Động thái trên nhằm hỗ trợ những quốc gia hiện chiếm tới 2/3 dân số đang sống trong tình trạng cực nghèo của thế giới, chủ yếu ở khu vực châu Phi cận Sahara.
Các nước này đủ điều kiện nhận các khoản vay rẻ và lớn nhất từ Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) với nguồn vốn tài trợ từ các quốc gia giàu có hơn.
Theo IMF và WB, sự bùng phát dịch COVID-19 có thể gây ra hậu quả kinh tế và xã hội nghiêm trọng cho các quốc gia trong diện nhận hỗ trợ của IDA và họ sẽ phải đối mặt với nhu cầu thanh khoản ngay lập tức để ứng phó các thách thức do sự bùng phát của dịch COVID-19 .
IMF và WB kêu gọi Nhóm các nước phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ủng hộ sáng kiến trên, đồng thời cho rằng cần tiến hành phân tích nhu cầu tài chính mà các quốc gia nghèo nhất sẽ phải đối mặt và đánh giá liệu tổng số nợ hiện nay của các nước này có ở mức độ bền vững hay không.
IDA thuộc WB, là một trong những nguồn tài chính hỗ trợ lớn nhất cho 76 quốc gia nghèo nhất thế giới, cung cấp các khoản vay lãi suất thấp hoặc không lãi suất với thời hạn 30 năm trở lên cũng như viện trợ cho một số quốc gia gặp nhiều khó khăn.
Theo WB, trong tài khóa kết thúc vào ngày 30/6/ 2019, các cam kết hỗ trợ tài chính của IDA lên tới 22 tỷ USD, trong đó 36% được cung cấp theo hình thức viện trợ.