Kêu oan sau khi chấp hành xong bản án 20 năm về tội giết người

(PLO) -Gần 20 năm sau ngày bị đẩy vào vòng lao lý, anh Nguyễn Văn Hùng (SN 1967, ngụ xã Thống Nhất, TP.Hòa Bình) vẫn tiếp tục hành trình kêu oan dù đã chấp hành xong bản án 18 năm tù về tội “Giết người” từ cách đây bốn năm.  


Anh Nguyễn Văn Hùng trình bày nỗi oan.
Anh Nguyễn Văn Hùng trình bày nỗi oan.
Cùng lúc có mặt ở hai nơi khác nhau? 
Vụ án xảy ra từ năm 1995. Khoảng 15h ngày 24/2, Nguyễn Văn Hùng và một người cùng xã đi chở phân thuê ở địa bàn cách 3,5km. Đến 19h40 cùng ngày, hai người đang cố chở nốt mấy chuyến cuối rồi nghỉ thì nghe một tiếng nổ lớn ở phía xã mình nhưng chưa rõ nguyên nhân. Khoảng một tiếng sau, cả hai trên 
đường về nhà đã gặp chị Triệu Thị Hoà (cùng thôn), hỏi thăm về vụ nổ mới biết: Thời điểm đó, tại đám giỗ ở một nhà trong xóm Dậm (xã Thống Nhất) đã xảy ra vụ nổ lựu đạn làm bị thương 4 cán bộ xã Thống Nhất. Trong đó một người là anh trai chị Hòa. 
Thủ phạm sau đó được xác định là Nguyễn Văn Tân. Tân khai còn có hai đồng phạm cùng xã, bao gồm cả Nguyễn Văn Hùng. Theo Tân khai với cơ quan điều tra, do có thù tức trước đó về chuyện bị cán bộ xã bắt xe gỗ, phạt tiền nên Tân đã rủ Hùng cùng tham gia đặt lựu đạn trả thù cán bộ xã và được Hùng đồng ý. 
Khoảng 15h chiều ngày 24/2/1995, Tân và Hùng đã theo dõi và biết các cán bộ xã đi ăn giỗ tại nhà trong xóm nên đã đặt lựu đạn hẹn nổ. Tỷ lệ thương tổn của các nạn nhân nặng nhất là 35% sức khỏe, nhẹ nhất là 15%.
Từ lời khai của Tân, ngày 1/3/1995, anh Hùng bị công an mời lên xã làm việc và lập tức bị áp giải lên công an TX.Hoà Bình. Hùng trình bày chứng cứ ngoại phạm là thời điểm xảy ra vụ nổ, Hùng và một người nữa đang đi chở phân thuê (từ 15h đến 21h), cách hiện trường 3,5 km, không thể “phân thân” bằng cách vừa làm thuê vừa cùng Tân thực hiện hành vi phạm tội. Tối đó trên đường đi làm về Hùng còn gặp và nói chuyện với chị Hòa là em của một trong số 4 nạn nhân. Việc này có hai người làm chứng. Do có chứng cứ ngoại phạm nên đến 22h ngày 2/3/1995, Hùng được công an tha về. 
Đến khoảng 16h30 ngày 8/3/1995, Hùng đang ở quán chợ thì thấy một cán bộ xã Thống Nhất cùng công an đến gọi ra xã làm việc. Đến nơi, anh  bất ngờ khi được nghe đọc lệnh bắt khẩn cấp vì có hành vi đồng phạm với Nguyễn Văn Tân trong vụ Giết người, Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng. Dù anh Hùng kêu oan, nhưng công an không cho trình bày, yêu cầu ký vào lệnh bắt khẩn cấp và bảo: “Khi nào ra cơ quan pháp luật thì trình bày”. Sau đó, anh Hùng bị khoá tay và đưa thẳng vào Trại tạm giam Công an tỉnh Hoà Bình. 
