Kênh mạng xã hội “sạch” lan tỏa giá trị tích cực đến với giới trẻ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Trước tình trạng “rác” trên mạng tràn lan, đầu độc người dùng, có nguy cơ làm lệch lạc nhận thức cả thế hệ, ngoài những nỗ lực “dọn rác”, còn cần phải xây dựng, phát triển những kênh “sạch” để lan tỏa năng lượng tích cực đến cộng đồng.
Phim hoạt hình về Hai Bà Trưng trên một kênh mạng xã hội.
Phim hoạt hình về Hai Bà Trưng trên một kênh mạng xã hội.

Đi tìm những kênh “sạch”

Giữa muôn vàn những kênh mạng xã hội chạy theo view, câu view bất chấp, gây ra những scandal, những hành vi phản cảm và lệch lạc, thì vẫn có những kênh mạng xã hội ít ỏi đang đi theo con đường tích cực, đem lại nhiều giá trị hữu ích cho cộng đồng.

Ẩm thực mẹ làm là một kênh Youtube được lập ra vào năm 2019. Thời điểm ấy, trào lưu clip “siêu to khổng lồ” đang chiếm lĩnh thị trường. Những người làm Youtube theo các hướng này dễ dàng có được số lượt xem lớn trong một thời gian ngắn nhờ đáp ứng thị hiếu, đồng thời tạo ra nhiều clip sốc, gây sốt.

Thế nên, con đường đi của kênh Ẩm thực mẹ làm được coi là một con đường khó. Kênh này chọn cách đi chậm, làm những điều yêu thích chứ không chạy theo trào lưu hay clip “sốc”. Chủ nhân kênh là hai mẹ con anh Đồng Văn Hùng, với hoạt động chính là nấu ăn. Với anh Hùng, kênh là cách anh lưu giữ lại những hình ảnh, món ăn mà mẹ mình nấu. Còn với người mẹ, đây là một cách để bà thêm kết nối, có tiếng nói chung với con trai mình.

Nội dung các video của kênh Ẩm thực mẹ làm chủ yếu quay lại những công việc, hoạt động thường ngày của người mẹ và giới thiệu các món ăn dân dã chưa được nhiều người biết tới.

Không giật tít, không nấu những món siêu to khổng lồ theo trào lưu, mà chỉ là những bữa ăn bình dị mà ta có thể thấy hằng ngày, nhưng đặc biệt hơn là hầu hết nguyên liệu là trong vườn nhà. Không gian quay là những góc mộc mạc, bình dị chốn quê nhà.

Những clip giản đơn, góc quay không quá cầu kì, món ăn cũng dân dã nhưng giàu cảm xúc, đã chạm đến trái tim của người xem. Để rồi, Ẩm thực mẹ làm dần dà nhận được sự quan tâm, yêu mến của khán giả trong và ngoài nước. Sau 3 tháng ra mắt, Ẩm thực mẹ làm đạt mốc 100.000 người đăng ký với lượt xem trung bình 200.000 - 300.000 mỗi video, giành nút bạc YouTube. Hiện tại, kênh đã đạt hơn 1 triệu lượt đăng ký theo dõi. Năm 2020, kênh trở thành một trong những đại diện của Việt Nam tham dự YouTube FanFest 2020.

Nói đến hot blogger trên mạng, hầu như những người trẻ thuộc thế hệ 9x không ai là không biết đến “Giang ơi”, chủ nhân kênh Youtube Giang ơi sinh năm 1991, từng tốt nghiệp chuyên ngành thời trang tại Anh và làm việc trong ngành báo chí. Kênh Youtube của Giang ơi chuyển tải góc nhìn của Giang về mọi vấn đề trong đời sống hàng ngày như: bảo vệ môi trường, cách giảm cân lành mạnh, thể dục thể thao đúng cách, làm sao để tự tin hơn, tạo nên chuẩn mực sống cho chính mình... Đó đều là những chủ đề gần gũi, cộng với cách nói chuyện tự nhiên, phong thái tự tin, duyên dáng của Giang, khiến kênh đã thu hút được lượng người xem lớn.

