Indonesia tuyên chiến với thế giới bùa ngải

(PLO) - Vào cuối thập niên 1990, Indonesia rơi vào hoảng loạn trong một chiến dịch đẫm máu và huyền bí liên quan đến săn lùng phù thủy, khiến cho hơn 100 người chết. Những vụ “đồ sát” phù thủy khá hiếm trong thời buổi hiện đại ở Indonesia nhưng hàng năm vẫn diễn ra lẻ tẻ những vụ giết hại người hành nghề tâm linh.
Tháng 11/2016, Hạ viện Indonesia đã ra lệnh cấm hành nghề pháp sư, phù thủy

Hạ viện Indonesia (DPR) đã ra lệnh cấm các dukun santet - các thầy đồng cốt, phù thủy - từ tháng 11/2016 và gây ra  khá nhiều tranh cãi khi dư luận nói rằng đó là một hành động kỳ quái chống lại siêu nhiên. 

Nỗ lực

Chiếu theo luật – trong đó có Luật Hình sự sửa đổi mới nhất của Indonesia – thì sẽ là bất hợp pháp cho bất kỳ ai tuyên bố mình sở hữu quyền năng trừ ma tróc quỷ. Đây là lần thứ ba Chính phủ Indonesia đề xuất luật chống tà thuật mê tín dị đoan.

Những nỗ lực trước đó đã chết ngay trong “trứng nước” khi mà các nhà lập pháp tuyên bố tà thuật là nguy hại song cảnh sát không sao tìm ra được sự tồn tại của santet - bùa ngải.  Ông Arsul Sani, một nhà làm luật của DPR, cho biết: “Thứ mà chúng tôi muốn cấm là santet. Những người tuyên bố là Dukun Santet sẽ bị kết án”. 

Niềm tin vào phù thủy, bùa chú, ma thuật đã ăn sâu và lan mạnh trong xã hội Indonesia khi một số “thầy phù thủy” được xem như thần thánh. Nguyên Tổng thống Indonesia Suharto cũng như giới chính trị gia, các doanh nhân tên tuổi... tất cả được cho là đã phải cầu viện đến sức mạnh tâm linh ở các pháp sư, kèm những khoản tiền thưởng hậu hĩnh một khi ước nguyện đạt thành.

Thành phố Banyuwangi ở Đông Java, Indonesia, nơi nổi tiếng với những vụ giết người, nạn nhân bị cho là Dukun Santet 

Dù đã cố gắng tuyên truyền trong dân chúng về tai hại của tà thuật nhưng có rất ít thay đổi trong niềm tin của người Hồi giáo Indonesia. Một nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu Pew năm 2012 cho thấy, có khoảng 69% người Hồi giáo Indonesia tin vào bùa phép. 

Cuối thập niên 1990, Indonesia rơi vào hoảng loạn trong một chiến dịch đẫm máu và huyền bí liên quan đến săn lùng phù thủy, khiến cho hơn 100 người chết. Ở Đông Java, cư dân thành phố Banyuwangi còn chặn cửa nhà họ và tổ chức thành các nhóm tuần tra nhằm chống lại những “kẻ đeo mặt nạ đen Ninja” chuyên xuất hiện vào ban đêm, để lại những xác chết Dukun Santet bị chặt cụt tay chân hay cụt đầu.

Những vụ “đồ sát” phù thủy khá hiếm trong thời buổi hiện đại ở Indonesia nhưng hàng năm vẫn diễn ra lẻ tẻ những vụ giết hại người hành nghề tâm linh. Tháng 3/2016, một bà già 70 tuổi ở Bắc Sulawesi thuộc đảo Sulađã bị mưu sát, xác bị kéo lê trên phố bởi một đám đông khoảng 30 người.

Dân địa phương tin rằng bà lão đã “phù phép” khiến một người đàn ông đổ bệnh. Khi các bác sĩ bó tay, bệnh nhân đòi đưa đến nhà lão bà – nơi ông bị té ngã và phát bệnh. Ngày hôm sau, bà lão bị chết, thân thể bị chém bởi vô số vết dao rựa. 

Vụ án này đã khiến giới chính trị gia Indonesia thấy rằng cần phải thi hành luật pháp một cách nghiêm túc. Ông Arsul Sani, nhà soạn thảo ra quy định luật chống phù thủy, nói rằng nghe rất buồn cười khi nghĩ rằng Santet có đủ quyền năng để hạ gục ai đó sau song sắt nhà tù: “Qúy vị không thể nào làm được. Nếu ai nói về chuyện này, họ sẽ có nguy cơ đối mặt vòng lao lý”. 

Pháp luật về chống phù thủy đã có một lịch sử dài ở đảo quốc Indonesia. Buổi ban đầu, đã nổ ra một cuộc tranh cãi rằng không khả thi khi cấm đoán tà thuật nếu như không có sự đồng ý từ những người hành nghề này. Quy định thứ hai được ban hành vào năm 2013 cũng nhanh chóng trở thành một đề tài tranh cãi sôi nổi. Các nhà làm luật nhất trí đưa vấn đề này lên báo chí nhằm đo lường sự phản ứng của các luồng dư luận. 

Muôn màu thế giới bùa ngải

Mất thêm 3 năm, luật mới chống phù thủy. mê tín dị đoan có quy định ít tốn kém hơn: Đàn ông và đàn bà được sử dụng phép lành để chống lại tà thuật bùa chú. 

