Kết luận điều tra vụ đường dây 200 triệu lít xăng lậu

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Cơ quan CSĐT Công an Đồng Nai vừa hoàn tất kết luận điều tra giai đoạn 1 vụ án buôn lậu và làm xăng giả lớn nhất từ trước đến nay.
Cơ quan điều tra lấy mẫu xăng mang đi kiểm nghiệm.
Cơ quan điều tra lấy mẫu xăng mang đi kiểm nghiệm.

CQĐT đề nghị truy tố Phan Thanh Hữu (Giám đốc Cty TNHH Thương mại Phan Lê Hoàng Anh), Nguyễn Hữu Tứ, Đào Ngọc Viễn (Giám đốc Cty TNHH Đại Dương) và 70 đồng phạm về tội Buôn lậu.

Riêng Ngô Văn Thụy, Đội trưởng Đội 3, Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan bị đề nghị truy tố về tội Nhận hối lộ.

Hữu và đồng phạm còn bị điều tra về các tội Sản xuất, buôn bán hàng giả và in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, CQĐT chưa nhận được kết quả trưng cầu giám định vật chứng nên hành vi trên của Hữu và những người liên quan được tách ra ở giai đoạn 2 của vụ án.

Thủ đoạn “phù phép” tinh vi

Hữu và Tứ từng có thời gian dài hoạt động kinh doanh xăng dầu. Nhận thấy giá xăng dầu trong nước thường cao hơn những nước xung quanh, năm 2019, Hữu tính tới việc buôn lậu. Hữu tìm gặp Tứ bàn bạc và cả hai đồng ý móc ngoặc với nhau, trong đó Tứ điều hành và chịu trách nhiệm tìm đối tác từ Singapore, Hữu có nhiệm vụ điều hành việc nhận hàng từ phao số 0 rồi sử dụng bột màu và hóa chất pha chế cho tăng số lượng trước khi chuyển vào đất liền bỏ mối cho đại lý ở khắp các tỉnh, thành từ Nam Trung bộ trở vào. Hữu hoán đổi tiền góp vốn với một giám đốc Cty lấy 4 tàu thủy Nhật Minh 06, 07, 08, 09 để phục vụ công việc chuyên chở.

Hữu, Tứ tìm địa điểm đặt kho chứa và quyết định chọn hai địa điểm. Thứ nhất là mua ụ nổi về đặt giữa lòng sông Hậu thuộc địa bàn xã Mỹ Hòa, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long, vì đoạn này có chiều rộng lên đến trên 2,5km, ít dân cư nên dễ ngụy trang.

Điểm thứ hai là xây dựng hệ thống bồn chứa ở cảng Nam Phong, tỉnh Long An, bởi cảng này nằm ở khu vực hẻo lánh, ít bị cơ quan chức năng để ý nhưng thuận tiện để vận chuyển cả bằng đường thủy lẫn đường bộ về TP HCM và các tỉnh miền Đông Nam bộ. Hai điểm tập kết này được Hữu bố trí nhiều lớp bảo vệ để người ngoài không thể tiếp cận, nếu cơ quan chức năng có kiểm tra thì cũng bị Hữu sử dụng những bộ hóa đơn, chứng từ giả để hợp thức.

Thời điểm này, khi được giới thiệu Viễn thuộc diện có “máu mặt” trong ngành mua bán, vận chuyển xăng dầu, đồng thời có nhiều mối quan hệ với một số cá nhân ở các cơ quan chức năng nên Hữu lập tức tìm gặp mời góp vốn. Gặp Hữu, Viễn đồng ý và còn huy động thêm 3 nhân vật khác cùng góp vốn và cộng chung lại, Hữu, Tứ, Viễn cùng 3 người khác góp tổng cộng 53,4 tỷ đồng. Theo thỏa thuận, lợi nhuận thu được sẽ chia theo tỷ lệ Hữu nhận 40%, Viễn, Tín và những người còn lại chia nhau 60%.

Có vốn, có phương tiện, với mối quan hệ sẵn có của Viễn, Hữu liên hệ với chủ hàng bên Singapore. Sau khi thỏa thuận về giá cả, phương thức thanh toán cũng như cách thức nhận hàng, Hữu thông báo cho Viễn để người này điều 2 tàu biển chuyên dụng Pacific Ocean (trọng tải 3.000 tấn) và Western Sea (5.000 tấn) đậu tại vùng biển tự do giữa các nước Singapore, Indonesia, Malaysia đợi có thông báo thì vào cảng Vopak của Singapore liên lạc với đại lý để nhận xăng dầu.

