Bị cáo Nguyễn Ảnh Cư (SN 1959, Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh) quen biết với anh Nguyễn Văn Tập (SN 1966, Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh), hai người quý mến nhau nên nhận làm anh em kết nghĩa. Khoảng cuối tháng 7/2013, Tập đến gặp Cư vay 30 triệu đồng và hẹn đến cuối năm sẽ trả. Vì là chỗ thân tình, Cư quyết định vét hết tiền trong nhà đưa cho Tập mà không lấy lãi. Đến hẹn trả tiền nhưng Tập không trả mà còn tìm cách tránh né dù Cư nhiều lần hẹn gặp.
Ngày 30/5/2014, Cư tiếp tục điện thoại nhiều lần cho Tập để đòi tiền nhưng Tập không nghe máy. Nói hoài cũng chán, Cư gầy độ nhậu và rủ hai ông bạn hàng xóm đến trò chuyện cho vui. Đến khoảng 22 giờ cùng ngày, Tập bất ngờ chạy xe máy đến trước nhà Cư. Thấy Tập đến, hai người hàng xóm vội vàng ra về vì sợ có chuyện.
Dựng xe và đến bên bàn ghế đá nơi Cư ngồi nhậu, Tập nói: “Tôi nói thật với anh là tôi không có tiền để trả vợ chồng anh nữa. Giờ anh muốn đòi nợ thì đầu tôi đây, anh cứ chặt mà trừ nợ”. Khẳng định mình không nói giỡn, Tập đưa đầu về phía Cư nói lớn: “Đầu tôi nè, anh chặt đi. Từ trước đến nay chưa ai dám chặt đầu tôi”.
Nghe giọng lè nhè của Tập, Cư biết người anh em đã có rượu vào nên không nói gì mà bỏ ra sau bếp. Biết chồng tránh mặt nên bà Lê Thị Năm (SN 1964, vợ Cư, đang nằm võng cạnh bàn) bảo Tập đi về, bữa sau tỉnh táo quay lại tính tiếp. Thấy Cư đi, Tập thừa cơ xông lên, càng nói nhiều hơn.
Đứng ở sau nhà hơn chục phút mà vẫn nghe Tập lải nhải, thách thức, Cư cố dằn lòng mình lại. Thế nhưng càng nhịn, Tập càng la lối khiến Cư tức giận xách con dao dưới bếp mang ra sân. Thấy Cư cầm dao, Tập liền nằm kê đầu lên bàn đá và chỉ vào cổ bảo Cư chặt. Cư đi đến bên cạnh Tập, một tay đè đầu người anh em xuống bàn đá, tay còn lại cầm dao chặt xuống hai nhát. Thấy Tập gục xuống tại chỗ, Cư bàng hoàng tỉnh cơn say buông dao. Người đàn ông thẫn thờ đến cạnh vợ thú nhận đã giết Tập và nhờ bà báo công an đến giải quyết vụ việc. Ngay sau đó, Cư bị bắt giữ.
Đến tòa cùng hai đứa con nhỏ, chị Hồng - vợ bị hại Tập già nua hơn nhiều so với tuổi. Gương mặt khắc khổ, làn da đen sạm, chị nhỏ nhẹ trả lời phần thẩm vấn của Hội đồng xét xử. Mặc dù là vợ nhưng chị không hề biết anh vay mượn 30 triệu của bị cáo dùng vào việc gì. Mãi cho đến khi xảy ra cớ sự, chị mới thấy tờ giấy ghi nợ có chữ ký của chồng mình. Vợ chồng anh chị có 3 đứa con nhưng đứa nào cũng ốm yếu, nhỏ người hơn những bạn cùng trang lứa.
Không nhà không cửa, vợ chồng Tập phải cùng các con thuê tạm một căn nhà làm nơi trú mưa nắng. Hàng ngày anh đi làm bảo vệ ở một công ty nhà nước, còn chị và các con nhận lộn vỏ bao bì cho người ta. Mỗi lần làm xong hàng, tiền công chị nhận được chỉ vài chục ngàn. Vì vậy mọi chi tiêu trong gia đình đều phải nhờ vào đồng lương bảo vệ ít ỏi của anh.
Gặp chị trong giờ nghị án, người phụ nữ vẫn đau đáu nỗi đau mất chồng. Ôm ngực thở dốc, chị nhắm mắt nhớ lại quãng thời gian cực khổ nhưng hạnh phúc khi có chồng kề vai sát cánh. “Anh ấy là trụ cột trong gia đình nhưng lại bỏ đi quá sớm để mẹ con tôi bơ vơ, trơ trọi giữa đời. Tôi chẳng có nghề nghiệp gì ngoài làm bao bì cho người ta. Hai đứa con lớn thương mẹ cũng nghỉ học đi làm thuê phụ tôi nuôi thằng út đi học. Buồn lắm, nhưng tôi cũng phải cắn răng chịu vì gia đình bị cáo cũng khó khăn…”, chị Hồng chia sẻ.
Bà Năm – vợ bị cáo trình bày tại Tòa: “Tôi không thấy gì cả, nhưng chỉ nghe loáng thoáng thì mọi thứ im bặt và chồng tôi thú nhận đã giết anh Tập. Thường ngày ổng hiền lành lắm, đâu có bao giờ gây gổ với ai. Giờ ổng đi tù, bệnh tiểu đường của tôi nặng hơn, thành ra mù lòa. Con trai tôi phải để vợ con ở Bình Dương về đây chăm sóc mẹ. Vợ nó vì vậy mà giận, đưa hai đứa nhỏ trả cho chồng. Tôi mù lòa, chẳng làm cách nào để chăm hai đứa cháu cùng mẹ chồng đã 104 tuổi đành phải xin phía ngoại tụi nhỏ giúp đỡ. Tôi biết chồng mình có tội nhưng giờ tôi chẳng còn gì ngoài căn nhà nát. Tiền bạc không có, cơm cháo hàng ngày đều là nhờ mỗi người cho một ít, tôi lấy đâu ra tiền bồi thường cho gia đình bị hại…”.
Với hành vi phạm tội trên, sau giờ nghị án, HĐXX TAND TP. Hồ Chí Minh tuyên phạt Nguyễn Ảnh Cư tù chung thân về tội “Giết người”./.