Kết nối trái tim với rừng xanh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Những chuyến đi rừng trèo đèo lội suối, các cuộc truy bắt tội phạm “ngầm” buôn bán động vật trái phép, hành trình trải dài từ châu Á đến châu Phi, đó là cuộc sống của Trang Nguyễn - một nhà bảo tồn động vật hoang dã người Việt Nam. Cô là đại diện cho phụ nữ thế hệ trẻ dám nghĩ, dám làm, dám cống hiến hết mình.
Xuất phát từ “lời hứa” với chú gấu bị lấy mật, Trang Nguyễn đã đi qua nhiều châu lục để bảo vệ động vật. (Nguồn: Elle Vietnam)
Xuất phát từ “lời hứa” với chú gấu bị lấy mật, Trang Nguyễn đã đi qua nhiều châu lục để bảo vệ động vật. (Nguồn: Elle Vietnam)

Từ những rung động mãnh liệt

Nguyễn Thu Trang (sinh năm 1990), là một cô gái trẻ được rất nhiều người biết đến bởi những thành tích, hoạt động tích cực bảo tồn động vật hoang dã không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Trang tốt nghiệp Tiến sĩ Trường Đại học Cambridge (Anh Quốc), hơn mười năm hoạt động trong nghề cô đã giành rất nhiều các giải thưởng lớn nhỏ. Cô cũng là Nhà sáng lập, Giám đốc điều hành Trung tâm Hành động vì động vật hoang dã - Wildact. Gần đây nhất, Trang Nguyễn là gương mặt trẻ duy nhất của Việt Nam được Obama Foundation chọn tham gia vào chương trình “Nhà lãnh đạo khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2023”.

Cơ duyên của Trang Nguyễn đến với ngành bảo tồn động vật hoang dã xuất phát từ tình cảm của cô đối với những con vật. Trang từng chia sẻ, năm cô 8 tuổi, khi đi học về, cô tình cờ nghe thấy tiếng rên rỉ của động vật ở nhà hàng xóm. Tò mò nhìn sang, cô rất đau lòng khi thấy một con gấu đang bị một người dùng kim tiêm để lấy mật. Từ đó, cô bé 8 tuổi đã nuôi giấc mơ bảo vệ tất cả những con vật trên trái đất này.

Dường như nghề bảo tồn động vật hoang dã đã được định sẵn là dành cho cô. Cuối năm cấp II, Trang thi đỗ vào lớp chuyên sinh của Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam. Đây là khoảng thời gian cô bắt đầu nghiên cứu những tài liệu về bảo vệ động vật. Trang từng chia sẻ, thời của cô không ai biết ngành bảo tồn động vật hoang dã sẽ làm gì. Mọi người chỉ nghĩ là làm ở công viên Thủ Lệ hoặc làm bác sĩ thú y.

Năm 16 tuổi, Trang làm tình nguyện viên cho Mạng lưới giám sát buôn bán động, thực vật hoang dã (TRAFFIC). Công việc này đánh dấu bước đầu tiên trên hành trình bảo tồn bảo tồn động vật hoang dã của cô. Trang từng kể rằng, thời học sinh, cô thích tham gia các hoạt động thiện nguyện đến nỗi bố mẹ khóa cửa ở nhà không cho ra ngoài. Mỗi khi nhìn thấy Trang xem các chương trình về động vật hoang dã, bố mẹ lại lập tức tắt tivi. Lúc ấy, bố mẹ của Trang mong muốn con gái sẽ theo ngành nghề đơn giản, dễ dàng hơn ở Việt Nam. Phải một thời sau, cô mới được gia đình chấp nhận đi theo ngành bảo tồn động vật hoang dã.

Để thực hiện ước mơ, Trang Nguyễn đã tìm hiểu và lên kế hoạch đi du học. Cô từng cho biết, thời đi học đã từng có lúc cô rất kém môn Tiếng Anh, nhưng để theo đuổi được đam mê của mình, Trang đã xin bố mẹ đến các lớp học tiếng Anh. Bằng sự chăm chỉ, cần cù của mình, cô đã dần cải thiện được vốn ngoại ngữ. Cuối cùng, Trang đã trúng tuyển vào Trường Đại học Liverpool (Anh Quốc), chuyên ngành bảo tồn động vật hoang dã. Cô hoàn thành chương trình đại học với thành tích xuất sắc trong các môn học.

