Khai mạc Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025

(PLVN) - Sáng 28/9, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ 16, nhiệm kỳ 2020-2025 đã khai mạc tại thành phố Pleiku. Đây là sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai.
Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng phát biểu chỉ đạo Đại hội - Ảnh: VGP/Thế Phong
Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng phát biểu chỉ đạo Đại hội - Ảnh: VGP/Thế Phong

Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư dự và trực tiếp chỉ đạo Đại hội. Tham dự Đại hội có các đồng chí đại diện lãnh đạo các cơ quan Trung ương, lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ và 350 đại biểu ưu tú, đại diện cho hơn 61.000 đảng viên của Đảng bộ tỉnh.

 Đạt và vượt 14/18 chỉ tiêu chủ yếu

Phát biểu khai mạc Đại hội, đồng chí Hồ Văn Niên, Uỷ viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai, đánh giá chặng đường nhiệm kỳ qua, Gia Lai tự hào với những kết quả toàn diện đã đạt được, đó là biểu hiện sinh động, rõ nét nhất của sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt và đặc biệt là sự đoàn kết nhất trí cao, sự đồng thuận trên dưới một lòng trong toàn Đảng bộ, sự ủng hộ mạnh mẽ, sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân vì sự phát triển chung của tỉnh.

"Bước vào nhiệm kỳ mới, để đạt được mục tiêu như chủ đề Đại hội xác định là: “Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc; giữ vững quốc phòng, an ninh; năng động, sáng tạo; khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, các nguồn lực để xây dựng Gia Lai phát triển nhanh, bền vững, giàu bản sắc, phấn đấu đến năm 2030 trở thành vùng động lực khu vực Tây Nguyên”, đòi hỏi chúng ta phải không ngừng nỗ lực, nhận thức sâu sắc hơn nữa và phải thể hiện bằng những kết quả cụ thể, trách nhiệm đó đặt trên vai của Đảng bộ và các tầng lớp nhân dân trong toàn tỉnh, mà trước hết là những đại biểu chính thức tham dự Đại hội hôm nay" - đồng chí Hồ Văn Niên nhấn mạnh.

Trình bày Báo cáo Chính trị tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ 16, đồng chí Võ Ngọc Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, với sự quyết tâm phấn đấu của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực cố gắng của các cấp, các ngành, của nhân dân toàn tỉnh, việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2015-2020 đã đạt được những thành tựu quan trọng, hoàn thành đạt và vượt 14/18 chỉ tiêu chủ yếu Nghị quyết đề ra.

Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư dự và trực tiếp chỉ đạo Đại hội - Ảnh: Báo Gia Lai
 Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư dự và trực tiếp chỉ đạo Đại hội - Ảnh: Báo Gia Lai

Tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh đạt được kết quả khả quan trên các lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. An ninh chính trị được giữ vững; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; công tác xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Mục tiêu tổng quát của tỉnh Gia Lai trong nhiệm kỳ 2020-2025 là: Tiếp tục phát triển kinh tế-xã hội nhanh, hiệu quả và bền vững; nâng cao chất lượng tăng trưởng, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh. Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh dựa trên cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và kinh tế thị trường.

Phát triển nhanh các lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến nông, lâm sản, công nghiệp năng lượng tái tạo và du lịch; phát triển khu vực kinh tế tư nhân; xây dựng năng lực đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo. Sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính, các nguồn vốn đầu tư để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; thực hiện tốt chủ trương, chính sách liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số.

Giữ vững quốc phòng, an ninh. Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc; năng động, sáng tạo. Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, các nguồn lực để xây dựng Gia Lai phát triển nhanh, bền vững, giàu bản sắc, phấn đấu đến năm 2030 trở thành vùng động lực khu vực Tây Nguyên.

Báo cáo chính trị cũng đã xây dựng 17 chỉ tiêu, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ mới, trong đó phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) tăng bình quân hằng năm 8,6% trở lên. Để thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ mới, đáp ứng yêu cầu phát triển, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đưa ra 7 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện 4 chương trình trọng tâm sau:

Tập trung xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng các vùng động lực; đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng tái tạo và du lịch; phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, tăng cường sinh kế, nâng cao tỉ lệ độ che phủ rừng thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đại hội kêu gọi toàn Đảng bộ, quân và dân các dân tộc trong tỉnh tiếp tục phát huy những thành tựu đạt được, nỗ lực khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra.

Phấn đấu đến năm 2030 trở thành vùng động lực của khu vực Tây Nguyên

Phát biểu chỉ đạo Đại hội, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nhấn mạnh những thành tựu đạt được của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai trong nhiệm kỳ qua là hết sức tự hào; thể hiện tinh thần nỗ lực vươn lên, vượt qua khó khăn, thách thức, làm đổi thay tỉnh nhà tốt đẹp hơn; tạo tiền đề, niềm tin để Gia Lai quyết tâm phấn đấu đạt thành tựu cao hơn trong thời gian tới.

