Khả năng tăng trưởng tín dụng cả năm đạt mục tiêu 12%

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tính đến ngày 15/6/2021, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 5,1% so với cuối năm 2020, trong khi cùng kỳ cùng kỳ năm 2020 chỉ tăng 2,26%. Theo Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú, khả năng tăng trưởng tín dụng năm nay đạt mục tiêu 12%, nếu khống chế được dịch bệnh, khả năng mở rộng tín dụng năm nay có thể trên 12%.
Khả năng tăng trưởng tín dụng cả năm đạt mục tiêu 12%

Thông tin tại cuộc họp báo về kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2021 sáng nay - 21/6, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2021, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần phục hồi tăng trưởng kinh tế, duy trì ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối.

Cụ thể, NHNN đã điều hành linh hoạt các công cụ CSTT, duy trì thanh khoản hệ thống; đồng bộ các giải pháp tiền tệ, tín dụng, thanh khoản góp phần ổn định thị trường và phục hồi tăng trưởng trước các tác động khó lường của dịch COVID-19.

Với sự triển khai tích cực của các TCTD, đến ngày 31/5/2021, các TCTD đã thực hiện: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 257.602 khách hàng với dư nợ 336.663 tỷ đồng; Miễn, giảm, hạ lãi suất cho 676.690 khách hàng với dư nợ 1.277.831 tỷ đồng; Cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/01/2020 đến nay đạt 3.508.415 tỷ đồng cho 480.839 khách hàng. Ngoài ra, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) (đến 31/5/2021) đã thực hiện gia hạn nợ cho 174.871 khách hàng với dư nợ 4.363 tỷ đồng, cho vay mới đối với 3.052.262 khách hàng với số tiền 111.256 tỷ đồng

Đến ngày 15/6/2021, tổng phương tiện thanh toán M2 tăng 3,96% so với cuối năm 2020 và tăng 14,27% so với cùng kỳ năm 2020. Thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) thông suốt. NHNN tiếp tục điều hành nghiệp vụ thị trường mở chủ động, linh hoạt. Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tháng 4/2021 giảm khoảng 0,3%/năm so với tháng 12/2020. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND thuộc một số ngành, lĩnh vực ưu tiên ở mức 4,5%/năm. Lãi suất cho vay USD bình quân ở mức 3,0-6,0%/năm.Thị trường ngoại tệ ổn định, thanh khoản thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời.

Đặc biệt, trong điều hành tín dụng, NHNN tiếp tục chỉ đạo các TCTD tăng trưởng tín dụng có hiệu quả, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận tín dụng ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi trong vay vốn tín dụng ngân hàng cho DN và người dân.

"Với các giải pháp điều hành đồng bộ, đến ngày 15/6/2021, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 5,1% so với cuối năm 2020, trong khi cùng kỳ năm 2020 chỉ tăng 2,26%. Với tốc độ này, khả năng tăng trưởng tín dụng năm nay đạt mục tiêu đề ra là 12%”- Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định;

Chia sẻ về tốc độ tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm, ông Nguyễn Tuấn Anh - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN - cho biết, với các giải pháp tổng thể của Chính phủ, cùng với giải pháp của ngành ngân hàng đã tạo đà phục hồi tăng trưởng tín dụng, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. “Dự kiến đến cuối tháng 6 tăng trưởng tín dụng có thể đạt khoảng từ 5,5 - 6%...” - ông Tuấn Anh khẳng định.

Cũng theo Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, cơ cấu tín dụng tiếp tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên. Cụ thể, có 3/5 lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng tích cực (gồm xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ và DN ứng dụng công nghệ cao) - các lĩnh vực này có mức tăng trưởng cao hơn mức tăng tín dụng của toàn nền kinh tế. NHNN dự kiến đến cuối tháng 6, tín dụng nông nghiệp, nông thôn ước tăng 4,8%; tín dụng DNNVV tăng 3,9%; tín dụng xuất khẩu tăng 9%; tín dụng công nghiệp hỗ trợ tăng 6,94% và lĩnh vực DN ứng dụng công nghệ cao tăng 14,5%.

Chia sẻ về ý kiến bỏ room tín dụng, Phó Thống đốcc Đào Minh Tú cho biết, NHNN đã trao đổi với nhiều chuyên gia, việc này tùy mục tiêu điều hành của mỗi quốc gia. “Mục tiêu của điều hành CSTT của chúng ta là lấy mục tiêu ổn định nền kinh tế, ổn định vĩ mô là tối quan trọng. Để đạt đươc mục tiêu đó, phải có công cụ điều hành, trong đó có công cụ hạn mức tín dụng. Đó là công cụ có tính hành chính bảo đảm tính thị trường, công cụ hạn mức có vai trò sứ mệnh quan trọng sau khi nghiên cứu hội thảo các nhà khoa học chuyên gia, việc quy định hạn mức hiện nay là hết sức cần thiết…” - Phó Thống đốc phân tích.

Lãnh đạo NHNN cũng cho rằng, nếu khả năng kiểm soát được dịch bệnh, tăng trưởng tín dụng còn có khả năng vượt mục tiêu đề ra. "Lúc đó NHNN sẽ mở room tín dụng, điều hành linh hoạt là ở chỗ đó!” - Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Tăng trưởng tín dụng đối với các lĩnh vực rủi ro vẫn trong tầm kiểm soát

Chia sẻ về tín dụng chảy vào các lĩnh vực rủi ro như: Chứng khoán, bất động sản (BĐS), trái phiếu doanh nghiệp, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, nhìn vào xu thế tăng trưởng BĐS trong 3 năm đang có xu hướng giảm dần. Tính đến 30/4 tín dụng BĐS tăng 4,83%, dự kiến hết tháng 6 tăng 5,5%. Về chứng khoán, đến hết tháng 6 dự kiến tỷ trọng cho vay chứng khoán nằm trong khoảng 0,48% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, chiếm khoảng 46.700 tỷ đồng. Mức tăng trưởng này không thay đổi nhiều so với tháng 4, 5. Về trái phiếu DN đến hết tháng 4 có khoảng 257,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 2,6% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Dự báo đến hết tháng 6 tăng khoảng 2.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên đây là lĩnh vực rủi ro, đại diện NHNN cho biết, NHNN đã chỉ đạo các TCTD kiểm soát chặt chẽ những lĩnh vực này.

Đọc thêm