Đây là một trong những thất bại lớn nhất của chính quyền Baghdad kể từ mùa hè năm 2014. Sự kiện Ramadi - cửa ngõ thủ đô Baghdad - rơi vào tay IS đã khiến dư luận trong nước và khu vực vô cùng lo ngại.
Thành phố Ramadi thất thủ
Ngày 17/5/2015, giới chức Iraq xác nhận thành phố Ramadi, thủ phủ tỉnh Anbar của nước này đã hoàn toàn rơi vào tay IS. Theo một quan chức địa phương giấu tên, các tay súng IS đã chiếm giữ các trụ sở chỉ huy của Lữ đoàn số 8 ở phía Bắc thành phố Ramadi sau các cuộc giao tranh ác liệt với lực lượng an ninh và các thành viên vũ trang bộ tộc Sunni. IS kiểm soát hoàn toàn Ramadi sau khi các đơn vị thuộc Lữ đoàn số 8 rút toàn bộ về khu vực cách thành phố này 160km về phía Tây.
Trong thông điệp đăng trên các diễn đàn thánh chiến trực tuyến, IS cũng tuyên bố đã “quét sạch Ramadi sau một cuộc tấn công đẫm máu”. IS đã đẩy mạnh các cuộc tấn công vào thành phố Ramadi sau khi bị thu hẹp đáng kể phần lãnh thổ chiếm giữ ở Iraq do các cuộc tấn công quyết liệt của lực lượng Iraq và các cuộc không kích của liên quân. Hiện lực lượng thánh chiến này cũng đang kiểm soát Mosul, thành phố lớn thứ hai của Iraq.
Theo thống kê của Liên Hợp quốc, khoảng 500 người đã thiệt mạng trong các cuộc giao tranh ác liệt giữa lực lượng an ninh Iraq và các tay súng IS tại thành phố Ramadi trong những ngày qua. Gần 25.000 người đã phải rời bỏ nhà cửa để tới Baghdad lánh nạn.
Ngay lập tức, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi đã ra lệnh cho các lực lượng an ninh tại Ramadi không được rời bỏ vị trí nhằm ngăn chặn IS mở rộng phạm vi chiếm giữ. Ông cho biết hiện vẫn có các cuộc không kích giúp các lực lượng trên mặt đất giữ vị trí trong khi đợi yểm trợ từ các lực lượng khác.
Hàng nghìn thành viên thuộc Lực lượng dân quân Hồi giáo dòng Shi’ite cũng đang tiến về thành phố có người Hồi giáo dòng Sunni chiếm đa số này để chuẩn bị cho cuộc chiến chống IS. Theo giới chức quân sự Iraq, khoảng 3.000 tay súng dòng Shi’ite đang tiến về Ramadi trên những xe bọc thép và xe tải được trang bị súng máy và rocket. Chủ tịch Hội đồng tỉnh Anbar Sabah Karhout cho biết, lực lượng dân quân Shi’ite đã đến căn cứ Habbaniya, cách Ramadi khoảng 30km và đang trong trạng thái “sẵn sàng chiến đấu”.
Trong một phát biểu mới nhất, Người phát ngôn Lầu Năm Góc, Đại tá Steve Warren thừa nhận việc thủ phủ tỉnh Anbar bị thất thủ vào tay IS là điều giới chức quốc phòng Mỹ dự đoán trước vì thành phố này trên thực tế đã bị vây hãm trong gần một năm qua. Đại tá Warren cũng khẳng định Mỹ sẽ cùng với các lực lượng Iraq chiếm lại Ramadi và vì các lực lượng Iraq đã tháo chạy khỏi vị trí cố thủ bên trong thành phố Ramadi, Mỹ và liên minh sẽ phải dựa vào sức mạnh của không lực để đẩy lui các tay súng IS.
Trước tình hình trên, tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có cuộc họp với 25 quan chức, cố vấn hàng đầu gồm Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden, Ngoại trưởng John Kerry, Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter và Tướng Lloyd Austin của Bộ Chỉ huy trung tâm Mỹ về tình hình Iraq. Trong cuộc họp, các nhà lãnh đạo đã cân nhắc việc tăng cường huấn luyện và trang bị cho các tay súng bộ tộc địa phương cũng như thảo luận chiến lược giành lại thành phố Ramadi.
