Khắc phục những bất cập trong vận hành xả lũ của hồ chứa

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu rà soát, khắc phục những tồn tại, bất cập trong việc vận hành xả lũ của hồ chứa thủy lợi, thủy điện, nhất là phối hợp giữa các ngành, địa phương, chủ hồ trong vận hành hồ chứa.
Việc xả lũ của hồ chứa còn có những bất cập phải khắc phục. (Ảnh minh họa)
Việc xả lũ của hồ chứa còn có những bất cập phải khắc phục. (Ảnh minh họa)

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 38/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Thông báo nêu rõ: Năm 2021, cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở phải tập trung phòng, chống dịch COVID-19, đồng thời duy trì sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội. Lãnh đạo và thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia, Ủy ban quốc gia, đặc biệt là các Văn phòng thường trực của Ban Chỉ đạo và Ủy ban quốc gia đã làm tốt vai trò, trách nhiệm của mình, chủ động tham mưu, điều phối, phối hợp với các ngành, địa phương triển khai nhiệm vụ kịp thời, hiệu quả, góp phần giảm thiệt hại do thiên tai, sự cố.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cũng còn một số tồn tại, hạn chế cần được tập trung khắc phục, đặc biệt cần rà soát quy trình vận hành liên hồ chứa, phân cấp chỉ đạo vận hành xả lũ của các hồ chứa thủy lợi, thủy điện, không để xả lũ hồ chứa gây lũ chồng lũ, đe dọa đến an toàn tính mạng của người dân.

Trước tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, năm 2022 đòi hỏi sự nỗ lực, tập trung của cả hệ thống chính trị đối với công tác phòng, chống thiên tai, ứng phó sự cố và tìm kiếm cứu nạn để giảm thiểu thiệt hại tính mạng và tài sản của nhân dân. Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cần tiếp tục phát huy kết quả đạt được, khắc phục khó khăn, hạn chế, tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm.

Văn phòng Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cần tổ chức ứng trực tiếp nhận thông tin thiên tai, sự cố, huy động lực lượng, phương tiện, xử lý kịp thời mọi tình huống sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Tham mưu chỉ đạo nâng cao chất lượng huấn luyện, đào tạo lực lượng cứu hộ, cứu nạn đảm bảo nội dung, chương trình, sát với thực tế; kiểm tra thực hiện các kế hoạch ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, công tác huấn luyện, diễn tập.

Cụ thể, rà soát, khắc phục những tồn tại, bất cập trong việc vận hành xả lũ của hồ chứa thủy lợi, thủy điện, nhất là phối hợp giữa các ngành, địa phương, chủ hồ trong vận hành hồ chứa; tập trung nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo, tổ chức theo dõi, giám sát chặt chẽ thiên tai, sự cố, thông tin đầy đủ, kịp thời đến các ngành, các cấp và người dân để phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.

Đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị, cập nhật và nâng cấp hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ công tác chỉ đạo phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; tăng cường kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó với thiên tai, sự cố và tìm kiếm cứu nạn trước mùa mưa bão, bảo đảm phối hợp trong kiểm tra, tránh trùng lặp, chồng chéo; ưu tiên bố trí nguồn lực để phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố, xử lý các trọng điểm đê điều, hồ đập xung yếu.

Tăng cường truyền thông, đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, nhận thức, kỹ năng ứng phó với các tình huống thiên tai, sự cố. Đẩy mạnh công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế về ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Phó Thủ tướng yêu cầu Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, kịp thời tham mưu cho lãnh đạo Ban Chỉ đạo xử lý mọi tình huống thiên tai, không để bị động bất ngờ; chủ động xây dựng kịch bản, phương án ứng phó với các tình huống thiên tai, nhất là thiên tai lớn, diện rộng trong bối cảnh vừa phải đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, vừa phòng, chống thiên tai. Tổ chức kiểm tra, đánh giá việc thực thi nhiệm vụ tại các địa phương thông qua Bộ chỉ số đánh giá công tác phòng, chống thiên tai.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo, cung cấp thông tin về thiên tai phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó; tổng hợp, đề xuất sửa đổi quy trình vận hành liên hồ chứa khu vực miền Trung.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, chỉ đạo xây dựng phương án đảm bảo an toàn công trình đê điều, hồ đập, nhất là khu vực xung yếu; chỉ đạo điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp chủ động phòng, chống thiên tai…

Đọc thêm