Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp khu vực Tây Nguyên: Doanh nghiệp muốn có nguồn tín dụng đặc thù mang tính thời vụ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Với đặc điểm lợi thế về phát triển nông, lâm nghiệp, Tây Nguyên đã và đang trở thành vùng sản xuất một số sản phẩm nông sản chủ lực quy mô lớn. Doanh nghiệp khu vực này mong muốn ngành Ngân hàng có nguồn tín dụng đặc thù mang tính thời vụ…
Hội nghị kết nối NH - DN khu vực Tây Nguyên
Hội nghị kết nối NH - DN khu vực Tây Nguyên

Huy động vốn chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu vốn tín dụng

Ngày 20/10, tại Đắk Lắk, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức Hội nghị Kết nối ngân hàng (NH) - doanh nghiệp (DN) khu vực Tây Nguyên.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh, đồng hành cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực Tây Nguyên, luôn có sự cố gắng, nỗ lực của toàn ngành NH trong việc phát triển mạng lưới, quy mô hoạt động; tập trung các nguồn lực, đáp ứng kịp thời nhu cầu về vốn và dịch vụ NH, tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế tiếp cận nguồn vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD), phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng, góp phần thực hiện thành công các chủ trương phát triển kinh tế - xã hội gắn với các ngành chủ lực, các chương trình mục tiêu quốc gia.

Điển hình như: Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP và Nghị định 116/2028/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn; Chính sách cho vay hỗ trợ lãi suất để tăng cường cơ giới hóa và giảm tổn thất trong nông nghiệp; Cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch; Cho vay tái canh cây cà phê tại khu vực Tây Nguyên; Cho vay đầu tư các dự án hạ tầng, năng lượng tái tạo; Các chương trình tín dụng chính sách của NHCSXH…

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại Hội nghị

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại Hội nghị

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động SXKD của khu vực cũng còn những hạn chế, khó khăn, tốc độ phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của vùng, GRDP bình quân đầu người vẫn ở mức thấp nhất trong 6 vùng kinh tế, thu hút FDI thấp, giảm nghèo chưa bền vững…

Báo cáo của NHNN cho biết, ngay từ đầu năm, NHNN đã định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế; Đến ngày cuối tháng 9/2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 6,92%.

Đặc biệt, Phó Thống đốc lưu ý, hoạt động NH vẫn còn tiềm ẩn rủi ro về nguồn vốn khi huy động vốn chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu vốn tín dụng trên địa bàn. Đến nay, huy động vốn tăng 8%, dư nợ tín dụng tăng 6%. Nhiều DN, người dân vẫn phản ánh gặp khó khăn trong quá trình hoạt động SXKD và tiếp cận vốn tín dụng NH…

Doanh nghiệp vẫn khó khăn

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Nguyễn Văn Cửu, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2/9 - tỉnh Đắk Lắk chia sẻ, năm 2022 vừa qua, DN đã đạt doanh thu 6.800 tỷ đồng- mức kỷ lục sau 30 năm hoạt động. Để có được kết quả đó, theo DN này có sự đóng góp quan trọng của ngành NH khi nguồn vốn tín dụng của DN lên tới 5.300 tỷ đồng (từ 15 NH).

Mặc dù dựa chủ yếu vào nguồn vốn NH, đại diện DN này cho nguồn vốn tín dụng trên địa bàn 62%, còn phải vay của các NH khác ngoài địa bàn, trong đó có cả ngân hàng nước ngoài. “Do đặc thù mùa vụ, mùa cà phê bắt đầu từ đầu tháng 10 năm trước đến cuối tháng 9 năm sau nên khi hàng vào kho chúng tôi phải có tiền trả cho nông dân, trong khi vay vốn, NH yêu cầu phải có Hợp đồng ngoại thương, Do đó nhiều khi DN nhập khẩu ép giá, chúng tôi vẫn phải chấp nhận để nhập hàng”- ông Cửu chia sẻ và bày tỏ mong muốn NH có nguồn vốn tín dụng đặc thù mang tính thời vụ cho DN.

