Vừa qua, IAEA đã công bố dữ liệu nghiên cứu tại Hội nghị quốc tế về an ninh hạt nhân lần thứ 4 diễn ra ở thủ đô Vienna, Áo. Cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hợp quốc kêu gọi các nước cảnh giác trước tình trạng ghi nhận hàng ngàn trường hợp vật liệu hạt nhân và các vật liệu phóng xạ khác biến mất trong nhiều năm qua.
Trong năm 2023, có 31 quốc gia đã báo cáo với IAEA về 168 trường hợp vật liệu hạt nhân hoặc vật liệu phóng xạ bị mất, bị đánh cắp hoặc bị loại bỏ không đúng quy trình. Trong đó có 6 vụ được cho là có khả năng liên quan đến buôn bán bất hợp pháp hoặc sử dụng với mục đích xấu, được xếp vào nhóm I - nhóm nghiêm trọng nhất theo cơ sở dữ liệu của IAEA về buôn bán hạt nhân bất hợp pháp.
Kể từ năm 1993, cơ quan này đã ghi nhận 4.243 vụ việc, trong đó 350 vụ là có liên quan hoặc có khả năng liên quan đến buôn bán bất hợp pháp hoặc sử dụng với mục đích xấu.
Bà Elena Buglova, Giám đốc phụ trách an ninh hạt nhân của IAEA cho rằng việc tái diễn các vụ việc này cho thấy sự cần thiết phải cảnh giác và liên tục cải thiện hơn nữa cơ chế giám sát để kiểm soát, bảo đảm loại bỏ vật liệu phóng xạ đúng quy trình.
Hiện có tổng cộng 145 quốc gia đã báo cáo với IAEA về các vụ việc liên quan đến vật liệu hạt nhân và các vật liệu phóng xạ khác bị mất, bị đánh cắp hoặc bị loại bỏ không đúng quy trình.