Bà thầy Dewi Sundari lập một trang web cquảng cáo tài năng tiêu trừ tà thuật, với con dấu chính thức, hứa hẹn sẽ tiêu trừ tà thuật bằng một loại bùa linh. Qua điện thoại, bà thầy Dewi giải thích: “Bản thân Santet là một dạng năng lượng phi vật chất.

Chân dung một Dukun Santet điển hình ở Indonesia 

Nguồn năng lượng này khi thâm nhập vào một mục tiêu nhất định của cơ thể thì có thể gây hại. Còn có một dạng tà thuật khác gọi là Teluh, dạng năng lượng phi vật chất của các cơ thể đang sống như con giòi, sâu và côn trùng. Một sự kết hợp giữa Teluh và cơ thể sống sẽ tạo thành cái gọi là Tenung”.  

Bà thầy Dewi Sundari nói rằng bà từng đổ bệnh do một Santet gây ra. Loại tà thuật năng lượng huyền bí này là thứ mà người Indonesia rất hay áp dụng trong các tranh chấp buôn bán hay xung đột gia đình; số khác lại sử dụng để “trả thù” một ai đó.

Bà thầy Dewi nhấn mạnh: “Nó là một cách làm nguy hiểm, song không có nghĩa là người Indonesia cần phải từ bỏ tà thuật. Chúng tôi thật sự không muốn luật tạo ra để rồi lại sinh ra những quy chụp sai lầm. Nếu có người khoe khoang họ sở hữu ma thuật nhưng thật sự họ không làm được bùa chú thì sao?”

Bà thầy Dewi Sundari kiếm tiền bằng cách tiêu trừ bùa chú, quả quyết rằng luật không hiệu quả gì đối với việc làm ăn của mình. Dewi tính phí khách hàng dựa trên tiềm lực tài chính của họ, và nếu khách hàng quá nghèo khổ thì bà “biếu không”. 

Song cũng có những thầy bùa lại dùng tà thuật để làm giàu ở Indonesia, nổi tiếng nhất phải kể đến là Agung Yulianto. Ông thầy này có tên cha sinh mẹ đẻ là Ki Joko Bodo, có tin cho rằng đãkiếm tới hàng tỷ Rupiah thông qua các dịch vụ tâm linh của mình.

Trong một phòng khách của một đài truyền hình nhỏ, nơi chuyên tổ chức các buổi tâm linh về siêu hình, Ki Narto ăn vận khá lịch sự với veston đen và chiếc áo sơ mi có những hàng sọc trắng, đỏ có cài cúc chéo và đeo kính gọng đỏ.

Người ta cho rằng thầy đang sở hữu những quyền năng huyền bí là những dạng năng lượng nào đó đến từ các thế giới khác. Chỉ những ai được giáo huấn và tập luyện đúng phương pháp thì mới có thể tiếp cận được nguồn năng lượng đó.

Thầy Ki Narto nhấm từng ngụm nước được ngâm trong những cánh hoa – một dạng nước uống thông dụng trong thế giới các Dukun - và tuyên bố: “Khắp Indonesia đầy ngập thầy bùa giả hiệu, họ sử dụng mánh khóe để thuyết phục khách hàng ngây thơ rằng mình đang sở hữu các quyền năng huyền bí”. 

Từng biểu diễn “ma thuật” trên đài truyền hình Indonesia, Ki Narto cảnh giác với bất kỳ ai “khoe mẽ” trực tuyến về quyền năng của họ: “Nếu quý vị là Dukun thực sự thì có thể dùng Santet mà không cần phải nhờ tới quảng cáo để tâng  bốc bản thân”. Ki Narton tuyên bố mình sở hữu những kỹ năng đặc biệt. Mấy năm trước, Ki Narto đã đấu tranh với người bạn của mình, người này tỏ ra hoài nghi về khả năng của Ki Narto.

Một ngày nọ, chỉ ước người kia chết đi cho khuất mắt, Ki Narto hình dung ra cái chết của người kia, và kỳ lạ là người kia chết thật. Giải thích về việc này, Ki Narto nói: “Ông ta rất thô lỗ, không chỉ với tôi mà hầu như với hết thảy mọi người xung quanh. Vì thế khi tôi hỏi người đó lái loại xe gì thì ông nói là cưỡi xe đạp. Tôi liền nói: “Được rồi, ông sẽ chết trong một vụ va quẹt”.

Một hình nhân, đồ vật nổi tiếng của các Dukun hay dùng “tà thuật” 

Tôi về nhà và mường tượng ra cảnh một tai nạn xe đạp. Và liền đó, Ki Narto nhận được cú điện thoại: Người đàn ông kia đã chết! Môt người bạn gọi tôi: “Này ông ơi, gã thô lỗ kia ngỏm củ tỏi rồi…trong một vụ tai nạn”. 

Ki Narto nói bằng chất giọng trầm buồn: “Tôi không hại lão kia. Nhưng cái mà tôi muốn nhấn mạnh rằng, lời nói của tôi có thể mang lại may mắn hay xui xẻo. Tôi hằng dùng lời nói để đem lại may mắn cho ai đó, nhưng cũng có lúc từ cái miệng tôi sẽ gây ra tai họa cho kẻ khác”.

Khi được ướm hỏi rằng ông sẽ trở thành kẻ tội phạm nếu “bông đùa” về Santet, thầy bùa này nhoẻn miệng cười: “Qúy vị có biết thế nào về lời bông đùa trớt quớt rằng sân bay có bom chưa? Hậu quả cũng khốc liệt như với lời nói về Santet”.../. 

Đọc thêm