Irma đã duy trì được sức gió mạnh nhất lên tới 300km/h trong suốt 37 giờ, khoảng thời gian dài nhất một cơn lốc xoáy trên thế giới có thể duy trì, xô đổ kỷ lục trước đó thuộc về siêu bão Haiyan đổ bộ vào Philippines năm 2013 với 24 giờ.
Ước tính cơn bão đã cướp đi 43 sinh mạng tại quần đảo Caribe, khiến 17.000 người cần trú tạm khẩn cấp và 32 triệu người tại các khu vực bị tàn phá đối mặt với những vùng gió mạnh. WMO dự báo bão Irma sẽ là một trong những cơn bão gây thiệt hại kinh tế lớn nhất trong lịch sử. Tại quần đảo Turks và Caicos, ước tính 80-90% nhà cửa tại khu vực Nam Caicos bị hư hại, trong khi con số này tại Providenciales và Grand Turk lần lượt là 70% và 50%.
Cuba: Chìm trong biển nước
Ngày 12/9, nhà chức trách Cuba cho biết vẫn đang nỗ lực khắc phục hậu quả do bão Irma để lại sau khi nhiều địa điểm du lịch, nhà cửa và cơ sở hạ tầng nước này bị tàn phá nghiêm trọng, gây mất điện nước trên diện rộng. Đây được xem là cơn bão mạnh nhất tràn vào Cuba trong 80 năm qua.
Bão Irma tràn vào và mang theo các đợt sóng dâng cao tới 10m. Tại khu vực trung tâm thủ đô La Habana, nhiều ngôi nhà cũ đã bị đổ sập khi nước biển dâng cao và lấn vào đất liền khoảng 300m cùng với gió mạnh càn quét. Khoảng 100.000 người dân thủ đô đã phải sơ tán. Theo thống kê, với sức gió 253km/h, bão Irma đã càn quét khắp khu vực duyên hải Cuba từ phía Đông tới phía Tây, khiến ít nhất 10 người thiệt mạng tại các tỉnh miền Trung và miền Tây như La Habana, Matanzas, Camaguey và Ciego de Ávila.
Khi nước rút, giới chức Cuba bắt đầu triển khai khắc phục hậu quả tại 13 trên 15 tỉnh. Thứ trưởng Năng lượng và Khai thác Mỏ Cuba, Yuri Villamonte thông báo do bão Irma làm hư hại nghiêm trọng các nhà máy nhiệt điện, hiện vẫn chưa thể xác định được khi nào các nhà máy mới có thể hoạt động trở lại. Thiệt hại đối với Nhà máy nhiệt điện Matanzas là đáng quan ngại nhất do nó cung cấp điện cho thủ đô La Habana với dân số 2 triệu người.
Các sân bay quốc tế tại thủ đô La Habana và thành phố nghỉ dưỡng Varadero đóng cửa trong suốt 3 ngày qua đã hoạt động trở lại. Dịch vụ xe buýt đã nối lại hoạt động trên cả nước, các trường học không bị bão tác động trực tiếp cũng mở cửa lại. Tại thủ đô La Habana, Các lực lượng vũ trang Cách mạng (FAR), các tình nguyện viên đã hỗ trợ công nhân thành phố dọn sạch đường phố. Cảnh sát đã đứng ra điều tiết giao thông tại các ngã tư do đèn giao thông đã bị bão cuốn đi. Tuy nhiên, đại lộ Malecon vẫn chìm trong biển nước. Các khu nghỉ dưỡng ven biển phía Bắc cũng bị thiệt hại nghiêm trọng, ảnh hưởng đến nguồn thu ngoại tệ lớn thứ hai của Cuba.
Trước tình hình này, Bộ trưởng Du lịch Manuel Marrero khẳng định Cuba vẫn sẽ sẵn sàng cho mùa du lịch cao điểm bắt đầu vào tháng 11 tới. Chủ tịch Cuba Raul Castro cũng cam kết sẽ sửa chữa cơ sở hạ tầng trước thời điểm này. Ngoài ra, giới chức y tế cũng đang tập trung ngăn ngừa xuất hiện dịch bệnh sau bão do nguồn nước hoặc thực phẩm bị nhiễm bẩn.
