Kết quả lãnh đạo, chỉ đạo của BCH TW khoá XII: Góp phần nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước

(PLVN) - Đó là một trong những nhận xét về kết quả kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII được đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư trình bày tại phiên làm việc sáng nay (26/1) của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đọc Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII nêu rõ, trong nhiệm kỳ qua, tình hình thế giới và khu vực diễn biến rất nhanh, phức tạp. Đặc biệt, năm 2020 do tác động của đại dịch COVID-19, kinh tế thế giới lâm vào khủng hoảng, suy thoái nghiêm trọng.

Các nước lớn điều chỉnh chiến lược cạnh tranh gay gắt và tăng cường bảo hộ thương mại. Châu Á-Thái Bình Dương là khu vực phát triển năng động nhưng vẫn tiềm ẩn những nhân tố bất ổn. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các vấn đề về an ninh phi truyền thống đã tác động nhiều mặt, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển bền vững của đất nước ta.

Ở trong nước, sự nghiệp đổi mới được đẩy mạnh, kinh tế, văn hóa, xã hội tiếp tục phát triển; công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được chú trọng; quốc phòng, an ninh, đối ngoại được tăng cường, nhưng cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn...

Trong bối cảnh đó, Ban Chấp hành Trung ương đã tập trung lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nỗ lực phấn đấu thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội XII đã đề ra và đạt được những thành tựu rất quan trọng, đưa đất nước tiếp tục phát triển.

Ngay sau Đại hội XII, Ban Chấp hành Trung ương đã lãnh đạo việc nghiên cứu, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân với cách làm mới toàn diện, hiệu quả hơn; sớm chỉ đạo xây dựng, ban hành Chương trình, Quy chế làm việc, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, kịp thời, hiệu quả của Trung ương trên tất cả các lĩnh vực.

Về lãnh đạo phát triển kinh tế-xã hội, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Trung ương đã lựa chọn 10 nội dung lớn, toàn diện về kinh tế - xã hội đưa vào chương trình làm việc toàn khóa. Trên cơ sở đó, Trung ương đã chỉ đạo xây dựng Đề án thảo luận và ban hành nhiều nghị quyết quan trọng mang tầm chiến lược về phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

 Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Hàng năm đã thảo luận, cho ý kiến về tình hình phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước chủ động xác định chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, từng bước vượt qua khó khăn, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, duy trì đà phục hồi của nền kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.

Ban Chấp hành Trung ương đặc biệt quan tâm cho ý kiến đối với một số vấn đề chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, chủ quyền lãnh thổ...

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, Ban Chấp hành Trung ương đã kịp thời ban hành Nghị quyết xác định rõ chủ trương, giải pháp để thực hiện hiệu quả hội nhập quốc tế, bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc, giữ vững ổn định chính trị, xã hội, sự lãnh đạo của Đảng đối với tiến trình hội nhập quốc tế.

Về lãnh đạo công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, Trung ương đã nghiên cứu, ban hành nhiều Nghị quyết, quy định, quy chế, kết luận để tăng cường công tác xây dựng Đảng toàn diện cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII, nhằm tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đề ra mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp xác định rõ những biểu hiện cụ thể về suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa.

Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ, trong đó chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác cán bộ, nhất là phương pháp đánh giá cán bộ, kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền, chủ nghĩa cá nhân cục bộ; có cơ chế tạo động lực đổi mới, sáng tạo, rèn luyện qua thực tiễn; quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư...

Đồng chí Trần Quốc Vượng cho biết, nhiệm kỳ vừa qua, Trung ương đã lập 36 đoàn kiểm tra do các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư làm trưởng đoàn, kiểm tra 110 lượt tổ chức đảng trong việc chấp hành Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng.

Cùng với đó, Trung ương xem xét, thi hành kỷ luật 10 tổ chức đảng và 52 cán bộ, đảng viên vi phạm. Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã xem xét, thi hành kỷ luật nghiêm minh 7 cán bộ lãnh đạo cấp cao, gồm một ủy viên Bộ Chính trị, 3 Ủy viên Trung ương Đảng, 3 nguyên Ủy viên Trung ương Đảng bằng các hình thức khai trừ, cách chức, cho thôi giữ chức vụ trong Đảng, Nhà nước.