Theo Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest, chiến dịch không kích do Mỹ chỉ huy nhằm vào các mục tiêu của IS trong thành phố Ramadi đã được triển khai nhằm hỗ trợ các lực lượng đa giáo phái Iraq trong chiến dịch giành lại Ramadi. Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, từ ngày 18/5 đến nay, Mỹ và liên quân đã có hàng loạt cuộc không kích gần Ramadi cũng như nhiều khu vực khác để tiêu diệt các phần tử IS.
|
Người dân Iraq lại bồng bế nhau chạy loạn |
Là tỉnh lớn nhất của Iraq, cách thủ đô Baghdad khoảng 125km về phía tây, tỉnh Anbar giữ vị trí chiến lược quan trọng trong cuộc chiến chống IS của Chính phủ Iraq. Trải dài trên một khu vực rộng lớn từ phía tây thủ đô Baghdad đến biên giới của Syria, Anbar có nhiều con đường trọng yếu nối Iraq với Syria và Jordan. Anbar còn được biết đến là một trong những tỉnh có trữ lượng dầu lớn nhất của Iraq.
Vì vậy, sự kiện thành phố Ramadi, thủ phủ tỉnh Anbar thất thủ trước IS đã khiến chính quyền Iraq tổn thất nặng nề. Ðây cũng là thất bại của liên quân do Mỹ đứng đầu khi buộc phải khoanh tay đứng nhìn Ramadi rơi vào tay IS.
Sau thất bại tại Ramadi, Người phát ngôn Lầu Năm Góc, Đại tá Steve Warren đã hối thúc báo giới không đề cập quá nhiều về thất bại này. Mặc dù Nhà Trắng tuyên bố liên quân sẽ giúp Iraq giành lại thành phố này song trước mắt, chính quyền Barack Obama sẽ không thay đổi chiến lược hiện nay tại Baghdad.
Nhà Trắng tuy đã tiếp viện một số lượng vũ khí và đạn dược lớn cho Baghdad song Mỹ đã phát đi tín hiệu rằng nước này vẫn không trực tiếp tham chiến tại Iraq. Ðộng thái này cũng cho thấy Washington không muốn đảo ngược tiến trình rút quân khỏi Iraq.
Phần lớn binh sĩ Mỹ đã rút khỏi quốc gia Trung Ðông này hồi năm 2011, song Washington vẫn duy trì khoảng 3.000 quân để giúp Chính phủ Iraq đối phó với IS. Giới chức Nhà Trắng khẳng định, điều quan trọng là “người Iraq phải tự bảo vệ và giải quyết công việc của chính mình”.
Cho dù giới chức Mỹ vẫn lạc quan rằng lực lượng trên bộ của Iraq cùng với sức mạnh trên không của Mỹ sẽ giúp nước này sớm giành lại Ramadi nhưng không ít chuyên gia lại cho rằng, nếu chỉ không kích sẽ không thể đạt được mục tiêu vì cuộc chiến xung quanh thành phố Ramadi có những đặc thù không thể giải quyết chỉ bằng sức mạnh bom đạn.
Hơn nữa, trong bối cảnh chiến sự ở Ramadi vẫn diễn biến khó lường, việc giành lại thành phố này càng thêm khó khăn khi các tay súng IS chưa có dấu hiệu cho thấy sẽ từ bỏ mục tiêu mở rộng cuộc chiến và tiến vào thủ đô Baghdad.
Trong khi đó trên thực tế, từ khi IS chiếm các vùng lãnh thổ rộng lớn của Iraq, quân đội nước này dường như không thể tự mình chống trả mà phải nhờ sự giúp đỡ của dân quân người Shi’ite và người Cuốc. Tuy nhiên, với mâu thuẫn sắc tộc âm ỉ nhiều năm qua, việc đoàn kết các nhóm dân quân đa sắc tộc ở Iraq là điều không hề dễ dàng.
