Hy vọng có tiến bộ thực chất ở Biển Đông

(PLO) - Trong bài xã luận được đăng tải trên tờ Channel News Asia ngày 15/10, 2 nhà nghiên cứu Henrick Z Tsjeng và Collin Koh ở Viện nghiên cứu chiến lược và quốc phòng thuộc Trường nghiên cứu quốc tế S Rajaratnam tại Singapore cho rằng việc Singapore đóng vai trò chủ tịch  ASEAN trong năm 2018 sẽ là cơ hội để đạt được những tiến bộ thực chất ở Biển Đông.
Tàu hải cảnh Trung Quốc gần tàu tuần tra của Cảnh sát Biển Việt Nam ở Biển Đông năm 2014

Trong bài viết, 2 nhà nghiên cứu Henrick Z Tsjeng và Collin Koh cho rằng 2017 là năm đánh dấu 50 năm thành lập nhưng cũng là một năm thử thách với ASEAN. Nhìn lại quãng đường đã qua, 10 nước thành viên ASEAN có thể tự hào về những cột mốc và thành tựu quan trọng đã đạt được, đặc biệt là trong lĩnh vực hợp tác an ninh. 

Theo 2 tác giả, khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nơi những tranh chấp lãnh thổ chưa được giải quyết và nhiều khả năng sẽ không thể giải quyết trong một sớm một chiều, là những điểm nóng về nguy cơ xung đột. Trong bối cảnh đó, tiến trình ngoại giao dựa trên những nguyên tắc chủ đạo đã được đồng thuận là cách tốt nhất để đảm bảo tất cả các bên cùng tham gia tìm kiếm một giải pháp có ý nghĩa. Vì vậy nên những nỗ lực quan trọng để đưa đến tiến triển trong vấn đề Biển Đông mà nổi bật là việc ban hành bộ khung Bộ quy tắc ứng xử giữa ASEAN và Trung Quốc (COC) hồi tháng trước tại Manila là một điều rất đáng chú ý. 

Trong bối cảnh năm 2017 sắp khép lại và chức chủ tịch ASEAN sẽ được chuyển giao từ Philippines sang cho Singapore, chúng ta có thể kỳ vọng sẽ chứng kiến những hành động và biện pháp cụ thể hơn nhằm thúc đẩy hòa bình và ổn định trong khu vực, 2 nhà nghiên cứu nhận định. Bởi, theo các ông Henrick Z Tsjeng và Collin Koh, với việc nổi tiếng là nước hành động thay vì lời nói và cũng là một bên trung lập, không đứng về bên nào trong vấn đề Biển Đông, Singapore có vị thế tốt nhất để thúc đẩy chương trình nghị sự của ASEAN trong vấn đề này.

Thêm vào đó, Singapore cũng là nước tích cực trong việc thúc đẩy định hình hợp tác an ninh ở châu Á – Thái Bình Dương, đưa hợp tác giữa 18 nước trong khuôn khổ Hội nghị bộ trưởng quốc phòng ASEAN và các đối tác trở thành thực tế với các cuộc tập trận chung và những hoạt động trao đổi chuyên nghiệp. Singapore cũng là nước có những tính toán dứt khoát trong vấn đề an ninh khu vực nên hoàn toàn có khả năng định hình cách thức để thúc đẩy những tiến bộ thực chất trong vấn đề Biển Đông. 

Theo 2 nhà nghiên cứu, về cơ bản, các cơ quan an ninh của các nước sẽ phải duy trì hòa bình trong ngắn hạn để tạo thời gian cho các nhà hoạch định chính sách ngoại giao cùng làm việc để đạt được mục tiêu hòa bình trong dài hạn. Bởi, các nhà hoạch định chính sách và giới chức chính trị các nước nhiều khả năng sẽ cần phải tiến hành những cuộc thảo luận kéo dài để cụ thể hóa COC và cơ chế này cũng cần có thời gian để thực hiện.

Trong lúc đó, một trong những sáng kiến cần được chú ý là Bộ quy tắc cho các va chạm không báo trước trên biển (CUES) – thỏa thuận giữa 21 lực lượng đã được lực lượng hải quân 21 nước ký kết và nhất trí với các quy tắc về việc quản lý các va chạm giữa các tàu hải quân. Hai nhà nghiên cứu trên cho rằng đã đến lúc mở rộng CUES ra các lực lượng khác, bắt đầu là lực lượng bảo vệ bờ biển – những người làm việc ở tiền tuyến trong các điểm nóng hàng hải ở châu Á – Thái Bình Dương, rồi sau đó là mở rộng ra các cơ quan bảo vệ các vùng biển sâu và cả trên không. Đây đều là những việc mà Singapore đã chú ý tới và nên tích cực thúc đẩy trong thời gian tới đây. 

Đọc thêm