Khắc phục bất cập, nâng cao chất lượng công tác đào tạo lái xe

(PLVN) - Trước tình trạng còn xảy ra sai phạm, bất cập trong đào tạo, sát hạch giấy phép lái xe, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã triển khai các biện pháp khắc phục, nâng cao chất lượng, phòng ngừa tiêu cực đối với công tác này.
Từ đầu năm đến nay, một số trung tâm đã chủ động xin tạm dừng tuyển sinh để cơ cấu lại tổ chức, đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng điều kiện quy định. Ảnh minh hoạ, nguồn internet

Còn những bất cập, tồn tại ở một số đơn vị trên toàn quốc

Đầu năm 2023, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) thành lập 3 Đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra toàn bộ các Sở GTVT trên toàn quốc trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe nhằm phát hiện bất cập trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (nếu có). Qua đó sửa đổi, bổ sung hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền biện pháp khắc phục, hoàn thiện thể chế để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng và phòng ngừa tiêu cực trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; đánh giá việc chấp hành quy định của pháp luật của các chủ thể trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; phòng ngừa, phát hiện, chấn chỉnh và xử lý tồn tại, vi phạm (nếu có); hướng dẫn các đơn vị được thanh tra, kiểm tra thực hiện đúng quy định của pháp luật.

Về kết quả kiểm tra của Bộ GTVT, trả lời báo chí hồi đầu tháng 4/2023, ông Lâm Văn Hoàng, Chánh Thanh tra Bộ GTVT cho biết: "Thanh tra đang rà soát các trung tâm đào tạo, sát hạch giấy phép lái xe và nghi vấn một số trung tâm có dấu hiệu bất thường, sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan công an".

Ông Lâm Văn Hoàng cũng nói rằng, thông tin nhiều trung tâm đào tạo, sát hạch giấy phép lái xe đóng cửa giống như đăng kiểm thời gian qua là không đúng, “việc này chỉ xảy ra tại một vài đơn vị”. Chánh Thanh tra Bộ GTVT cũng thông tin đã phát hiện một số tồn tại trong quản lý công tác đào tạo: Nhiều Sở GTVT địa phương để cơ sở đào tạo gửi báo cáo tiếp nhận danh sách học viên một số khoá học qua phần mềm chậm hơn quy định; một số Sở GTVT còn hạn chế trong khai thác dữ liệu trên phần mềm hệ thống DAT (thiết bị giám sát thời gian và quãng đường thực hành)...

“Một số Sở GTVT chưa quyết liệt, sâu sát trong quản lý; chưa kiểm tra, giám sát công tác đào tạo hoặc có kiểm tra, giám sát nhưng còn mang tính hình thức, không đúng thực tế, dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ gian lận, tiêu cực của cơ sở đào tạo”, ông Lâm Văn Hoàng thông tin trên báo chí.

Nâng cao chất lượng công tác, phòng ngừa tiêu cực

Trao đổi với phóng viên báo Pháp luật Việt Nam về tình hình thực tiễn áp dụng các quy định của pháp luật trong đào tạo và sát hạch lái xe, trong đó có một số quy định bất cập, chưa phù hợp của Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT của Bộ GTVT và các Thông tư sửa đổi, bổ sung, một lãnh đạo Phòng Quản lý phương tiện và Người lái, Sở GTVT Hà Nội, cho biết: Trên địa bàn hiện có 34 trung tâm đào tạo lái xe, trong đó có 26 trung tâm đào tạo cả lái xe mô tô, với nhiều thành phần kinh tế khác nhau.

Theo vị này, thời gian qua, Bộ GTVT đã có nhiều cố gắng trong công tác xây dựng chiến lược, quy hoạch mạng lưới cơ sở đào tạo và trung tâm sát hạch lái xe, thường xuyên rà soát, cập nhật, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, đáp ứng nhu cầu của xã hội và không ngừng nâng cao năng lực điều khiển phương tiện cho người tham gia giao thông.

Quá trình triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, Sở GTVT Hà Nội luôn bám sát các quy định, chỉ đạo hướng dẫn, kiểm tra giám sát các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe tuân thủ thực hiện nghiêm túc các quy định của nhà nước.

Thời điểm hiện tại, về cơ bản các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe của Hà Nội đều có sự thống nhất thực hiện các quy định góp phần nâng cao hơn nữa về chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp, đổi giấy phép lái xe nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội và người dân trong thời gian tới; đồng thời thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của trung ương về tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Sở GTVT Hà Nội đồng thời cho biết, thời gian qua Sở đã tiếp nhận một số ý kiến của các cơ sở đào tạo kiến nghị cần phải sửa đổi, bổ sung một số quy định về đầu tư cơ sở vật chất, nội dung chương trình đào tạo, quy định về các môn học, thời gian học, nội dung học các môn học lý thuyết cho phù hợp với thực tiễn; đánh giá lại sự cần thiết, tính hiệu quả của cabin tập lái xe ô tô.

Các ý kiến cũng kiến nghị sửa đổi quy định về sử dụng sổ sách, biểu mẫu phục vụ đào tạo và quản lý đào tạo; bố trí phương tiện dạy lái, giáo viên dạy lái của cơ sở đào tạo phù hợp với thực tiễn, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Sửa đổi quy định về thời gian học thực hành lái xe trong hình và thời gian học thực hành lái xe trên đường giao thông công cộng và thời gian chi tiết các bài học (đường đèo núi, ban đêm…) cho phù hợp với thực tế. Cũng như bổ sung quy định cơ sở đào tạo được chủ động, linh hoạt trong việc tổ chức đào tạo học lý thuyết trực tiếp hoặc trực tuyến.

Về tình hình hoạt động tuyển sinh, đào tạo tại các trung tâm đào tạo lái xe hiện nay, được biết từ đầu năm đến nay có một số trung tâm đã chủ động xin tạm dừng tuyển sinh để cơ cấu lại tổ chức, đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng điều kiện quy định, nhiều trung tâm hoạt động tuyển sinh, đào tạo còn “cầm chừng” để chờ Bộ GTVT ban hành Thông mới sửa đổi, bổ sung một số điều của thông tư số 12/TT/BGTVT quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe.

Đọc thêm