Được mệnh danh là vùng đất lạnh lẽo nhất Trái đất, Oymyakon là một ngôi làng nhỏ nằm ở Yakutsk, thủ phủ Cộng hòa Sakha, thuộc phía Đông Bắc LB Nga, nằm dọc theo sông Indigirka, cách Tomtor khoảng 30km về phía Tây Bắc theo trục Quốc lộ Kolyma.
Nhiệt độ -71.2 độ C
Theo Tech Insider, nhiếp ảnh gia người New Zealand Amos Chapple, với mong muốn có được những bức ảnh để đời nên đã quyết định bắt đầu cuộc hành trình khám phá khu vực lạnh nhất thế giới này. Sau thời gian 5 tuần lưu lại Oymyakon, Chapple đã ghi lại một số hình ảnh về khung cảnh mùa đông cũng như cuộc sống hàng ngày của những cư dân tại khu vực khắc nghiệt này.
Được biết, Yakutsk là cửa ngõ vào Oymyakon, nổi tiếng là thị trấn lạnh nhất hành tinh có người sinh sống. Chapple phải mất hai ngày đường mới đến được Oymyakon. Anh đã trải qua một cuộc sống khá khó khăn và choáng váng bởi tác động khủng khiếp của cái lạnh vào cơ thể.
“Tôi cảm thấy cái lạnh như có tay, nắm chặt lấy chân mình. Thậm chí, nước bọt đôi khi còn đóng băng trên môi, như có kim châm vào môi vậy”, Chapple nói. Một ngày trong môi trường này quả thật “vô cùng mệt mỏi”. Khi chụp ảnh anh phải nín thở, nếu không hơi thở phả ra giống như khói xì-gà, không thể chụp được.
Trong tiếng Evan ở Siberia, Oymyakon nghĩa là mùa xuân ấm áp, nhưng trái ngược với tên gọi của mình, nơi đây lại là địa điểm lạnh lẽo nhất trên trái đất, với nhiệt độ thấp kỷ lục đạt tới -71.2 độ C vào năm 1926. Được biết, tất cả các món quà lưu niệm tại thị trấn đều có in chữ “-71,2 độ C” và coi đó là điểm đặc biệt của ngôi làng. Với nhiệt độ thấp kỷ lục, thủy ngân trong nhiệt kế cũng đóng băng, nước sôi đóng băng ngay lập tức khi vừa hất ra ngoài trời.
Thịt cá có thể thoải mái bày bán mà không sợ ruồi hay bị hư hỏng |
Và để thích nghi với môi trường khắc nghiệt, động vật ở đây thường có lớp lông rất dày để chống chọi với cái lạnh, do đó nơi này rất có ít động vật sinh sống, chủ yếu chỉ có chó, ngựa, bò, tuần lộc, những loài động vật nhỏ yếu ớt như chim sẽ nhanh chóng bị đóng băng đến chết khi bay ngang nơi này trong chuyến di trú...
Do chỉ cách vòng cực Bắc 350km nên Oymyakon có khí hậu cận cực, cực kỳ lạnh lẽo, đặc biệt là vào mùa đông. Không chỉ thế, địa hình ở đây là cao nguyên Trung Xibia, lại có nhiều ngọn núi chắn gió ấm từ phía Nam thổi đến, nên đã khiến cho Oymyakon trở thành khu vực lạnh giá nhất thế giới có người sinh sống.
Nhiệt độ trung bình ở đây vào mùa đông là từ -50 đến -60 độ C. Nhiệt độ vào mùa đông và mùa hè ở đây có sự khác biệt lớn, từng có kỷ lục chênh lệch giữa hai mùa lên tới 109,2 độ C. Mùa hè đến tuy nhiệt độ có tăng đáng kể, lên tới -10 độ C, nhưng lại chỉ kéo dài có vài tuần ngắn ngủi.
Sưởi ấm bằng than đá và gỗ
Ngôi làng Oymyakon có khoảng 500 người, ngoài người Nga sinh sống còn có nhiều dân tộc thiểu số khác. Vào những năm 1920 và 1930, chính những người chăn nuôi tuần lộc đã quyết định lựa chọn nơi này làm điểm dừng chân để gầy dựng cuộc sống.
Trong khi đó, tại thời điểm ấy chính phủ Liên Xô lại nỗ lực giải quyết những người sinh sống theo kiểu du mục và nghĩ rằng những người này sẽ không thể sống nổi trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, công nghệ lạc hậu… nhưng ngược lại, cho đến nay khu vực này vẫn có người sinh sống.
Mặc dù sống ở nơi lạnh nhất thế giới nhưng hầu hết người dân làng Oymyakon chỉ sử dụng than đá và gỗ để sưởi ấm. Do mặt đất quá lạnh, không thể trồng rau nên người dân Oymyakon chủ yếu sống nhờ chăn nuôi hoặc làm việc trong các nhà máy như nhà máy nhiệt điện trong thị trấn.
