Gian nan thay đổi thói quen đốt rơm rạ gây ô nhiễm

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Dù đã được cảnh báo nhiều năm nay về tác hại của đốt rơm rạ và pháp luật cũng có chế tài xử lý vi phạm, nhưng nhiều người vẫn chưa thể thay đổi thói quen này. Đặc biệt, không ít người băn khoăn “nếu không đốt thì không biết làm gì với rơm rạ”.
Tình trạng đốt rơm rạ vẫn diễn ra ở nhiều nơi. (Nguồn: BHT)
Tình trạng đốt rơm rạ vẫn diễn ra ở nhiều nơi. (Nguồn: BHT)

Lãng phí tài nguyên

Theo một thống kê của Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT, hằng năm nước ta có khoảng 47 triệu tấn rơm rạ, 8 triệu tấn trấu, 30 - 50 triệu phế phụ phẩm thực vật khác. Nhiều nghiên cứu cho thấy, những phụ phẩm này có nhiều tác dụng nếu được xử lý đúng cách, người nông dân có thể dùng để trồng nấm rơm, thức ăn gia súc, phân hữu cơ… hoặc làm nguồn nguyên liệu đầu vào cho các ngành công nghiệp khác.

Nếu không dùng số phụ phẩm nói trên, số tiền lãng phí có thể lên tới vài trăm nghìn tỷ đồng. Cụ thể, theo Viện Nghiên cứu Lúa gạo quốc tế (IRRI), hiện mỗi năm Việt Nam đốt lãng phí trên 20 triệu tấn rơm rạ. Việc làm này không chỉ lãng phí mà còn gây ô nhiễm môi trường, phát thải khí nhà kính, cản trở giao thông, gây hại cho sức khoẻ và cuộc sống con người. Các chất hữu cơ trong rơm rạ trong quá trình đốt sẽ biến thành các chất vô cơ làm cho đồng ruộng bị khô, chai cứng, một lượng lớn nước bị bốc hơi.

Tuy nhiên, phần lớn nông dân vẫn chưa thấy rõ lợi ích của rơm rạ hay tác hại của thói quen đốt phụ phẩm này. Cũng theo Cục Trồng trọt, chỉ có khoảng 20% rơm rạ được thu gom và sử dụng với mục đích làm nấm rơm, thức ăn chăn nuôi, đệm lót vận chuyển trái cây… Tại một số địa phương, bên cạnh việc nhắc nhở người dân thường xuyên, trước và ngay sau khi mùa gặt, các cơ quan chức năng đã hướng dẫn, hỗ trợ nông dân thu gom và xử lý phụ phẩm nông nghiệp để tận dụng nguồn phế phẩm này thành sản phẩm hữu ích hơn. Ngoài ra, cũng có một số sáng kiến từ các tổ chức, hộ nông dân hướng tới xử lý rơm rạ bền vững hơn. Nhưng không nhiều hộ nông dân tham gia, việc đốt phụ phẩm chưa thể chấm dứt hoàn toàn.

Chưa kể, nhiều ý kiến cho rằng, thói quen này đã có từ rất lâu, người dân đốt rơm rạ vì tiện lợi, diệt sâu bệnh, lấy tro bón ruộng,… Muốn người dân thay đổi nhận thức để thay đổi hành động là một chặng đường dài và khó khăn. Trong khi đó, sự đóng góp của công nghệ trong các mô hình thu gom xử lý rơm rạ vẫn còn hạn chế.

Nhân rộng mô hình hay

Những năm gần đây, tình trạng đốt rơm rạ vẫn tái diễn tại các huyện ngoại thành Hà Nội. Bên cạnh đó, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, ô nhiễm không khí nghiêm trọng ở miền Bắc thường xuất hiện vào mùa đông, từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau khi trời ít mưa và điều kiện nghịch nhiệt xảy ra. Chính vì vậy, thói quen đốt rơm rạ cũng “đóng góp” vào các nguyên nhân khiến tình trạng trên trở nên trầm trọng hơn.

Theo Nghị định số 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, hành vi đốt rơm rạ, ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của người dân sẽ bị xử phạt. Cụ thể, phạt tiền từ 2.500.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi đốt ngoài trời phụ phẩm từ cây trồng cạnh khu vực dân cư, sân bay, các tuyến giao thông chính. Vào tháng 6/2023, có 3 trường hợp đốt rơm rạ trái quy định tại huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội, đã bị phạt hành chính với tổng số tiền phạt hơn 8 triệu đồng. Dù vậy, việc xử lý vi phạm hành chính khó đủ sức răn đe với người dân, khiến họ thay đổi thói quen một cách bền vững. Mấu chốt là nếu không hướng dẫn họ xử lý, người nông dân mang rạ về nhà vừa mất công, vừa tốn diện tích, mà lại không biết để làm gì.

Trên thực tế, những dự án, sáng kiến hướng dẫn người nông dân tái chế, tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp, áp dụng thiết bị công nghệ vào thu gom xử lý rơm rạ theo hướng tuần hoàn và phát thải thấp cũng cho nhiều kết quả tích cực và lâu dài. Đơn cử, trong khuôn khổ Đề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp, gắn với tăng trưởng xanh cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long”, Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) đã phối hợp Viện IRRI và Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang đã tổ chức các hoạt động như buổi trình diễn đồng ruộng và trao đổi về thu gom, xử lý và sử dụng rơm rạ bền vững, hội thảo tham vấn chính sách… vào tháng 7.

Tại đây, các doanh nghiệp, hợp tác xã và hơn 300 nông dân được chứng kiến quy trình hoạt động của nhiều thiết bị công nghệ trong thu gom, xử lý và sử dụng rơm rạ bền vững như: máy cuộn rơm khô và rơm ướt, máy băm rơm làm phân hữu cơ bón cho rau màu,… Họ còn có thể học hỏi tri thức, kinh nghiệm từ các cơ quan quản lý nhà nước, chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp để biến phụ phẩm rơm rạ thành sản phẩm có giá trị kinh tế cao hơn. Thiết nghĩ, những sáng kiến, hoạt động như trên cần tiếp tục được lan toả, nhân rộng nhằm giúp các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã, nhất là người nông dân, thực hiện tốt các nguyên tắc, nội dung, quy trình thu gom, xử lý, sử dụng rơm rạ trên đồng ruộng một cách đồng bộ, hiệu quả, giảm phát thải khí nhà kính, khí độc hại gây ô nhiễm môi trường.

Đọc thêm