Thậm chí, việc này có lúc đã bùng phát thành làn sóng thanh toán lẫn nhau trong các cộng đồng được giải phóng khỏi IS. Trong khi chính quyền Baghdad kêu gọi các bộ lạc người Sunni ở Anbar giúp các dân quân người Shi’ite chống IS thì nhiều người Sunni lại coi người Shi’ite là mối đe dọa lớn hơn cả các tay súng thánh chiến. IS thậm chí còn lợi dụng mâu thuẫn sắc tộc này để tự coi mình là “người bảo vệ người Sunni chống người Shi’ite”.
Điều này đã khiến các nhà quan sát lo ngại cuộc chiến sự leo thang tại Iraq có thể biến thành cuộc chiến giữa hai dòng Hồi giáo Shi’ite và Sunni, tạo cơ hội thuận lợi cho các nhóm khủng bố phát triển. Theo một quan chức Mỹ, IS tiến càng gần Baghdad, tính chất giáo phái của giới chức Shi’ite càng thể hiện rõ.
Điều này có thể dẫn tới sự phản kháng của người Sunni, không phải để chống IS mà nhằm vào chính phủ và các nhóm vũ trang Shi’ite. Giới tình báo Mỹ cũng lo ngại IS sẽ “thừa nước đục thả câu” để tuyên truyền và tuyển mộ thêm chiến binh.
Trước thực tế nói trên, việc giành lại thành phố Ramadi và các vùng lãnh thổ khác thuộc tỉnh Anbar sẽ là thách thức lớn đối với quân đội Iraq, khi phần lớn tỉnh này nằm ngoài tầm kiểm soát của quân chính phủ. Trong khi đó, lực lượng của IS ngày càng tỏ ra nguy hiểm khi nhóm cực đoan này đang kéo gần khoảng cách kiểm soát tới thủ đô Baghdad. Đây sẽ là thách thức lớn đối với Chính phủ Iraq trong thời gian tới.
Quân đội tỏ ra hèn kém
Sau các cuộc giao tranh quyết liệt với phiến quân IS, ngày 23/5 các lực lượng an ninh Iraq cùng các tay súng ủng hộ chính phủ đã giành lại quyền kiểm soát một thị trấn nhỏ ở phía Đông thủ phủ Ramadi của tỉnh Anbar.
Giới chức địa phương cho biết, quân đội chính phủ phối hợp với các tay súng Hồi giáo dòng Sunni (và Shi’ite giải phóng thị trấn Huseibah al-Sharqiyah. Chiến dịch đánh chiếm lại thị trấn này được triển khai từ ngày 22/5. Thắng lợi bước đầu này được hy vọng sẽ tạo đà cho quân đội Chính phủ Iraq trong nỗ lực giành lại thành phố chiến lược Ramadi.
Một số quan chức Mỹ cũng hoài nghi tinh thần chiến đấu của các lực lượng an ninh Iraq. Biểu hiện cụ thể là ngày 17/5, dù Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi lệnh cho các lực lượng an ninh tại Ramadi không được rời bỏ vị trí nhằm ngăn IS mở rộng phạm vi chiếm giữ, song các đơn vị của Chính phủ Iraq đã lần lượt tháo chạy, bỏ lại vũ khí ở phía sau. Theo giới chức quốc phòng Mỹ, tình hình ở thủ phủ Ramadi của tỉnh Anbar cho tới nay vẫn khó lường. Mục tiêu của Mỹ giúp Iraq giành lại Ramadi, nhưng trước mắt cần ngăn chặn các tay súng nhóm IS mở rộng cuộc chiến vào thủ đô Baghdad.
IS đẩy mạnh các cuộc tấn công trên sau khi bị thu hẹp đáng kể phần lãnh thổ chiếm giữ ở Iraq do các cuộc tấn công quyết liệt của lực lượng Iraq và các cuộc không kích của liên quân. Hiện lực lượng thánh chiến này cũng đang kiểm soát Mosul, thành phố lớn thứ hai Iraq.