Hy hữu: Vì 2 sào lạc, con tố mẹ ra trước vành móng ngựa

(PLO) -“Đây là vụ án hy hữu, con cái kiện mẹ, anh kiện em, đưa mẹ và em ra vành móng ngựa. Vẫn biết pháp luật rất sòng phẳng với những hành vi sai trái, song chúng ta cũng không cổ xúy cho những hành vi mà tình mẫu tử bị tát cạn bởi đồng tiền như vụ án này. Không có gì đáng để người mẹ già 88 tuổi phải ra đứng trước vành móng ngựa...”, Luật sư Trương Văn An - người bào chữa cho bị cáo Chu Văn Quý chia sẻ.
Nhiều người dân không khỏi chua xót khi chứng kiến cảnh cụ bà 88 tuổi ra trước vành móng ngựa.
Nhiều người dân không khỏi chua xót khi chứng kiến cảnh cụ bà 88 tuổi ra trước vành móng ngựa.

Đi bừa thuê cũng thành đồng phạm

Như đã nêu trong bài trước, sau sự việc phá ruộng lạc của vợ chồng con trai lớn, bà Nguyễn Thị Rộng (SN 1929, ở thôn Nghi Xuyên, xã Chí Tân, huyện Khoái Châu) cùng con trai thứ Chu Văn Quý (SN 1964) và người lái máy bừa thuê là Nguyễn Văn Tập (SN 1975) đều bị khởi tố về tội Hủy hoại tài sản. 

“Rộng là người chủ mưu nên giữ vai trò chính, Qúy giữ vai trò giúp sức tích cực, Tập thực hiện hành vi tích cực” - Cáo trạng của VKS ND huyện Khoái Châu do viện trưởng Đỗ Trung Kiên ký nêu.

Dù may mắn được cho tại ngoại nhưng từ ngày bị khởi tố đến nay, anh Nguyễn Văn Tập lo lắng đến mất ăn mất ngủ, không còn chí thú làm ăn. Bản thân chỉ là một người dân lao động, mong muốn kiếm đồng tiền chân chính nhưng anh Tập không ngờ mình lại vướng vòng lao lý. 

Anh Tập cho biết, tính ra anh đã hành nghề lái máy cày, máy bừa thuê được hơn 20 năm nhưng sau ngày xảy ra sự việc không lâu, anh phải bán cả máy. “Không chỉ bản thân tôi mà nhiều anh em cùng nghề cũng cảm thấy hoang mang”, anh Tập cho hay.

Kể lại sự việc hôm đó, anh Tập cho biết: “Hôm đó (9/3/2015), anh Quý ra nhà tôi mấy lần nhưng tôi không có nhà. Buổi trưa, anh chở bà Rộng ra cùng. Bà bảo tôi, ra lồng (bừa) cho bà ruộng lạc”. 

Nghĩ ruộng lạc mới trồng được khoảng 1 tháng nên anh Tập hỏi lại cho chắc chắn thì bà Rộng giải thích: “Bà lồng để chuyển đổi cây trồng, chuyển sang trồng đỗ”. Bà Rộng còn nói:“Ruộng đó trước bà cho vợ chồng Hải Én thuê nhưng bà với anh chị thỏa thuận đền bù hết rồi, cứ giúp bác, bác chịu trách nhiệm”.

“Đất đó là đất chính chủ của bà cụ. Chủ đất ra bảo lồng lại có con trai đi cùng. Vợ chồng chị Én với bà cụ là mẹ con với nhau, chuyện người dân chuyển đổi cây trồng không có gì là lạ. Khi tôi ra bừa cũng không gặp bất cứ sự ngăn cản nào từ người dân hay chính quyền. Nhiều trường hợp người dân không đến tận nhà, nhờ người khác nhắn hộ chúng tôi còn đi lồng huống chi đây, đích thân bà cụ ra bảo”, anh Tập cho biết.

Chiều hôm đó, sau khi về nhà được 1 lúc thì anh Quý có chở mẹ ra trả tiền công cho anh Tập 150.000 đồng. “Tiền công tôi nhận đúng theo giá thị trường. Tôi làm nghề bao năm ở đây, người dân người làng đều biết chứ có phải đi bừa phá thuê đâu. Nếu biết gia đình họ có tranh chấp thì đời nào tôi nhận làm để đến nỗi bây giờ mang vạ vào thân. Có trăm rưỡi bạc chứ đâu nhiều nhặn gì để tôi phải đánh liều”, anh Tập tấm tức cho biết.

Anh Tập không đồng tình với việc mình bị khởi tố.
Anh Tập không đồng tình với việc mình bị khởi tố.

Đau đớn, con tố mẹ ra tòa

Tìm đến nhà bà Rộng, trong căn nhà lợp ngói đơn sơ không có đồ đạc gì giá trị. Duy nhất có chiếc tivi màu do người cháu mới mang về được mấy tháng, để cụ xem cho đỡ buồn. Ở cái tuổi gần 90, mắt đã mờ, chân đã chậm nhưng trước ngày xảy ra sự việc, cụ hãy còn minh mẫn. Vậy mà hôm chúng tôi tới hỏi, cụ lúc nhớ lúc quên. Hỏi được mấy câu, cụ lại than trời nói: “Ai đời, con ký giấy bỏ tù mẹ mấy chú ơi!”.

Hỏi ra mới biết, sau ngày con trai thứ bị bắt (anh Quý bị bắt tạm giam tổng cộng gần 3 tháng- PV), bản thân bị khởi tố, hết công an gọi lại phải ra tòa đứng trước vành móng ngựa, bà cụ suy sụp hẳn. “Mỗi lần có giấy tòa gọi, cụ lại ốm, ra tòa thì khóc lóc. Từ đợt đó đến giờ, cụ sút 3,4 cân thịt, mỗi bữa ăn được mấy miếng cơm”, người cháu cho hay.