Cũng theo đại diện DN này, DN đang có kế hoạch chế biến sâu, hình thành chuỗi liên kết nên mong muốn NH cung ứng đủ, kịp thời nguồn vốn và với lãi suất giảm hơn nữa. “Với dư nợ tín dụng lớn, chỉ cần lãi suất giảm 1%, đã hỗ trợ DN chúng rất nhiều…”- ông Cửu bày tỏ.

DN cần nguồn vốn lớn để thu mua cà phê khi đến mùa vụ. (Ảnh: Thanh Thanh)

DN cần nguồn vốn lớn để thu mua cà phê khi đến mùa vụ. (Ảnh: Thanh Thanh)

Bà Trần Thị Lan Anh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp - tỉnh Gia Lai cho biết, DN nhỏ và vừa (DNNVV) hiện đang phải hỗ trợ cho các hộ nông dân, hợp tác xã, ... sản xuất cà phê trên địa bàn để họ có điều kiện phát triển sản xuất theo hướng bền vững. Đây là một hình thức hỗ trợ rất hiệu quả và thiết thực cho bà con nông dân, mà chỉ các DN này mới áp dụng và triển khai mô hình này. Tuy nhiên, hiện nay khối DNNVV đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong vấn đề tiếp cận vốn vay của các NH..

Bà Lan Anh cho biết, các DN không có đủ nguồn vốn đảm bảo thu mua và điều tiết kế hoạch dẫn tới tình trạng bị ép giá do khối lượng lớn cà phê tập trung thu hoạch vào chính vụ được bán ra trong thời gian rất ngắn. “DN cần đảm bảo nguồn vốn để thu mua cà phê cho người nông dân để sản xuất và xuất khẩu cà phê ngay từ đầu niên vụ, điều tiết hoạt động SXKD cũng như hỗ trợ tốt cho người nông dân phát triển cà phê theo hướng bền vững…”- bà Lan Anh đề nghị.

Cụ thể, DN này đề nghị NH có chính sách cấp tín dụng theo từng ngành hàng, đặc biệt là ngành nông sản xuất khẩu trong đó có cà phê; Đề nghị cung cấp gói tín dụng đặc thù riêng cho ngành cà phê, cho các DN đầu ngành và có tính bền vững về lãi suất, về room tín dụng, về chính sách tài sản đảm bảo, để cạnh tranh với các DN FDI; Đề nghị xem xét triển khai áp dụng các sản phẩm vay vốn, dựa vào phương án SXKD gồm: Hợp đồng, quyền phải thu, dòng tiền, hàng hoá, để DN được tiếp cận nguồn vốn vay tín chấp tạo điều kiện cho DN chủ động về vốn…

Cũng phản ánh khó khăn trong tiếp cận vốn của các DNNVV, DN khởi nghiệp, (do khả năng tài chính, khả năng đảm bảo trả nợ, không chứng minh được điều kiện trả nợ…), bà Huỳnh Thị Ngọc Trâm, Giám đốc Công ty TNHH JFT- tỉnh Lâm Đồng cho biết, do đặc thù của ngành nông nghiệp (đầu tư nhà kính, nhà lưới, công nghệ cao...) chi phí rất lớn nhưng khi dỡ ra giá trị rất thấp, trong khi đó các tài sản này không đem thế chấp để vay vốn được do không có chứng nhận sở hữu. DN đề nghị cần tháo gỡ vấn đề này, nghiên cứu cơ chế liên kết 3 bên: NH - bên thế chấp - bên thi công nhà kính để đảm bảo nguồn vốn cho DN…

Sơ chế cà phê tại Nhà máy của Công ty TNHH MTV Xuất Nhập Khẩu 2/9. (Ảnh: Thanh Thanh)

Sơ chế cà phê tại Nhà máy của Công ty TNHH MTV Xuất Nhập Khẩu 2/9. (Ảnh: Thanh Thanh)