Khi về tới vùng biển Việt Nam, Hữu tiếp tục thông báo cho Tứ đưa tàu Nhật Minh 07, 08, 09 ra nhận xăng chở về khu vực sông Hậu thuộc Vĩnh Long; riêng các tàu Huỳnh Ngân, Huỳnh Ngân 2, Sơn Tiền, Tây Nam của Tứ, chở về kho chứa tại cảng Nam Phong (Long An). Do xăng nhập lậu màu trắng, Hữu mua bột màu và dung môi cho nhân viên đưa lên tàu pha chế thành màu vàng nhạt cho giống xăng trong nước. Hữu thuê người làm hồ sơ chứng từ giả để “phù phép” cho những lô xăng lậu.

48 chuyến, 200 triệu lít, 2.800 tỉ đồng

Cuối 2020, Viễn móc nối với hai đối tượng khác là Nguyễn Minh Đức và Phạm Hùng Cường (đang bỏ trốn) góp 19,3 tỉ đồng mua 2 tàu biển Khánh Hòa 01 và Khánh Hòa 03 để chở xăng lậu. Nhóm này do Viễn điều hành chính, Cường có nhiệm vụ liên hệ với đầu mối tại Singapore, còn Đức lo tiêu thụ xăng. Sau khi tàu Pacific Ocean của Viễn chở về vùng biển Khánh Hòa, xăng sẽ được sang qua hai tàu trên đưa vào cảng Bắc Vân Phong chở đi tiêu thụ tại Khánh Hòa và các tỉnh Nam Trung bộ.

Tháng 9/2020, qua công tác nắm tình hình, phát hiện dấu hiệu về dòng chảy xăng giả, xăng lậu tràn ra thị trường, Công an Đồng Nai vào cuộc, phối hợp Cục Cảnh sát hình sự triển khai phương án đấu tranh.

Đêm 6/2/2021, lực lượng trên 500 cán bộ, chiến sĩ công an chia thành 14 tổ công tác đồng loạt thực hiện lệnh khám xét khẩn cấp các địa điểm kho chứa, trạm xăng, trụ sở làm việc và nơi ở của các đối tượng tại các tỉnh Đồng Nai, TP Cần Thơ, Vĩnh Long, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP HCM. Tại thời điểm trên, một tổ công tác đã bắt quả tang các đối tượng khi đang vận chuyển, mua bán, sang mạn tàu để pha chế, bơm hút, vận chuyển xăng nhập lậu với số lượng lớn tại ụ nổi trên sông Hậu thuộc địa bàn xã Mỹ Hòa, Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long.

Qua khám xét, thu giữ tang vật gồm 2 tàu biển có tải trọng 1.500 tấn, 5 xà lan có tải trọng từ 400 đến 1.000 tấn, 6 xe bồn, 2.680.000 lít xăng, 4 thùng hóa chất để tạo màu, trên 100 tỉ đồng tiền mặt, gần 50 quyển sổ đỏ, 12 thùng tài liệu hồ sơ, sổ sách và các tang vật liên quan.

Ngày 8/2/2021, CQĐT ra quyết định khởi tố vụ án, ra lệnh bắt giữ người trong trường hợp khẩn cấp với Hữu và Tứ, triệu tập 33 đối tượng khác có liên quan để phục vụ công tác điều tra. Sau đó, công an bắt giữ Trần Ngọc Thanh (SN 1975, ngụ tỉnh Đồng Tháp, “vợ bé” của Tứ). Thanh được xác định là đã tham gia vào quá trình buôn lậu và làm xăng dầu giả của Hữu và Tứ.

Từ tháng 3/2020 đến tháng 2/2021, Hữu, Viễn cùng đồng phạm đã vận chuyển 48 chuyến, tổng cộng gần 200 triệu lít xăng dầu lậu, trị giá khoảng 2.800 tỉ đồng. Trong đó, đã tiêu thụ hơn 196 triệu lít, thu lợi hàng trăm tỷ đồng, riêng Hữu hưởng hơn 105 tỉ đồng.

Đọc thêm