Kể về nguồn gốc thửa ruộng tranh chấp, bà Rộng cho biết: thửa ruộng đó là của bố mẹ đẻ bà để lại. Do trên đó còn có 1 ngôi điện thờ nên bà phải “gánh” để thắp hương “hầu nhà thánh”.

Bà trồng trọt ở đó đến khoảng 10 năm trước thì cho vợ chồng người con trai lớn làm. “Năm thì chúng nó (chỉ vợ chồng chị Én - PV)trả cho 1 triệu, năm thì trả 500 ngàn đồng nhưng hai năm nay, vợ chồng nhà Én không trả tiền thuê nữa”, bà Rộng kể.

Cũng theo lời bà Rộng, không thấy con trả tiền thuê ruộng, bà có đến đòi thì chị Én nói “ăn hết rồi, không có tiền trả”, đã thế còn chửi cả mấy đời mẹ chồng. Bực tức bà mới bảo: “lỗ thì thôi, bà lấy lại ruộng không cho làm nữa”. Đầu tháng 3/2015, biết con dâu đã trồng lạc, bà có mang 1 triệu đồng sang nhà trả tiền lạc giống và công chăm sóc để lấy lại ruộng nhưng chị Én không cầm. 

Sáng ngày 9/3/2015, bà Rộng có cầm 1 con dao ra ruộng chặt được 1 số cây lạc thì có mấy người đi đường bảo bà thuê máy lồng bừa ruộng. Thời điểm đó, người con trai thứ là anh Chu Văn Quý (sinh sống ở thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An) có về thăm nhà. Thấy con trai ra ruộng, bà Rộng bảo anh Quý đi thuê máy lồng để bừa ruộng lạc như đã nêu trên. 

Xét về mặt dân sự, một luật sư thuộc Đoàn luật sư Hà Nội phân tích, nếu không có thỏa thuận khác thì việc bên thuê không trả tiền thuê là đã vi phạm hợp đồng. Hơn nữa, luật cũng cho phép 1 bên đơn phương chấm dứt hợp đồng.

Ở đây, có thể thấy bà Rộng đã có thông báo về việc mình sẽ lấy lại ruộng với con đồng thời còn mang tiền sang trả nhưng chị Én không nhận là do lỗi của chị Én. Tuy nhiên, cần xem xét thêm việc trước khi phá ruộng lạc, bà có thông báo trước hay không?

Được biết, bà Rộng có 6 người con nhưng chỉ có 2 con trai. Tuy nhiên tất cả đều ở xa chỉ có vợ chồng anh Hải là ở gần. Chứng kiến cảnh bà cụ tóc bạc da mồi lay lắt trước vành móng ngựa, nhiều người dân địa phương không khỏi lắc đầu chua xót.

“Có thể trong gia đình còn có những mâu thuẫn khác nhưng nói gì thì nói, bổn phận của người làm con không cho phép có hành vi hỗn hào với mẹ, càng không nên để người thân phải chịu những hình phạt của pháp luật”, một người dân địa phương nói. 

Đồng tình với quan điểm trên, luật sư An bày tỏ: “Không có gì đáng để người mẹ 88 tuổi phải ra trước vành móng ngựa. Nếu là người có trái tim phải là người có trách nhiệm nuôi dưỡng mẹ già. Vụ án này là tiếng chuông cảnh báo về đạo đức gia đình xuống cấp nghiêm trọng”, luật sư Trương Văn An bày tỏ quan điểm.

Nhiều người dân địa phương cũng cho rằng, sự việc trên hoàn toàn có thể được xử lý theo hướng dân sự. Bởi pháp luật bên cạnh cái lý còn có cái tình. Việc các cơ quan tố tụng tiến hành khởi tố vụ án hình sự, bắt tạm giam người khiến cho sự việc đi quá giới hạn, mâu thuẫn trong gia đình đã không được hòa giải thì nay lại bị khoét sâu thêm.

Mục đích của pháp luật vì một xã hội ổn định, hạnh phúc không đạt được. Điều này cũng hoàn toàn đi ngược lại tinh thần “không hình sự hóa” mà Thủ tướng Chính Phủ từng nêu. 

(Báo PLVN sẽ tiếp tục phản ánh)

Không cần thiết phải bắt tạm giam?

Khoản 1 điều 88 Luật Tố tụng Hình sự quy định: Tạm giam có thể được áp dụng đối với bị can, bị cáo trong những trường hợp sau đây:

a) Bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng; phạm tội rất nghiêm trọng;

b) Bị can, bị cáo phạm tội nghiêm trọng, phạm tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù trên hai năm và có căn cứ cho rằng người đó có thể trốn hoặc cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội.

Liên quan đến vụ việc trên, ngày 11/11/2015, Công an huyện Khoái Châu gọi điện thoại cho anh Quý (khi anh Quý đang ở thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) lên lấy lời khai rồi ngày 13/11/2015 đã tiến hành bắt tạm giam ngay tại trụ sở công an huyện (lệnh bắt số 28/LBBC) trong thời gian 60 ngày.

Trong trường hợp của anh Quý phạm tội thuộc khoản 1 điều 143 là thuộc tội phạm ít nghiêm trọng. Xem xét vụ việc của anh Quý, theo ý kiến của nhiều luật sư, trường hợp này, cơ quan CSĐT hoàn toàn có thể áp dụng biện pháp ngăn chặn khác mà không cần phải tạm giam.

Đọc thêm