Đây là khoá cơ bản trang bị kiến thức nền tảng về các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là EVFTA.
Khoá đào tạo nhằm giúp các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng nâng cao năng lực quản lý và thúc đẩy hội nhập quốc tế.
50 học viên là đại diện các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, các viện, trường, trung tâm trên địa bàn Hà Nội và nhiều tỉnh, thành khác tham gia khoá đào tạo. Giảng viên là các chuyên gia đến từ Vụ Chính sách thương mại đa biên, Cục Phòng vệ thương mại - Bộ Công Thương; Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ); Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội)…
Phát biểu tại khoá đào tạo, ông Nguyễn Thiện Nam - Hiệu trưởng trường Đào tạo bồi dưỡng cán bộ Công Thương Trung ương nhấn mạnh: "Đây là một chương trình đào tạo với mục tiêu xây dựng đội ngũ chuyên gia về các Hiệp định FTA thế hệ mới cho địa phương, doanh nghiệp. Từ đó giúp doanh nghiệp tận dụng tối đa các lợi ích từ việc thực thi các cam kết trong các Hiệp định FTA thế hệ mới trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu và rộng".
Cụ thể, các học viên sẽ được thông tin cập nhật và hiểu rõ hơn về các nội dung cơ bản, trọng tâm của Hiệp định EVFTA và các FTA thế hệ mới, gồm: Phòng vệ thương mại trong EVFTA và các FTA thế hệ mới (Các quy định phòng vệ thương mại trong EVFTA và các FTA thế hệ mới đối với sản phẩm xuất khẩu; Kỹ năng phân tích, đánh giá rủi ro về phòng vệ thương mại đối với sản phẩm xuất khẩu; Cách thức xử lý rủi ro về phòng vệ thương mại; Cách thức giải quyết vấn đề khi sản phẩm xuất khẩu bị áp biện pháp phòng vệ thương mại; Các vấn đề thường gặp và cách thức xử lý);
Các chủ trương, định hướng lớn của Việt Nam về hội nhập kinh tế quốc tế, tình hình đàm phán, ký kết, thực thi các FTA thế hệ mới (Các chủ trương, định hướng lớn của Việt Nam về hội nhập kinh tế quốc tế; Tình hình đàm phán, ký kết, thực thi các Hiệp định Thương mại tự do, đặc biệt là các FTA thế hệ mới, trong đó có tình hình đàm phán và hiệu lực của Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam - Israel và Nghị định thư Vương quốc Anh gia nhập Hiệp định CPTPP; Định hướng và giải pháp giúp các doanh nghiệp tận dụng tối đa cơ hội từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) nói chung và Hiệp định FTA thế hệ mới nói riêng; Thực tiễn tại các địa phương khi thực thi cam kết FTA thế hệ mới và những cách thức phối hợp giúp nâng cao hiệu quả tận dụng các FTA trong thời gian tới);
Xúc tiến thương mại để tận dụng Hiệp định EVFTA và các FTA thế hệ mới (Các quy định, chính sách hiện hành về xúc tiến thương mại; Các vấn đề thực tiễn liên quan đến xúc tiến thương mại và xuất nhập khẩu sang thị trường EVFTA và các FTA thế hệ mới; Cách thức tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước; Hướng dẫn ứng dụng công cụ Macmap để tiếp cận dự liệu thị trường và thuế MFN của các quốc gia và vùng lãnh thổ; Kỹ năng xử lý các tình huống trong hoạt động xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế);
Các cam kết, quy định về sở hữu trí tuệ trong Hiệp định EVFTA và FTA thế hệ mới (Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam theo Hiệp định EVFTA và các FTA thế hệ mới và một số điều doanh nghiệp cần lưu ý; Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại một số thị trường nước ngoài mà Việt Nam đã ký FTA; Tình hình thực thi các cam kết sở hữu trí tuệ của Việt Nam trong EVFTA và các FTA thế hệ mới mà Việt Nam là thành viên; Các vấn đề thường gặp và cách thức xử lý đối với các vấn đề phát sinh liên quan tới sở hữu trí tuệ tại Việt Nam);
Vấn đề lao động trong Hiệp định EVFTA và các FTA thế hệ mới (Các cam kết về lao động trong EVFTA và các FTA thế hệ mới mà Việt Nam là thành viên; Tình hình thực thi các cam kết lao động của Việt Nam trong EVFTA và các FTA thế hệ mới mà Việt Nam là thành viên; Các quy định mới về lao động của các đối tác FTA thế hệ mới; Hướng dẫn cách thức xây dựng chiến lược đáp ứng các quy định về lao động tại các thị trường FTA thế hệ mới; Các vấn đề thường gặp và cách thức xử lý).
Khóa đào tạo diễn ra đến 20/09/2024 tại Khách sạn Khăn Quàng Đỏ, Hà Nội. Học viên sẽ trải qua kỳ kiểm tra cuối khóa và nhận chứng nhận vào sáng 21/9/2024.