Trong khi đó, thiệt hại trong ngành nông nghiệp cũng tác động lên ngân sách nhà nước lẫn nguồn cung thực phẩm của Cuba trong ngắn hạn với 40% nhà máy nông nghiệp bị hư hại do bão Irma. Sản lượng lương thực và thu nhập người dân bị giảm mạnh do một số khu vực trước đó đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi hạn hán này lại bị bão tàn phá. Nông nghiệp là lĩnh vực quan trọng nhất Cuba về lao động và nguồn thu từ xuất khẩu.
Người dân Havana (Cuba) lội qua một con đường bị ngập lụt vì bão Irma |
Florida (Mỹ): Mạng lưới điện tan nát
Về phần mình, nhà chức trách Mỹ thông báo số người thiệt mạng do siêu bão Irma tại bang Florida, Georgia và South Carolina đã tăng lên 13 người.
Khoảng 5,8 triệu hộ gia đình và doanh nghiệp tại Florida và các bang lân cận đã bị mất điện. Tình trạng thiếu hụt nhiên liệu tại bang Florida đã giảm từ mức 46% trong tối 11/9 xuống 37,6%. Các công ty cung cấp điện của bang, trong đó có NextEra Energy Inc’s Florida Power & Light (FPL), Duke Energy Corp và Emera Inc’s Tampa Electric đã triển khai hàng chục nghìn nhân viên để giải quyết tình trạng này. Đây được xem là nỗ lực lớn nhất trong lịch sử nhằm khôi phục mạng lưới điện của nước Mỹ.
FPL, công ty điện lớn nhất bang Florida, thông báo chỉ trong 1 ngày, công ty này đã khôi phục điện cho khoảng 40% trong tổng số 4,5 triệu khách hàng bị ảnh hưởng do bão Irma. Mặc dù cảnh báo khách hàng quá trình khắc phục sự cố sẽ mất hàng tuần tại những khu vực chịu thiệt hại nặng nề nhất, song FPL cũng xác nhận sẽ khôi phục điện tại Đông Florida vào cuối tuần này và Tây Florida vào ngày 22/9 tới. Bên cạnh đó, công ty này khẳng định hai nhà máy điện hạt nhân tại bang Florida đều an toàn.
Ngoài ra, nguồn cung khí đốt của bang Florida cũng bị gián đoạn nghiêm trọng trước và trong bão do các cảng biển điều bị đóng cửa, cắt đứt các chuyến hàng bằng đường biển tại bang này. Tính đến chiều 12/9, Gainesville và Miami là hai thành phố có số trạm xăng hết nhiên liệu cao nhất với tỷ lệ lần lượt là 62% và 49%.
Trong khi đó, Giám đốc Cơ quan ứng phó khẩn cấp Mỹ Brock Long cho biết Irma đã phá hủy 25% nhà cửa và làm hư hỏng 60% ngôi nhà ở Florida Keys - nơi bão Irma đổ bộ đầu tiên khi đi vào nước Mỹ. Hiện chính quyền Florida Keys đã cho phép một số người dân đang ở các khu nhà tạm trở về nhà, trong khi một số sân bay đã hoạt động trở lại. Tuy nhiên, hầu hết giao thông tại các khu vực thấp, trũng vẫn đang bị đóng cửa. Trung tâm bão quốc gia dự bão báo Irma có thể sẽ tan từ tối 12/9.
