James Jesus Angleton, 'bóng lớn khó vượt' trong giới phản gián Mỹ

(PLO) - Kể từ khi Anatoly Golitsyn, một điệp viên Liên Xô đào tẩu sang Mỹ thuyết phục được Jesus Angleton về việc Nosenko là một kẻ đào tẩu giả mạo, Angleton nhìn đâu cũng thấy nghi ngờ. 
Jesus Angleton trong một phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ
Jesus Angleton trong một phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ

Ông luôn bị ám ảnh bởi một âm mưu quy mô lớn của KGB, trong đó những thông tin sai lạc được cố tình chuyển tới CIA , thứ nhất là để bảo vệ các điệp viên hai mang của Liên Xô đang thâm nhập vào bộ máy của Mỹ, và thứ hai là để khiến Mỹ rối loạn về các chính sách của Liên Xô. Nhưng thật trớ trêu, khi ông nhìn ai cũng thấy nghi ngờ thì bản thân ông cũng từng rơi vào “tầm ngắm” của một nhân viên phản gián khác. 

Năm 1961, CIA bắt đầu nhận được một số thư nặc danh cảnh báo rằng các cơ quan tình báo phương Tây - chứ không phải là CIA - đã bị xâm nhập. Thông tin trong các bức thư được coi là chính xác vì sau đó, một loạt điệp viên Liên Xô trong các cơ quan tình báo của Anh và Đức bị bắt giữ.

Angleton bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi thông tin này, bởi ngay từ khi còn tham gia hoạt động tình báo từ thời Chiến tranh Thế giới 2, ông đã biết rất rõ về một chiến dịch có tên ULTRA, trong đó tình báo Anh đã đưa thông tin sai lệch cho Bộ Tư lệnh Tối cao Đức. Cả Thủ tướng Anh Winston Churchill và Tổng thống Mỹ Dwight Eisenhower khi đó đều tin rằng chiến dịch ULTRA đã mang lại cho phe Đồng minh lợi thế quyết định đối với người Đức, và Angleton cũng suy nghĩ vậy.

Thuyết phản gián lung lay

Theo thông tin và Anatoly Golitsyn nói với Angleton, mục tiêu của Liên Xô là lừa dối phương Tây để họ tin rằng có sự chia rẽ ngày càng lớn dần giữa Liên Xô với đồng minh thân thiết là Trung Quốc, dù trên thực tế sự chia rẽ này chỉ là một “sản phẩm ngụy tạo” của KGB. Angleton đã bị thuyết phục, coi sự xung đột giữa Liên Xô và Trung Quốc là một phần trong chiến dịch làm sai lệch thông tin của KGB nhằm khiến phương Tây tin rằng đang có sự chia rẽ trong thế giới cộng sản.

Nếu chiến dịch này thành công, nói cách khách là nếu CIA tin vào điều đó, nó sẽ có tác động tới các chính sách của Mỹ đối với Liên Xô. Ở thời điểm đó, Angleton không có bất kỳ nỗ lực nào để xác nhận thành ý của Nosenko – người mà Angleton coi là kẻ đào tẩu giả mạo. Thay vào đó, Angleton tìm mọi cách chứng minh Nosenko là người được KGB đưa vào CIA để thuyết phục rằng CIA không hề bị thâm nhập. 

Anatoly Golitsyn – người đã gieo nghi ngờ cho Angleton về một âm mưu quy mô lớn của KGB.
Anatoly Golitsyn – người đã gieo nghi ngờ cho Angleton về một âm mưu quy mô lớn của KGB. 

Trong một bản báo cáo sau này, CIA đã xác nhận Nosenko là một kẻ đào tẩu thực thụ. Khi Cram – người nhận nhiệm vụ vén màn bí mật về sự nghiệp của Jesus Angleton - tìm kiếm trong bộ tài liệu ở Thư viện Georgetown, ông đã tìm thấy một bản ghi nhớ được gửi từ trưởng chi nhánh của CIA tại Liên Xô có tên là "Miles".

Miles giải thích rằng vào giữa những năm 1960, ông đã làm việc trong một đội của CIA có mật danh là AESAWDUST nhằm xác minh lý thuyết của Angleton về những kẻ đào thoát giả và thông tin sai lạc về chiến lược của Liên Xô. (Tất cả các hoạt động của CIA liên quan đến Liên bang Xô viết đều được đánh mã là AE và theo sau là một mã được lựa chọn ngẫu nhiên). Và ngay cả AESAWDUST cũng tin tưởng vào lý thuyết của Angleton.

Thế nhưng ở thời điểm nó, cũng bắt đầu xuất hiện những thuyết phản gián khác rằng có lẽ những nghi ngờ của Angleton là “có vấn đề”. Người ta nhận thấy rằng, số lượng các trường hợp bị nghi ngờ là kẻ đào tẩu giả mạo ngày một tăng lên, cho đến mức mọi người chợt nhận ra rằng không lẽ tất cả những điệp viên đào tẩu từ Liên Xô đều là kẻ xấu?

Một, hoặc một số, thậm chí là khá nhiều kẻ đào tẩu là giả mạo – điều đó có thể chấp nhận được. Nhưng khó có thể tin rằng tất cả đều là giả mạo. Thời gian đã chứng minh Angleton và cả bộ máy AESAWDUST đã sai lầm với những thuyết âm mưu về chiến dịch tin giả mạo của KGB. Thực sự là CIA đã lao dốc trong những năm 1970, nhưng sự lao dốc này là do những tiết lộ nhạy cảm về sự lạm dụng quyền lực của CIA chứ không phải do những hoạt động phá hoại từ phía Liên Xô. 