“Một số trường hợp phải xử lý hình sự, bảo đảm dân chủ, đoàn kết, công minh, chính xác, công khai, kịp thời, nhân văn, thấu tình đạt lý. Nhiều vụ việc khó, phức tạp, nhạy cảm, dư luận quan tâm và đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương, cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý được lãnh đạo, chỉ đạo xem xét, kết luận và xử lý nghiêm minh”, Thường trực Ban Bí Thư Trần Quốc Vượng thông tin.

Trên cơ sở chương trình làm việc toàn khóa của Ban Chấp hành Trung ương, bám sát diễn biến tình hình trong nước và quốc tế, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã lựa chọn kỹ những nội dung để xây dựng chương trình làm việc hằng năm, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm và giải quyết kịp thời nhiều vấn đề hệ trọng, phức tạp phát sinh, nhất là quốc phòng, an ninh, đối ngoại và kinh tế; chỉ đạo chuẩn bị tốt, chu đáo các đề án, báo cáo trình Trung ương.

Về lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều Nghị quyết quan trọng về kinh tế-xã hội, cơ cấu lại ngân sách nhà nước, nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế, phát triển công nghiệp, phát triển du lịch, phát triển năng lượng tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư về hợp tác đầu tư nước ngoài.

Bộ Chính trị, Ban Bí thư chuẩn bị hoàn thiện các đề án trình Trung ương cho ý kiến về định hướng, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, dự toán ngân sách nhà nước hàng năm, đánh giá giữa nhiệm kỳ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, đề ra những chủ trương, giải pháp để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo chuyển biến thực chất hơn trong việc thực hiện các đột phá chiến lược và cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Trước diễn biến phức tạp, bất thường của thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là đại dịch COVID-19, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã kịp thời có chủ trương, giải pháp xử lý cụ thể, hiệu quả, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của toàn dân và toàn quân trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, vừa duy trì tăng trưởng kinh tế và phòng, chống dịch bệnh hiệu quả. Kết quả đạt được đã góp phần nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế...

"Có thể khẳng định, những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ Đại hội XII có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ tạo ra dấu ấn lớn, là điểm tựa cho những năm tiếp theo, mà còn tạo ra niềm tin, khí thế để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta vững vàng vượt qua khó khăn, thử thách, tận dụng thời cơ để nước ta bước vào một thời kỳ phát triển mới", đồng chí Trần Quốc Vượng nêu rõ.

Nghiêm túc tự phê bình trước Đại hội và toàn Đảng, toàn dân

Tuy nhiên, đồng chí Trần Quốc Vượng cho biết, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhiệm kỳ Đại hội XII còn có một số hạn chế như việc tổ chức thực hiện vẫn còn là khâu yếu. Lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý Nhà nước về kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường còn một số hạn chế, bất cập. Việc triển khai các công trình trọng điểm quốc gia, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm. Có lúc, có nơi việc xây dựng tổ chức thực hiện đường lối, chính sách, pháp luật và thực thi công vụ vẫn còn là khâu yếu; kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm…

Theo Thường trực Ban Bí thư, những thiếu sót, khuyết điểm nêu trên có nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng nguyên nhân quan trọng là do hoạt động, phương thức lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư trên một số lĩnh vực còn hạn chế; chưa tập trung quyết liệt trong lãnh đạo tổ chức thực hiện nghị quyết; trách nhiệm cá nhân người đứng đầu trong một số lĩnh vực, địa phương chưa rõ...

"Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư xin nghiêm túc tự phê bình trước Đại hội và toàn Đảng, toàn dân về những khuyết điểm, thiếu sót nêu trên", đồng chí Trần Quốc Vượng nêu rõ.

Từ những khuyết điểm đó, 5 bài học kinh nghiệm được rút ra. Trong đó lưu ý Trung ương lãnh đạo toàn diện nhưng cần có trọng tâm, trọng điểm. Trong chỉ đạo phải có quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, năng động, sáng tạo, nhạy bén, tích cực, luôn theo dõi, bám sát diễn biến tình hình của đất nước và thế giới. 

Bên cạnh đó, phát huy dân chủ, thường xuyên nêu cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương... 

Đồng thời phát huy dân chủ trong Đảng, trong xâ hội; bảo đảm sự đoàn kết, thống nhất cao trong Đảng và đồng thuận cao trong xã hội. Tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân; thực sự cầu thị, lắng nghe ý kiến nhân dân, tăng cường phát huy khối đại đoàn kết, sức mạnh toàn dân tộc…/.

Đọc thêm