đề này qua các buổi sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp... Bên cạnh đó, trường cũng thường xuyên tổ chức các cuộc thi tìm hiểu kiến thức về hôn nhân gia đình để học sinh có nhiều thông tin, kiến thức và chia sẻ đến người thân, bạn bè. Nhờ đó, những năm qua, trường không có tình trạng học sinh tảo hôn, kết hôn cận huyết thống.
Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Long Đinh Thị Xuân Hương cho rằng, với những phong tục, tập quán đã ăn sâu vào tiềm thức người dân như tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống thì việc thay đổi không thể thực hiện trong “ngày một, ngày hai”, mà cần thời gian tuyên truyền, vận động thường xuyên, liên tục theo phương châm “mưa dầm thấm lâu”. Bên cạnh đó, huyện đẩy mạnh tuyên truyền các chính sách pháp luật nói chung, về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống nói riêng trên các nền tảng số. Qua đó, lan tỏa thông tin nhanh hơn, giúp người dân tiếp cận dễ dàng và thuận lợi hơn.
Quảng Ngãi chú trọng đào tạo, bồi dưỡng năng lực, kỹ năng truyền thông cho phụ nữ vùng đồng bào DTTS. |
Bà Võ Thị Trâm Anh, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Quảng Ngãi cho biết, thời gian qua, đơn vị đã chỉ đạo các cấp hội ở cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền, giúp phụ nữ vùng dân tộc thiểu số tiếp cận với hệ thống các văn bản pháp luật.
Các hoạt động tuyên truyền pháp luật cho phụ nữ là cán bộ, hội viên tiêu biểu của Hội LHPN cấp huyện, xã của 5 huyện có đồng bào DTTS nằm trong Dự án 8 cũng được triển khai thường xuyên; cung cấp kiến thức, kỹ năng, giúp hội phụ nữ ở cơ sở triển khai có hiệu quả các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
“Hội LHPN tỉnh và các cấp hội phụ nữ ở 5 huyện miền núi trong tỉnh sẽ sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục, nâng cao kiến thức pháp luật cho phụ nữ. Qua đó, giúp các địa phương thực hiện thực thi có hiệu quả chính sách dân tộc, góp phần nâng cao trình độ, nhận thức của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, bà Anh nói.