Hy Lạp đòi Đức bồi thường chiến tranh: “Cuộc đấu” không dễ sớm chấm dứt

(PLO) - Chuyện nước Đức bồi thường cho Hy Lạp về những thiệt hại mà nước Đức quốc xã đã gây ra cho Hy Lạp thời chiến tranh thế giới thứ hai thật không dễ giải quyết. 
Lính Đức tại Hy Lạp trong Thế chiến 2
Lính Đức tại Hy Lạp trong Thế chiến 2

Hy Lạp và Đức đều là thành viên của NATO và EU. Diễn giải theo cách khác, hai nước này đều là đồng minh quân sự và đối tác chiến lược của nhau, lại còn đã như thế từ nhiều thập kỷ nay rồi. Có không ít cả luật lẫn lệ ràng buộc hai nước này vào số phận chung. Giữa hai nước đã từng có một thời kỳ quá khứ lịch sử tăm tối liên quan đến nhà nước Đức quốc xã và chiến tranh thế giới thứ hai. Cái quá khứ lịch sử ấy bây giờ lại phủ bóng xuống mối quan hệ giữa hai đồng minh quân sự và đối tác chiến lược này.

Chuyện liên quan đến bồi thường, chuyện nước Đức bồi thường cho Hy Lạp về những thiệt hại mà nước Đức quốc xã đã gây ra cho Hy Lạp thời chiến tranh thế giới thứ hai. Những thiệt hại này đã được ghi lại trong các tài liệu lịch sử, các văn kiện cụ thể và nhà nước Đức hiện tại cũng không phủ nhận. Chính phủ Hy Lạp đã nhiều lần lên tiếng chính thức hoặc đề cập xa gần đến việc yêu cầu nhà nước Đức bồi thường. Vì thế nên mới lại có chuyện lệ cụ thể đấu chọi với luật chung chung.

Lệ trong câu chuyện này rất cụ thể. Nước Đức hiện tại kế thừa về phương diện pháp lý quốc tế nhà nước Đức quốc xã khi xưa, nên phải gánh chịu trách nhiệm về mọi phương diện đối với những gì mà nhà nước Đức quốc xã khi xưa gây ra, về chính trị cũng như pháp lý, về vật chất cũng như đạo lý.

Luật có thể xử lý khác chứ lệ ở đây là có nợ thì phải trả, gây ra thiệt hại thì phải bồi thường; không tuyệt đối và thái quá đến mức nợ máu thì phải trả bằng máu, nhưng cũng không thể đơn giản chỉ là một lời xin lỗi xuông. Phía Hy Lạp đòi phía Đức phải bồi thường khoản tiền lớn. Cái lệ này hợp tình hợp lý đến mức không ai có thể phản bác được.

Trong thế giới tư pháp, muốn chế tài lệ thì không thể không dùng luật. Phải dùng luật bởi chỉ luật mới có được cái quyền năng ấy. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, chuyện bồi thường là vấn đề lớn, nan giải và vô cùng nhạy cảm đối với cả hai nhà nước Đức (thời điểm đó nước Đức tạm chia thành Đông Đức và Tây Đức - PV).

Cách giải quyết chung được áp dụng là ký kết những thoả thuận song phương và đa phương với giải pháp cho vấn đề này mà nội dung cơ bản thường là mức bồi thường; và tuyên bố chung là vấn đề bồi thường đã được giải quyết ổn thoả và dứt điểm. Giữa nước Đức và Hy Lạp cũng vậy. 

Nước Đức hồi giữa thập kỷ 50 của thế kỷ trước ký thoả thuận đa phương về giải quyết vấn đề bồi thường này với tất cả các nước liên quan, nhưng Hy Lạp không tham gia ký. Khi nước Đức thống nhất, hai nhà nước Đức ký với 4 nước là Nga, Mỹ, Anh và Pháp hiệp ước mà ở trong đó cũng có tuyên bố “không đặt ra lại vấn đề bồi thường”.

Như thế có nghĩa là rất đầy đủ thoả thuận và văn bản pháp lý quốc tế cho việc xử lý dứt điểm và ổn thoả vấn đề nước Đức bồi thường cho các nước châu Âu. Luật chung chung như thế mà cũng lại không có sự tham gia của Hy Lạp.

Hy Lạp bây giờ vận dụng lệ còn phía Đức thì viện dẫn hai hiệp ước nói trên, tức là dựa vào luật. Đức cho rằng mọi chuyện đã được xử lý ổn thoả bằng hai văn bản pháp lý quốc tế nói trên; cho nên đòi hỏi của Hy Lạp bây giờ là vô lý và phía Đức không thể châp nhận được.

Phía Hy Lạp cho rằng cả hai hiệp ước kia đều không có sự đồng thuận của Hy Lạp và không thể là giải pháp được Hy Lạp chấp thuận. Nếu đó là luật thì luật ấy quá chung chung và lại còn không thể được áp dụng cho trường hợp của Hy Lạp trong khi cái lệ lại hết sức cụ thể và áp dụng cho cả nhà nước Đức.

Cuộc đấu giữa lệ và luật này không phải vô cớ và không dễ được chấm dứt. Xưa nay, lệ luôn yếu thế hơn so với luật. Nhưng cuộc đấu này càng dai dẳng thì tác động chính trị của nó càng thêm tai hại đối với luật, kể cả khi rồi lệ không thắng nổi luật.