Khi được công an yêu cầu trình bày toàn bộ diễn biến hành vi phạm tội ngày 24/02/1995, Hùng khẳng định không liên quan gì đến vụ án và đưa ra chứng cứ ngoại phạm như trên, nhưng không được xét. Theo Hùng, sau đó, anh đã bị đánh đập, bức cung, nhục hình bất kể ngày đêm đến mức hoang mang, khiếp sợ. 
Ngày 16/3/1995, điều tra viên đọc cho Hùng nghe lời khai của Tân về việc có Hùng cùng tham gia vụ án và khuyên Hùng nên thành khẩn nhận tội để được nhận sự khoan hồng. Hùng yêu cầu được đối chất với hai người kia nhưng không được chấp nhận. Do bị ép cung, dùng nhục hình nên cuối cùng Hùng buộc phải ký vào biên bản nhận tội đã được viết sẵn.
Hùng ký nhận tội xong, vụ án gấp rút được hoàn tất điều tra, truy tố và chuyển TAND tỉnh Hòa Bình xét xử chỉ vỏn vẹn 3 tháng 1 ngày. Ngày 25/5/1995, TAND tỉnh Hoà Bình xét xử sơ thẩm đã tuyên phạt Nguyễn Văn Hùng tổng cộng 18 năm tù về tội “Giết người” và “Tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng”.
Phớt lờ chứng cứ ngoại phạm 
Quá tuyệt vọng, Hùng không kháng cáo án sơ thẩm vì nghĩ có kêu oan cũng không được xem xét. Án có hiệu lực, Hùng được chuyển đi thụ án tại Trại giam Nam Hà. Suốt từ khi bị bắt đến khi đi cải tạo, anh chỉ được gặp Tân duy nhất một lần tại phiên tòa sơ thẩm, cùng đứng trước vành móng ngựa nhưng cả hai cũng không được nói với nhau chuyện gì. 
Theo Hùng trình bày, vào ngày 6/7/1995 và 25/7/1995, khi đang thụ án tại Trại giam Nam Hà, Hùng bỗng nhận được lá thư do Tân gửi với nội dung thú nhận việc Tân đã vu oan cho Hùng nhằm trả thù một mâu thuẫn vụn vặt giữa hai người trước đó. Hùng đã trình bày ngay sự việc với Giám thị trại giam và tiếp tục gửi rất nhiều đơn kêu oan tới các cơ quan tố tụng tỉnh Hòa Bình. Tuy nhiên, đơn kêu oan và chứng cứ vô tội mới của Hùng đưa ra đều không được cơ quan pháp luật xem xét, hồi âm. 
Anh Hùng kể lại: “Cán bộ Trại giam khuyên tôi nếu muốn được giảm án thì ngoan ngoãn chấp hành án, không được kêu oan nữa, đợi mãn hạn tù rồi đi kêu oan luôn thể. Tôi đành phải làm theo cách này. Sau 16 năm chấp hành bản án tù oan, đến ngày 08/10/2010, tôi được giảm án tha tù trước thời hạn và trở về địa phương, lại tiếp tục hành trình kêu cứu”.
 Việc đầu tiên của Hùng sau khi ra tù là đến gặp Nguyễn Văn Tân lúc này cũng đã ra tù. Tân thừa nhận đã trót vu oan cho Hùng để Hùng bị tù oan, đến khi Tân biết ân hận nói lại thì đã muộn. Tân còn chủ động xin lỗi Hùng trước những người làm chứng và nói xin tự nguyện bồi thường cho Hùng suốt quãng đời 16 năm oan ức. 
Bốn năm kể từ ngày ra tù, anh Hùng đã gửi đơn đi nhiều nơi nhưng chỉ nhận được phiếu báo của các cơ quan tố tụng Trung ương như TANDTC, VKSNDTC và các cơ quan tỉnh Hòa Bình thông báo đã tiếp nhận đơn kêu oan của công dân, đang trong quá trình xem xét./.

Đọc thêm