Bởi trước đó, lãnh tụ tối cao Ali Khamenei từng khuyên cựu Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad không nên ra tranh cử, nên việc ông nộp hồ sơ bị coi là hành động “phạm thượng”.
Việc ông Mahmoud Ahmadinejad bị Hội đồng Giám hộ loại khỏi cuộc bầu cử đang thu hút sự chú ý, quan tâm của dư luận xung quanh những tiêu chuẩn mà cơ quan giám sát bầu cử sử dụng trong quá trình chọn ứng viên. Bởi có khoảng 50% thành viên của Hội đồng Giám hộ do lãnh tụ tối cao Ali Khamenei bổ nhiệm.
Theo thông báo của Hội đồng Giám hộ, ông Mahmoud Ahmadinejad bị loại khỏi “cuộc chơi”, chỉ có 6 ứng cử viên được phê chuẩn. Ngoài ông Mahmoud Ahmadinejad, cựu Phó Tổng thống Hamid Baghaei cũng không nằm trong danh sách được Hội đồng Giám hộ công bố.
Trước đó, người phát ngôn Bộ Tư pháp Gholam Hossein Mohseni-Ejei cho biết, công tố viên đang điều tra các khiếu kiện chống lại ông Mahmoud Ahmadinejad và ông Hamid Baghaei. Trong số các đơn kiện chống lại cựu Tổng thống có vụ kiện chính quyền dưới thời ông Mahmoud Ahmadinejad đã thất bại trong việc sáp nhập Bộ Thể thao và Bộ Thanh thiếu niên, bổ nhiệm Bộ trưởng không đúng thời điểm, từ chối xem xét các điều khoản của Hiệp hội Công ty dầu quốc gia Iran và không phân bổ ngân sách cần thiết cho các dự án phát triển hệ thống tàu điện ngầm ở thủ đô Tehran.
Theo hãng AFP và AP, ban đầu ông Mahmoud Ahmadinejad tuyên bố không ra tranh cử và sẽ ủng hộ ông Hamid Baghaei chạy đua vào vị trí Tổng thống, nhưng sau đó lại “nuốt lời”. Theo giới truyền thông, trong thời gian tại nhiệm ông Mahmoud Ahmadinejad từng đưa ra nhiều tuyên bố nhạy cảm, trong đó có việc sẵn sàng đàm phán với phương Tây về chương trình hạt nhân, nếu các nước hữu quan đáp ứng điều kiện của Tehran.
Theo đó, nếu phương Tây im lặng trước yêu cầu này đồng nghĩa với việc họ không tuân thủ các quy định của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Ngoài ra, ông Mahmoud Ahmadinejad còn khẳng định, Tehran đang cân nhắc khả năng chấm dứt hoạt động làm giàu uranium ở cấp độ cao nếu nhóm P5+1 chấp nhận chuyển nhiên liệu dùng cho lò phản ứng hạt nhân của nước này…
Lãnh tụ tối cao Ali Khamenei |
Việc Tòa án Tối cao tuyên bố (6-12-2016) y án tử hình đối với tỷ phú Babak Zanjani, với tội danh biển thủ khoảng 2,68 tỷ USD cũng là động thái đáng quan tâm. Bởi các thương vụ xuất khẩu dầu của tỷ phú Babak Zanjani diễn ra trong một thời gian dài dưới thời ông Mahmoud Ahmadinejad nắm quyền (2005-2013). Ông Babak Zanjani bị cơ quan chức năng điều tra (đầu năm 2010), khi Iran tìm cách thu hồi số tiền xuất khẩu dầu bị phong tỏa ở các tài khoản nước ngoài.
Và họ phát hiện ra nhiều khoản tiền xuất khẩu dầu bị phong tỏa không đứng tên Chính phủ Iran, đứng tên ông Babak Zanjani. Việc này do Tổng thống Hassan Rohani, người kế vị ông Mahmoud Ahmadinejad tiến hành. Tỷ phú Babak Zanjani đã trải qua 26 phiên xét xử, bị cáo buộc phạm nhiều tội danh.
Tuy là một trong những người giàu nhất Iran, nhưng ngày 6-3-2016, ông Babak Zanjani vẫn bị kết án tử hình. Ông Babak Zanjani bị Mỹ và Liên minh châu Âu liệt vào danh sách đen vì giúp Iran bán dầu và việc này diễn ra dưới thời ông Mahmoud Ahmadinejad nắm quyền.
Tỉ phú Babak Zanjani từng tự xưng là người hùng cứu đất nước Iran khi thành lập tập đoàn Sorinet, lớn nhất trong lịch sử nước này để bán dầu, bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ bởi với lệnh cấm vận, cho dù Iran có bán được dầu nhưng chẳng có ngân hàng quốc tế nào dám đứng ra chuyển tiền cho họ.
Và tập đoàn Sorinet của tỷ phú Babak Zanjani có vai trò vô cùng quan trọng trong việc đem tiền về Iran trong bao nhiêu năm bị cấm vận. Ông Babak Zanjani thừa nhận, đã sử dụng mạng lưới công ty ở Các tiểu vương quốc Arab thống nhất, Thổ Nhĩ Kỳ và Malaysia để xuất khẩu dầu thay mặt chính phủ Iran kể từ năm 2010.
Theo giới truyền thông, tuy nằm trong “ống ngắm” từ thời cựu Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad, nhưng tới thời Tổng thống Hassan Rohani, ông Babak Zanjani mới bị bắt. Ông Zohreh Rezalee, luật sư của ông Babak Zanjani coi bản án tử hình của thân chủ mang động cơ chính trị.