Khắc phục hạn chế, bất cập trong thực hiện quy hoạch đô thị và nông thôn

(PLVN) - Tại Hội nghị phản biện xã hội Dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức ngày 4/4, các ý kiến tại Hội nghị đề xuất dự thảo Luật cần bảo đảm được tính thống nhất, đồng bộ và khả thi; khắc phục hạn chế, bất cập, vướng mắc hiện hành.
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Quang Vinh
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Quang Vinh

Nhiều quy định mới

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (UBTƯ MTTQ) Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh cho biết, các quy định liên quan đến quy hoạch đô thị và nông thôn hiện được quy định nhiều trong các văn bản quy phạm pháp luật và tản mạn gây khó khăn trong quá trình hoàn thiện các quy định pháp luật về quy hoạch đô thị và nông thôn.

Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn (dự thảo Luật) ra đời trên cơ sở hợp nhất các quy định hiện hành tại các văn bản pháp luật để phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo sự hợp Hiến, sự thống nhất đồng bộ của pháp luật về quy hoạch đô thị và nông thôn với Luật Quy hoạch năm 2017 và các quy định pháp luật khác có liên quan. Đây cũng là yêu cầu đặt ra để kịp thời thể chế hóa định hướng lãnh đạo của Đảng đối với công tác quy hoạch đô thị và nông thôn, phát huy được tiềm năng, cơ hội, lợi thế cạnh tranh từng vùng…

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Hương Giang

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Hương Giang

Dự thảo Luật đồng thời bổ sung quy định chặt chẽ về điều kiện, yêu cầu đối với việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch; bổ sung quy định rõ về nguồn lực đảm bảo thực hiện quy hoạch; bổ sung quy định làm rõ trách nhiệm của tổ chức tư vấn lập quy hoạch, sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, cộng đồng, MTTQ…

Nêu ý kiến tại Hội nghị, nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực nhận định, về quy hoạch đô thị, dự thảo Luật lần này có phạm vi rộng hơn, thêm nông thôn là cần thiết. Hiện chúng ta có Luật quy hoạch đô thị năm 2009, Luật quy hoạch đô thị năm 2020 (bổ sung hợp nhất), Luật Quy hoạch năm 2017, Luật Đất đai 2024, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu... và rất nhiều văn bản liên quan đến quy hoạch đô thị và nông thôn. Vì vậy dự thảo Luật cần phải bảo đảm được tính thống nhất và đồng bộ, khả thi, khắc phục hạn chế, bất cập, vướng mắc hiện hành.

Liên quan đến việc tổ chức lấy ý kiến quy hoạch đô thị và nông thôn, ông Ngô Sách Thực cho rằng, các điều luật cần quy định mang tính thiết thực, tránh thủ tục, hình thức. Việc lấy ý kiến khu dân cư bằng hình thức hội nghị hay lấy bằng phiếu là do khu dân cư lựa chọn quyết định theo quy định của pháp luật thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Đồng quan điểm, TS Đặng Việt Dũng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng cần có các quy định về tổ chức lấy ý kiến theo từng cấp quy hoạch phù hợp với tính chất, tầm quan trọng và mức độ ảnh hưởng của cấp quy hoạch.

Bên cạnh đó, cần có quy định về số lượng chuyên gia, tiêu chuẩn chuyên gia và quy định về trách nhiệm, quyền lợi của chuyên gia trong việc tham gia ý kiến theo từng cấp quy hoạch. Trong trường hợp này phù hợp nhất là thông qua các tổ chức xã hội nghề nghiệp nhằm tập hợp đông đảo hơn sự tham gia của đội ngũ trí thức, thu hút được nhiều hơn các ý kiến phản biện và tránh được hiện tượng “thân quen”, thiếu khách quan trong việc mời chuyên gia tham gia ý kiến.

Tăng cường vai trò của MTTQ trong Hội đồng thẩm định về quy hoạch

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển Đô thị Việt Nam cho rằng, dự thảo Luật đã xác định thành phần Hội đồng thẩm định là đại diện cơ quan quản lý nông nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và chuyên gia có năng lực. Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nêu: “Để nâng cao chất lượng quy hoạch cần tăng cường vai trò MTTQ Việt Nam, các tổ chức xã hội, nghề nghiệp”. Do vậy, dự thảo Luật nên bổ sung rõ trong thành phần Hội đồng thẩm định có sự tham gia của MTTQ Việt Nam.

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển Đô thị Việt Nam phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Quang Vinh

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển Đô thị Việt Nam phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Quang Vinh

Nêu thực tế việc thực hiện quy hoạch thường xảy ra những bất cập trong thi hành hoặc xảy ra tranh chấp có nguyên nhân do luật không quy định về vai trò của Nhân dân và MTTQ Việt Nam trong tham gia xây dựng quy hoạch ở đô thị và nông thôn, ông Đỗ Duy Thường, nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật đề xuất, dự thảo Luật cần quy định cụ thể MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức thành viên của MTTQ các cấp, Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư có trách nhiệm tham gia xây dựng, góp ý kiến và giám sát hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn.

“Khi có dự án quy hoạch ở địa phương, cơ sở, MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên cần tuyên truyền vận động các tầng lớp Nhân dân, các dân tộc, tôn giáo tham gia xây dựng, góp ý kiến và giám sát hoạt động quy hoạch”, ông Thường nêu ý kiến và đề xuất Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp ở địa phương cử đại diện lãnh đạo tham gia Hội đồng thẩm định của cấp mình. Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư tham gia, góp ý quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết, đồ án quy hoạch liên quan đến quyền và lợi ích của nhân dân ở thôn, làng, ấp bản, khu dân cư.

Theo ông Đỗ Duy Thường, Ủy ban MTTQ các cấp, Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư cần giám sát hoạt động quy hoạch đô thị, nông thôn, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi, đền bù đất đai, nhà ở và tài sản của công dân trong quy hoạch đô thị và hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn.

Với việc bổ sung vai trò và nhiệm vụ cụ thể của MTTQ các cấp trong dự thảo Luật sẽ góp phần thực hiện quyền công dân và phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” theo quy định của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu tham dự Hội nghị, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh khẳng định, đây là những ý kiến trí tuệ, tâm huyết, chất lượng, mang tính phản biện, tập trung vào nhiều nội dung có liên quan đến việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhân dân, đặc biệt là các quy định về bảo đảm phù hợp với văn bản của Đảng, bảo đảm tính hợp Hiến, tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật về xây dựng và quy hoạch của dự thảo Luật.

Bà Trương Thị Ngọc Ánh giao ban chuyên môn tiếp thu và khẩn trương hoàn thiện văn bản phản biện xã hội đối với dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn để gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Bộ Xây dựng xem xét trước khi trình Quốc hội khóa XV xem xét tại Kỳ họp thứ 7, vào tháng 5/2024./.

Đọc thêm