Giang không chỉ là một blogger được yêu thích, mà còn là một “người nổi tiếng” được ngưỡng mộ bởi lối sống lành mạnh, hiện đại và văn minh. Hiện nay, kênh Youtube Giang ơi có 1,6 triệu người đăng kí, và được đánh giá là một kênh đầy những năng lượng tích cực, cung cấp nhiều thông tin bổ ích cho cộng đồng.

Tiktok là nền tảng mạng xã hội được giới trẻ ưa chuộng nhất hiện nay. Tiktok cũng là nền tảng mạng nhận nhiều chỉ trích thời gian qua vì sự xuất hiện của nhiều clip nhảm nhí, nội dung vi phạm thuần phong mỹ tục... Tuy nhiên, cạnh các clip này, vẫn có một số người trẻ đi “ngược dòng”, xây dựng những kênh mang lại lợi ích cho cộng đồng.

Có thể kể đến các kênh hướng dẫn bạn trẻ phương pháp học ngoại ngữ như alohaoil (Tám E) hay OroEnglish. Nếu như Tám E (trên 3,5 triệu lượt thích) hướng đến hình thức học Tiếng Anh qua lời thoại phim khiến khán giả hào hứng, thì kênh OroEnglish (trên 7 triệu lượt thích) chuyên hướng dẫn những cụm từ, hành động đơn giản mỗi ngày bằng Tiếng Anh. Các kênh này đang được xem là “kênh dạy tiếng Anh trên mạng” được các bạn trẻ ưa chuộng.

Hay một số bạn trẻ đang triển khai dự án “hoạt hình sử Việt”, đem sử Việt biến thành những câu chuyện hấp dẫn đến với công chúng: Những chuyện kể về bác Hồ, chuyện Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Ngô Quyền đánh quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng... Nhiều clip xây dựng chuyên nghiệp, nội dung hay, nhận được rất nhiều bình luận khen ngợi của khán giả.

Kênh “Ẩm thực mẹ làm” được nhiều khán giá đánh giá là đem nhiều giá trị tinh thần tích cực đến cộng đồng.

Kênh “Ẩm thực mẹ làm” được nhiều khán giá đánh giá là đem nhiều giá trị tinh thần tích cực đến cộng đồng.

Xây dựng kênh tích cực làm “kim chỉ nam” cho người trẻ

Dẫu chiếm tỉ lệ thấp hơn rất nhiều so với các kênh “bẩn” đang làm mưa làm gió trên mạng, nhưng chủ nhân những kênh mạng xã hội tích cực vẫn âm thầm lan tỏa những điều tốt đẹp đến với cộng đồng qua nỗ lực hàng ngày của mình.

Họ là những thầy cô giáo lập kênh để hướng dẫn học sinh cách học sao cho hiệu quả, là những đầu bếp chia sẻ cách thức nấu những món ăn ngon, lành mạnh, là những bác sĩ đem đến kiến thức chuẩn về y tế cho cộng đồng... Nhiều kênh khác, kể những câu chuyện cảm động, nhân văn nhằm khơi gợi lòng trắc ẩn, tình yêu thương giữa người và người. Còn có những kênh mà ở đó, người trẻ bộc lộ những góc nhìn mới mẻ, hay ho về cuộc sống, hay là nơi gặp gỡ của những trái tim thiện nguyện.

Tuy nhiên, có một nghịch lý là làm kênh sạch, tích cực thì khó hơn kênh “bẩn”. Con đường đi của những kênh mạng xã hội hữu ích bao giờ cũng lắm gian nan. Bởi, chỉ có kiến thức, có tấm lòng mà không có chiêu trò thì hành trình tiếp cận với khán giả rất chậm. Giang ơi là một trường hợp may mắn, bởi cô cũng xây dựng kênh từ “tay không” nhưng nhanh chóng chinh phục được khán giả.