Nước sôi đóng băng ngay lập tức khi hất ra ngoài. |
Người Oymyakon lấy sữa và thịt của ngựa, tuần lộc làm nguồn thức ăn chính. Mặc dù không ăn rau và trái cây, nhưng các chuyên gia y tế nói rằng, người dân địa phương nơi đây không bị suy dinh dưỡng là nhờ sữa động vật chứa rất nhiều vi chất dinh dưỡng. Món ăn nổi tiếng nhất ở Oymyakon là cá đông lạnh như cá hồi, cá thịt trắng… bởi họ cũng thường câu cá trên những dòng sông băng làm phong phú thêm thực phẩm. Ngôi làng có một cái chợ, thịt cá có thể thoải mái bày bán mà không sợ ruồi hay bị hư hỏng.
Mặc dù lạnh cắt da cắt thịt, nhưng người dân ở đây được hưởng một cuộc sống với không khí trong lành, không ô nhiễm, nước và thực phẩm hoàn toàn sạch sẽ và lành mạnh, do đó mặc dù không ăn nhiều rau nhưng họ lại sống rất thọ. Ông Andrei Danilov, người đã sống cả cuộc đời mình với công việc tạo giống tuần lộc, năm nay 102 tuổi.
Cha ông qua đời ở tuổi 117, và mẹ ở tuổi 108. Bạn của Danilov, cặp vợ chồng Aryan và Afrosinya năm nay khoảng 90 tuổi, sống trong một túp lều và chăn nuôi gia súc. Theo trí nhớ của mình, chưa một lần trong đời họ bị ốm đau, bệnh tật và nói rằng sức khỏe của họ có được là nhờ sữa động vật.
Du lịch là nguồn sống
Cho đến nay, cả làng cũng chỉ có một cửa hiệu bách hóa duy nhất để cung cấp nhu yếu phẩm cần thiết và các phương tiện săn bắn, cần câu cho người dân tự sinh kế. Làng có một trường học và chỉ khi nhiệt độ ngoài trời hạ xuống tới -52 độ C thì học sinh mới được nghỉ học. Ngoài ra, họ cũng mới mở thêm một khách sạn có nước nóng và nhà vệ sinh bên ngoài.
Được biết, hầu hết gia đình Oymyakon đều phải xây nhà vệ sinh bên ngoài, bởi hệ thống thoát nước không thể hoạt động do bị đóng băng. Trong cái thời tiết lạnh khắc nghiệt như thế này, việc đi vệ sinh và tắm rửa ngoài trời không khác gì một cực hình.
Cuộc sống băng giá của người Oymyakon vô cùng khó khăn, bút đóng băng mực, pin cạn rất nhanh, kim loại dính vào da. Khi ra ngoài, họ thường đi rất nhanh, bịt kín người từ đầu đến chân, bởi nhiệt độ cực lạnh ở đây có thể làm đóng băng lông mày, mi mắt, nước miếng và khiến miệng bị chảy máu. Quần áo lông thú là một trong những phương tiện giữ ấm hiệu quả nhất tại đây.
Người dân Oymyakon cũng chỉ sử dụng có một vài phương tiện liên lạc hiện đại như điện thoại di động nhưng không có trung tâm bảo hành và bán các thiết bị điện tử ở Oymyakon. Nếu có mở trung tâm thì cũng không sử dụng được lâu, vì nó sẽ ngưng làm việc khi nhiệt độ xuống thấp và đóng băng.
Xe tuần lộc là phương tiện chính của người dân làng Oymyakon. |
Khi đi xe hơi ra ngoài, dân Oymyakon thường không có thói quen tắt máy nếu phải dừng lại đâu đó trong chốc lát bởi sợ khó lòng khởi động lại máy với mức nhiệt lạnh buốt ngoài trời. Các trạm bán xăng dọc theo tuyến đường đến Oymyakon mở cửa 24/24 giờ. “Công nhân ở trạm xăng làm việc theo chế độ hai tuần làm, hai tuần nghỉ”, một người dân làng Oymyakon nói.
Khó khăn nhất đối với người Oymyakon khi phải sống trong thời tiết lạnh giá đó là mai táng người chết. Bình thường họ phải mất tới 3 ngày mới đào xong huyệt mộ. Để đào được họ phải rã đông băng đá bằng cách đốt một đống lửa to với nhiều than. Đào tới đâu, than nóng được đổ ngay tới đó. Quá trình lặp lại liên tục cho đến khi hố đủ sâu chôn quan tài.
Vì quá lạnh nên người dân ở đây cũng không có nhiều công việc để làm. Tuy nhiên, du lịch trở thành nguồn sống của họ khi vào mùa đông, các công ty du lịch đua nhau đặt tour cho khách khám phá ngôi làng. Nhiều khách du lịch muốn tới đây để trải nghiệm cuộc sống lạnh lẽo nhất thế giới.
Ngoài ra, Oymyakon còn thu hút khách nhờ các địa điểm đi săn tuần lộc, các hoạt động ngoài trời thú vị như tới các trang trại địa phương, viếng thăm các bảo tàng, câu cá trên sông, ngâm mình trong dòng suối nước nóng cách làng không xa khi nhiệt độ không khí bên ngoài là -50 độ C…/.