Sau khi càn quét nhiều đảo ở khu vực Caribe khiến 40 người thiệt mạng, bão Irma đã khiến nhiều khu vực ở bang Florida (Mỹ) bị ngập lụt. Ít nhất 1 người đã thiệt mạng do bão, song con số này có thể sẽ tăng thêm. Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết quân đội sẽ phân phát thuốc men và lương thực hỗ trợ những người dân ở vùng bị ảnh hưởng. Các công ty bảo hiểm dự báo số tiền họ phải chi trả sẽ từ 20 - 40 tỷ USD. Khoảng 65% khu vực ở Florida, tức khoảng 7,4 triệu hộ gia đình và các công ty vẫn chịu cảnh mất điện. Hiện người dân trên quần đảo Florida Keys phải sơ tán do bão Irma đã bắt đầu trở về nhà. Theo đánh giá ban đầu của Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Liên bang (FEMA), khoảng 25% nhà cửa tại khu vực này đã bị bão phá hủy hoàn toàn, 65% nhà cửa bị hư hại nghiêm trọng. Trước đó, phần lớn người dân trên quần đảo này đã được sơ tán khi bão Irma mạnh cấp 4 tràn vào đảo Cudjoe Key với sức gió mạnh nhất lên tới 215km/h và khiến thủy triều dâng cao dữ dội.
Florida tan hoang sau bão |
Caribe tan hoang
Hội Chữ thập Đỏ Hà Lan ngày 12/9 cho biết bão Irma đã khiến 200 người trên đảo St. Martin (vùng lãnh thổ thuộc Hà Lan tại Caribe) có khả năng đang mất tích, đồng thời phá hủy gần 1/3 các tòa nhà, làm hư hại hơn 90% nhà cửa trên đảo này. Hội Chữ thập Đỏ Hà Lan đã đưa ra con số trên sau khi đánh giá các bức ảnh được Bộ Quốc phòng Hà Lan cung cấp. Trong một tuyên bố, Hội Chữ thập Đỏ Hà Lan khẳng định thiệt hại tại đảo St. Martin lớn hơn so với thông báo trước đó, vì vậy, cơ quan này đang tăng cường các hoạt động cứu trợ khẩn cấp. Dự kiến, máy bay chở hàng cứu trợ gồm lều bạt, xà phòng và các nhu yếu phẩm khác sẽ rời Hà Lan trong ngày 13/9 sau khi các cơ quan chức năng nước này quyên góp được hơn 3 triệu euro (khoảng 3,6 triệu USD). Nhà Vua Hà Lan cũng đã tới thăm đảo trong ngày 11/9. Thống kê cho thấy bão Irma đã khiến 4 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương trên phần lãnh thổ thuộc Hà Lan ở đảo St. Martin.
Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Ngoại trưởng Anh Boris Johnson đã tới những khu vực tại Caribe bị ảnh hưởng bởi bão Irma trong bối cảnh Chính phủ Pháp, Anh và Hà Lan đang bị chỉ trích vì không lường trước được thảm họa.
Ước tính khoảng 2.000 trong 35.000 người dân trên đảo Saint Martin thuộc Pháp đã rời khỏi đảo trong những ngày gần đây. Cảnh sát khẳng định các chuyến bay thương mại sẽ hoạt động trở lại tại sân bay Saint Barthelemy vào ngày 12/9. Còn Ngoại trưởng Anh Johnson đã đến thủ đô Bridgetown của Barbados để gặp gỡ 1.000 binh lính được điều đến đây phục vụ công tác cứu hộ và đảm bảo an ninh. Theo kế hoạch, ông sẽ tới thăm quần đảo Virgin và Anguilla thuộc Anh. Tuy nhiên, giới chức Anh thông báo hơn 100 tù nhân nguy hiểm đã lợi dụng bão Irma, vượt ngục trên đảo Virgin - vùng lãnh thổ thuộc Anh tại Caribe. Lực lượng lính thủy đánh bộ Hoàng gia Anh đã được triển khai để đối phó, song hiện chưa rõ có bao nhiêu tù nhân đã bị bắt lại. Hiện Bộ Ngoại giao Anh từ chối bình luận về thông tin trên.
Thông qua nghiên cứu, WMO nhận định việc khí hậu ấm lên do hiệu ứng nhà kính khiến cường độ các cơn lốc nhiệt đới mạnh lên thành bão, với cường độ tăng từ 2%-11% vào năm 2100. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng tần suất xảy ra lốc mạnh cũng sẽ tăng lên, trong khi lượng mưa trong vòng 100 km từ tâm bão cũng sẽ tăng khoảng 20%.