Giang chia sẻ: “Mình nhận ra rằng ngày qua ngày mình sẽ không trẻ hơn, vì vậy mình sẽ làm tất cả những gì mình từng muốn làm. Vlog đầu tiên đã ra đời như thế. Vì học quá bận nên mình cũng không làm được nhiều và chỉ làm lúc rảnh. Sau đó khi trở lại Việt Nam, mình thấy việc đó mang lại nhiều niềm vui hơn mình nghĩ và mình bắt đầu làm đều đặn... Những vlog đầu tiên của mình ra đời từ vài dòng ý chính trên giấy nháp, đặt chiếc máy ảnh DSLR mượn của người bạn trên vài hộp giày cho đủ độ cao, ngồi cạnh cửa sổ lấy ánh sáng, và cứ thế quay...”.

Tuy nhiên, nhiều người trẻ đã phải nản lòng, bỏ cuộc vì bỏ công sức, chi phí mà không nhận lại được gì. Trần Nguyễn Hoài An, chủ nhân kênh Youtube “Góc nhỏ Sài Gòn”, nay đã dừng hoạt động, ngậm ngùi chia sẻ: “Mình yêu thành phố nơi mình sinh sống, nên đã lập một kênh để quay lại những cảnh đời thường, những góc nhỏ trong lòng thành phố. Như chuyện người quét rác đêm, chuyện một cô bán chè ba đời trong một con hẻm, hay chuyện bà cụ tật nguyền bán rau góc đường.

Mỗi câu chuyện là một bài học cuộc sống, kênh được một số bạn trẻ yêu thích và khen ngợi, nhưng mình buộc dừng sau một năm duy trì vì không đủ kinh phí. Sau này, mình thấy có một số bạn trẻ làm kênh cũng có nội dung như mình, nhưng lại đi theo hướng tiêu cực, thổi phồng, nhận tiền để quảng cáo món ăn trá hình, hoặc xúc phạm người lao động nghèo. Thế mà họ nổi tiếng, lượt theo dõi đông đúc và thu nhập khủng”.

Những năm gần đây, mạng xã hội chứng kiến sự bùng nổ của các kênh Facebook, YouTube, Tiktok nổi đình nổi đám tại Việt Nam. Điều đáng nói là nội dung của các kênh này phần lớn nhảm nhí, tràn lan những hình ảnh tiêu cực, thông tin giả mạo... Nguy hiểm hơn, còn có một số kênh lợi dụng tính chất mở, môi trường ảo và những kẽ hở trong chính sách pháp luật, đăng tải những thông tin, hình ảnh xuyên tạc tình hình chính trị, xã hội đất nước.

Trong khi đó, những kênh có nội dung lành mạnh, lan tỏa những năng lượng tích cực rất hiếm hoi. Các kênh này cũng hầu như không nhận được sự khuyến khích, chia sẻ của nền tảng mạng, của truyền thông hay của người dùng.

Đã xuất hiện nhiều kênh mạng xã hội từ các cơ quan quản lý nhà nước như các kênh của công an, bộ đội, của các nhà giáo, kênh của tuyên giáo. Các kênh này đã góp phần xây dựng hình ảnh của những người cán bộ nhà nước chuẩn mực trong công chúng, góp phần trong việc tuyên truyền, đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân một cách nhanh chóng, kịp thời, đẩy lùi những luận điểm phản động, chống phá nhà nước, giáo dục lòng yêu nước trong giới trẻ...

Việc xuất hiện những kênh có nội dung tốt, lan tỏa các giá trị trong xã hội sẽ góp phần không nhỏ định hướng cái nhìn của giới trẻ, tạo ra những chuẩn mực về hành xử, lối sống, đẩy lùi những ảnh hưởng tiêu cực của các kênh “bẩn” trong cộng đồng.

Thời gian tới, có lẽ các cơ quan quản lý, bên cạnh việc xử lý, “dẹp loạn” các kênh rác, cần có những chính sách nhằm khuyến khích, xây dựng những kênh “sạch” nhằm đem lại nhiều lợi ích hơn cho người dùng mạng, tạo một “bộ lọc” tích cực cho cộng đồng thông qua các kênh này.

Đọc thêm