Cho đến hiện tại, chủ nhà Việt Nam đã chốt 40 môn thể thao sẽ thi đấu tại SEA Games 31 trên sân nhà vào tháng 5/2022. Theo tính toán, với khoảng 100 huy chương vàng (HCV) ở các môn ở nhóm 1, nhóm 2 (theo phân loại các môn thể thao thuộc diện ưu tiên đầu tư ở các giải quan trọng của thể thao Việt Nam) và khoảng 30-50 HCV từ các môn nhóm 3, đoàn thể thao Việt Nam sẽ có thể giành lấy ngôi nhất toàn đoàn khu vực Đông Nam Á.
Trong số các môn nhóm 3 này, lặn dự kiến mang về cho Việt Nam “cơn mưa vàng” bởi trình độ của các kình ngư của chúng ta vượt trội so với khu vực lẫn châu lục. Lặn là bộ môn có tốc độ nhanh nhất ở các môn thể thao dưới nước.
Thực tế, giới chuyên môn đều biết, môn lặn và bơi ở cùng nhóm và giải thi đấu quốc gia luôn diễn ra cùng thời điểm nhưng sự đầu tư cho lặn còn khá thấp. Dù không phải là đội tuyển được chú ý nhiều nhưng những thành tích bộ môn này đạt được tại các kỳ SEA Games trước đều rất đáng nể.
VĐV Nguyễn Thành Lộc là niềm hy vọng của tuyển lặn tại SEA Games 31. |
Lần đầu xuất hiện tại Đại hội thể thao Đông Nam Á ở kỳ SEA Games lần thứ 22 vào năm 2003 được tổ chức tại Việt Nam, các kình ngư nước chủ nhà đã xuất sắc giành đến 13 HCV trong tổng số 16 bộ huy chương.
Trong 2 lần tổ chức tiếp theo ở SEA Games 25 (năm 2009 ở Lào) và SEA Games 26 (năm 2011 ở Indonesia), bộ môn lặn Việt Nam giành lần lượt 4 HCV và 6 HCV, đồng thời phá nhiều kỷ lục Đông Nam Á.
“Hiện tại, bộ môn lặn của Việt Nam không chỉ đứng số 1 ở khu vực Đông Nam Á mà còn của cả châu Á. Chỉ có một vài quốc gia như Trung Quốc và Hàn Quốc là có khả năng cạnh tranh với Việt Nam. Chúng ta sở hữu lực lượng đang ở độ tuổi sung mãn, tài năng và giành nhiều thành tích vang dội ở đấu trường châu lục lẫn thế giới”, ông Hoàng Quốc Bình - huấn luyện viên (HLV) lặn đội tuyển quốc gia chia sẻ.
Ông Hoàng Quốc Bình - HLV lặn đội tuyển quốc gia |
Được biết, kỳ SEA Games gần nhất môn lặn nằm trong chương trình thi đấu là năm 2011 tại Indonesia. Vậy là sau 11 năm, môn lặn mới trở lại chương trình thi đấu SEA Games ở kỳ lần thứ 31 tổ chức tại Việt Nam.
Ở đại hội lần này, đội tuyển lặn quốc gia vừa chốt danh sách 22 VĐV (vận động viên) tham dự. Bộ môn lặn tranh chấp 13 bộ huy chương. Chỉ tiêu của đội tuyển lặn Việt Nam là giành từ 6-8 HCV. Đây là con số khá khiêm tốn nhưng được cho rằng phù hợp với thời điểm hiện tại khi ở khu vực Đông Nam Á, ngoài Thái Lan và Philippines, Indonesia đang nổi lên với nhiều VĐV tài năng, có chỉ số ngang ngửa với các tuyển thủ hàng đầu Việt Nam ở một số nội dung thi đấu.
Nội dung lặn vòi hơi chân vịt |
Ông Nguyễn Ngọc Anh, phụ trách bộ môn lặn (Tổng cục Thể dục Thể thao) nhận định: “Hiện tại, có 8 quốc gia đăng ký sơ bộ thi đấu môn lặn tại SEA Games 31. Chuyên môn ở thi đấu lặn giữa các đội tuyển đang có khoảng cách rất gần nhau nên tính cạnh tranh chắc chắn rất quyết liệt. Indonesia là một trong những đội tuyển mạnh đang có đầu tư lớn với môn lặn và đăng ký số VĐV tham dự SEA Games 31 môn này nhiều hơn chủ nhà Việt Nam”.
Hướng tới đại hội thể thao Đông Nam Á 2022 trên sân nhà, đội tuyển lặn Việt Nam đã có sự chuẩn bị kỹ càng. Tuy nhiên do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trong năm 2021 nên kế hoạch của đội tuyển lặn cũng bị ảnh hưởng.
Chia sẻ kế hoạch của đội, cùng những khó khăn mà đội tuyển lặn Việt Nam đã đối mặt, HLV Quốc Bình nói thêm: "Việc tập luyện, chuẩn bị cho các VĐV lặn phải theo một chu trình khá dài. Việc SEA Games dời lại từ năm 2021 sang 2022 khiến VĐV rơi nhịp, phải tập và bắt nhịp lại từ đầu nên có phần ảnh hưởng đến tâm lý. Dù vậy lực lượng tuyển đang có đều là những cái tên giàu kinh nghiệm, đã thi đấu nhiều giải lớn nên điều này không ảnh hưởng quá nhiều".
Theo kế hoạch, đội tuyển lặn Việt Nam sẽ tập luyện ở Mỹ Đình kể từ đầu tháng 5 cho đến lúc thi đấu SEA Games 31.