Tình yêu với “ngôi nhà thứ hai”

Mở đầu cuốn sách “Trở về nơi hoang dã”, Trang Nguyễn đã trích dẫn một câu rất hay “Thiên nhiên lặng thầm mà tràn đầy tình yêu thương và khát vọng/Tất cả đều biết nói nếu biết lắng nghe bằng cả trái tim”. Có lẽ, đối với cô, rừng già, biển bạc đã trở thành gia đình thứ hai để yêu thương trong cuộc đời này.

Đó là lý do, dù phát hiện ra căn bệnh ung thư vào năm 2012, nhưng Trang vẫn quyết tâm dành toàn bộ thời gian cho ngành bảo tồn động vật. Sau khi thực hiện ca phẫu thuật, Trang không thể đi rừng nghiên cứu báo gấm theo kế hoạch. Bác sĩ không cho phép cô ở rừng sau khi điều trị. Đã có khoảng thời gian, cô áp lực, mệt mỏi đến mức phải tìm đến bác sĩ điều trị tâm lý.

Với nỗi “nhớ nghề”, cô chuyển sang làm bảo tồn tê giác và làm về sinh kế cho người dân ở Kenya. Trở về với thiên nhiên hoang dã ở Kenya, thấy mặt trời mọc và lặn, nghe tiếng cành khô gãy gọn, tiếng chân voi, tình yêu thiên nhiên được đánh thức, Trang cảm thấy cô đang sống là chính mình.

Đối với rừng núi, thiên nhiên hoang dã, Trang Nguyễn chính là một “người bản địa”. Mỗi vùng đất Trang đặt chân đến, cô đều có thể tìm thấy những cái hay, điều mới lạ. Như khi tới Kenya, Trang nhận ra việc bảo tồn không chỉ là nghiên cứu hàn lâm mà phải xuất phát ngay từ chính cộng đồng người dân ở đó. Hay như trên truyền hình cách đây vài năm, Trang Nguyễn đã từng bật khóc khi chia sẻ câu chuyện về những chú voi ở châu Phi bị thợ săn giết để lấy ngà. Cả đàn voi dừng lại để chiến đấu với đám “lâm tặc”, cuối cùng cả đàn bị giết. Câu chuyện đã khiến cho người nghe rơi nước mắt cùng Trang vì đau lòng cho những con vật vốn vô tội trong thế giới này.

Cũng vì vậy, Trang thường xuyên tham gia vào đội “nằm vùng” và triệt phá nhiều đường dây buôn bán động vật hoang dã. Cô đã từng gặp một “tai nạn” bất ngờ diễn ra ở Nam Phi. Lúc ấy, Trang Nguyễn đóng vai “bạn hàng” của các đối tượng buôn sừng tê giác, ngà voi và vảy tê tê. Cô ngồi ghế phụ phía trước, phía sau là cảnh sát và các trùm buôn đang nói chuyện. Xe đang di chuyển bỗng dưng máy quay lén cài ở khuy áo của cô nháy đèn liên tục, ánh sáng đanh và sắc lóe mãi không dừng vì báo hết pin. Trang tái mặt sợ hãi, chỉ kịp che bớt ánh sáng, tim như đứng lại. Cũng may họ đang ngã giá, căng thẳng, lại thêm cô ngồi phía trước nên không bị phát hiện. Đó là bài học xương máu để Trang luôn cẩn thận trong mọi tình huống làm việc.

Đối với Trang Nguyễn, rừng già là ngôi nhà thứ hai của cô. (Nguồn: Trang Nguyễn)

Đối với Trang Nguyễn, rừng già là ngôi nhà thứ hai của cô. (Nguồn: Trang Nguyễn)

Một đợt khác, ở Campuchia, đợt đấy Trang hỗ trợ làm xét nghiệm ADN với vật chứng là kho ngà voi vừa bị bắt từ tay các trùm buôn lậu Trung Quốc. Lúc tới nơi, cô đã rất cẩn thận, ngụy trang khá kĩ. Nhưng khi đi vào trong khu tạm giữ để tiếp xúc với nghi phạm thì lại hơi chủ quan. Cả nhóm tháo khẩu trang vì tưởng chỉ toàn cảnh sát và nghi phạm đã bị khống chế. Không ngờ, gia đình những đối tượng bị bắt đứng ở ngay gần đó cầm điện thoại quay video mọi thứ. Chẳng bao lâu, tất cả nhóm điều tra bị lộ mặt, bị đưa hết lên mạng xã hội trong các hội nhóm của chúng. Cũng vì vậy, một vài vụ điều tra sau này Trang gặp rắc rối do đã bị nhận diện khuôn mặt.