“Tai bay vạ gió”

Yuri Nosenko từng là nạn nhân tiêu biểu của sự nghi ngờ của Jesus Angleton với các âm mưu của KGB khi bị giam lỏng trong 4 năm, bị kiểm tra bằng máy phát hiện nói dối và còn bị cho dùng thuốc ảo giác. Nhưng Nosenko không phải trường hợp duy nhất. Cleveland Cram đã tìm được những tài liệu cho thấy một nạn nhân khác của Angleton là James Leslie Bennett, Trưởng bộ phận phản gián của Cảnh sát Hoàng gia Canada. 

Vụ việc xảy ra vào đầu năm 1970, khi các quan chức tình báo cấp cao của Canada cũng bị thuyết phục rằng có một điệp viên cộng sản đã thâm nhập vào trụ sở của họ. Vì CIA đã hợp tác chặt chẽ với Cảnh sát Hoàng gia Canada nên Angleton cũng rất quan tâm tới vụ việc. Ông đã tư vấn với James Leslie Bennett  những cách thức để tìm ra điệp viên hai mang này.

Dù gây nhiều tranh cãi, Jesus Angleton vẫn là cái bóng lớn khó vượt qua trong giới phản gián Mỹ
Dù gây nhiều tranh cãi, Jesus Angleton vẫn là cái bóng lớn khó vượt qua trong giới phản gián Mỹ

Jesus Angleton thực sự thích Bennett, đánh giá ông rất cao trong giới phản gián Canada, và ông không bao giờ nghĩ rằng Bennett lại là gián điệp. Angleton thậm chí đã “quạt” một đồng nghiệp khi anh này gợi ý rằng liệu Bennett có thể làm việc cho Liên Xô hay không. Dù vật, Angleton vẫn yêu cầu Golitsyn phân tích vụ việc.

Vào đầu năm 1972, Golitsyn đã nhận được các thôn tin từ Cảnh sát Hoàng gia Canada để tìm hiểu về sự xâm nhập của các điệp viên Liên Xô. Trong bản báo cáo của mình, Golitsyn đã viết ba tên của các quan chức Canada, một trong số đó là Bennett. Và Angleton ngay lập tức bị thuyết phục, và ông đã tạo áp lực không ngừng nghỉ lên Cảnh sát Hoàng gia Canada để sa thải Bennett. 

Bennett đã phản đối những cáo buộc này và đồng ý thực hiện một cuộc thử nghiệm bằng máy phát hiện nói dối để chứng minh điều đó. Trước câu hỏi “Có làm việc cho Liên Xô không”, chiếc máy phát hiện nói dối đã không thu nhận được tín hiệu nào của Bennett, và Bennett được xác nhận đã vượt qua được kỳ kiểm tra. Dù vậy, ông vẫn bị buộc phải nghỉ hưu.

Bennett ra đi khi đám mây nghi ngờ về vai trò của ông không thể được xua tan. Cuối cùng, ông ly hôn và chuyển đến Australia. Người Canada cuối cùng đã bắt được một điệp viên người Nga, nhưng nhân vật này khai nhận không hề có mối quan hệ vào Bennett. Năm 1993, chính phủ Canada đã làm rõ về sự vô tội của Bennett và bồi thường cho ông 150.000 đô la Canada. Dù vậy, những nghi ngờ vô căn cứ của Angleton đã kịp hủy hoại cả sự nghiệp của Bennett. 

“Gậy ông đập lưng ông”

Trong suốt hơn 20 năm dẫn dắt bộ phận phản gián của CIA, với biệt danh “thợ săn”, Angleton đã cáo buộc  không biết bao nhiêu điệp viên hai mang – cả đúng và sai. Nhưng trớ trêu là có lúc, chính “thợ săn” lại trở thành “con mồi”. Tháng 5/1978, Clare Edward Petty, một cựu nhân viên phản gián của CIA đã nghi ngờ chính Angleton mới là điệp viên của Liên Xô, xuất phát từ việc có nhiều chiến dịch săn tìm của Angleton không thành công.

Trước tiên, Petty đã nghi ngờ cấp phó của Angleton là Newton "Scottie" Miler, và sau đó là Pete Bagley, người phụ trách bộ phận Liên Xô trong cơ quan phản gián, người bị Petty cho rằng "hoàn toàn nằm trong sự kiểm soát của Angleton". Petty sau này kể rằng, ông đã chia sẻ với Angleton về nghi ngờ của mình rằng Bagley là điệp viên của Liên Xô. Vài tháng sau, trong một cuộc trò chuyện dài về một đề tài khác, Angleton đột nhiên nói, "Bagley không phải là gián điệp".

Petty khi đó tự hỏi làm cách nào mà Angleton lại khẳng định chắc nịch như vậy, liệu có phải chính Angleton mới là gián điệp? Trong trường hợp CIA bị thâm nhập, Petty còn cân nhắc khả năng cả Anatoly Golitsyn và Yuri Nosenko đã được KGB gửi đến dưới sự hướng dẫn của một điệp hai mang cấp cao hơn là Angleton. Petty không phải là người duy nhất trong CIA nghi ngờ Angleton, bởi theo nhận xét của nhiều người, Angleton là người “nham hiểm và khó lường”. 

Dù vậy, Pette đã không tìm được chứng cứ nào đủ để xác thực mối nghi ngờ của mình. Dù vậy, lời buộc tội của Petty vẫn là một “nốt trầm” khó quên trong cuộc đời của Angleton – người đã dành cả sự nghiệp của mình để săn tìm những tên gián điệp, người đã được xem như huyền thoại trong giới phản gián Mỹ.

Đọc thêm