Nhưng càng gặp khó khăn, thách thức, Trang càng yêu nghề bảo tồn động vật hoang dã. Ở Việt Nam, hiện nay, Trang Nguyễn là người sáng lập ra Wildact - một tổ chức hoạt động vì động vật hoang dã. Cô đang giữ chức Nhà sáng lập, Giám đốc điều hành Trung tâm hành động vì động vật hoang dã - Wildact, hoạt động ở Việt Nam từ năm 2013. Đặc biệt, Trang Nguyễn viết rất nhiều cuốn sách về nghề bảo tồn động vật hoang dã như “Trở về nơi hoang dã” (xuất bản năm 2023), “Chang hoang dã - Gấu”,… Bản thân cô tổ chức nhiều khóa học về bảo tồn thiên nhiên, động vật để thu hút thế hệ trẻ tham gia và làm trong ngành bảo tồn động vật hoang dã. Ngay cả khi đã kết hôn với một người nước ngoài làm cùng ngành, Trang Nguyễn cũng quyết tâm không sinh con, để dành trọn tình yêu cho “ngôi nhà thứ hai” cùa mình.

Vượt lên định kiến về giới

Một trong điều đáng khâm phục nhất của Trang Nguyễn chính là vượt lên trên những định kiến về người phụ nữ. Josh Kempinski (Giám đốc Chương trình Việt Nam Fauna & Folra International) từng nói về Trang Nguyễn: “Trang cũng quý hiếm như thiên nhiên hoang dã mà cô yêu, không chỉ bởi cô là một người Việt Nam với bộ hồ sơ đáng ngưỡng mộ với nền tảng giáo dục quốc tế và kinh nghiệm thực tế, mà còn bởi cô là phụ nữ. Không chịu khuất phục trước những định kiến xã hội, những gì Trang làm được có tính tiên phong và lan tỏa. Để ngành bảo tồn tiến xa hơn ở Việt Nam trong việc bảo vệ những loài quý hiếm đang bị đe dọa, không thể thiếu được những người như Trang”.

Trang Nguyễn từng chia sẻ, bố mẹ cô luôn mong muốn con gái đổi sang ngành nghề khác đỡ vất vả. Bản thân Trang cũng biết rằng, đối với ngành bảo tồn động vật hoang dã, có nhiều hướng đi an toàn hơn, như làm về giáo dục bảo tồn, làm các dự án nâng cao ý thức người dân… Nhưng đối với Trang, cô lựa chọn đi theo hướng nghiên cứu, nên các chuyến đi vào rừng trong vài ba tháng là chuyện bình thường.

Việc những người đàn ông sống trong những khu rừng già, đã không hề dễ dàng. Đối với phụ nữ lại càng khó khăn khi phải xa gia đình, thiếu thốn những điều kiện vật chất hiện đại để giữ gìn vệ sinh cơ thể sạch sẽ. Hơn nữa, với số lượng ít ỏi người phụ nữ làm về bảo tồn động vật, việc bị quấy rối tình dục là điều khó tránh khỏi. Trang Nguyễn từng chia sẻ: “Trong rừng sợ nhất là con người”. Con người ở đây ám chỉ những thợ săn trộm, người khai thác rừng trái phép sẵn sàng làm hại các nhà bảo tồn động vật. Hơn nữa, khi vào rừng, để giữ cơ thể ấm rất nhiều người sẽ uống rượu. Chính vì vậy, việc có những đồng nghiệp nam giới thiếu kiểm soát quấy rối bằng lời nói, thậm chí hành động là chuyện có thể sẽ gặp.

Cho nên, hiện tại Trang Nguyễn luôn phối hợp cùng nhiều tổ chức khác để có những hoạt động nhằm tuyên truyền hỗ trợ những người phụ nữ làm trong ngành bảo tồn phòng tránh bị quấy rối tình dục. Cũng như hướng dẫn họ nhận ra, đâu là quấy rối tình dục, đâu là những lời nói đùa. Để từ đó tạo ra một môi trường lành mạnh cho ngành bảo tồn động vật hoang dã.

Đọc thêm