Bên cạnh những thành tựu, kết quả đạt được, Thường trực Ban Bí thư cho rằng Đại hội cũng cần thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, yếu kém, từ đó tập trung thảo luận, đánh giá sâu hơn, phân tích kỹ nguyên nhân để tìm giải pháp khắc phục tốt nhất.

Thường trực Ban Bí thư cho rằng Gia Lai cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, nếp nghĩ, cách làm; có ý chí, quyết tâm vươn lên mạnh mẽ, phát huy tốt nhất, hiệu quả nhất các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh và sức sáng tạo của nhân dân các dân tộc trên cơ sở đầu tư phát triển theo chiều sâu, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Phấn đấu phát triển nhanh, toàn diện, bền vững, giàu bản sắc; người dân có thu nhập và mức sống ngang bằng với bình quân chung cả nước; đến năm 2030 trở thành vùng động lực của khu vực Tây Nguyên.

Tỉnh cần tiếp tục xác định nông nghiệp là thế mạnh, phát triển nông nghiệp là nền tảng quan trọng nhất để phát triển tỉnh nhà. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, bảo vệ thật tốt môi trường sinh thái. Quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên rừng, tài nguyên nước và đất đai, nhất là đất đai có nguồn gốc nông, lâm trường. Tăng cường bảo vệ, phát triển rừng, phấn đấu nâng độ che phủ rừng lên trên 50%.

Cần xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, trước mắt là giữ rừng, bảo đảm tái sinh rừng, phục hồi nhanh hệ sinh thái rừng bền vững, trong đó có hệ sinh thái đặc trưng Kon Hà Nừng. Việc bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ rừng không chỉ là bảo vệ cuộc sống của đồng bào trong tỉnh mà còn góp phần quan trọng bảo vệ an ninh nguồn nước, sự phát triển bền vững của các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên.

Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối vùng và nội tỉnh; hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng khu, cụm công nghiệp. Tập trung phát triển năng lượng tái tạo và công nghiệp chế biến nông, lâm sản.

Khuyến khích đầu tư và mở rộng liên kết phát triển du lịch để sớm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Chú trọng thu hút các nhà đầu tư chiến lược đến với Gia Lai đầu tư những dự án lớn, thực sự là động lực cho sự phát triển của tỉnh. Thúc đẩy giao thương quốc tế với các nước láng giềng: Campuchia, Lào và các nước tiểu vùng sông Mekong; phát huy vai trò cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh.

Để phát triển tỉnh nhà nhanh và bền vững, cần chú ý nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý quy hoạch; khai thác, sử dụng hợp lý, tạo nguồn lực cho đầu tư phát triển và tạo quỹ đất phục vụ xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, nông thôn. Chủ động thúc đẩy liên kết với các địa phương trong và ngoài vùng Tây Nguyên; khai thác có hiệu quả đường Hồ Chí Minh, đường Trường Sơn Đông và các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ huyết mạch để phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại trong nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, du lịch, quản lý xã hội và xây dựng đô thị thông minh.

Đồng chí Trần Quốc Vượng mong muốn trong quá trình phát triển đi lên, Gia Lai cần thấm nhuần sâu sắc, thực hiện tốt hơn nữa lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Phải thường xuyên chú trọng củng cố, tăng cường đại đoàn kết các dân tộc anh em. Sự ổn định, phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số cùng với việc bảo tồn, phát huy và phát triển văn hóa các dân tộc Tây Nguyên là những nhân tố cực kỳ quan trọng bảo đảm sự ổn định và phát triển của tỉnh nhà và cũng là cơ sở để xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc.

Chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, phát triển giáo dục và đào tạo, y tế; không ngừng cải thiện đời sống nhân dân, trước hết là đồng bào các dân tộc thiểu số.Tập trung thực hiện thật tốt các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ 16, nhiệm kỳ 2020-2025. Ảnh: VGP/Thế Phong
  Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ 16, nhiệm kỳ 2020-2025. Ảnh: VGP/Thế Phong

Thường trực Ban Bí thư lưu ý Gia Lai là địa bàn chiến lược, cần chú trọng tăng cường bảo đảm quốc phòng, an ninh. Cấp ủy, tổ chức đảng và hệ thống chính trị các cấp phải sát cơ sở, sát dân, chủ động nắm chắc tình hình, phát hiện, ngăn chặn kịp thời, đấu tranh làm thất bại âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch. Đẩy mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc.

Cần đặc biệt quan tâm công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; bảo đảm sự đoàn kết, thống nhất trong các cấp ủy, tổ chức đảng từ tỉnh đến cơ sở, trước hết là Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy.

Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, chủ động, quyết liệt, dám nghĩ, dám làm trên cơ sở nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc. Phát huy đầy đủ trách nhiệm, vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu. Tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị các cấp tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát, phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Cần có chương trình, kế hoạch xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Trong đó, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người dân tộc thiểu số, cán bộ trẻ, cán bộ nữ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất, trình độ và năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đây là nhiệm vụ then chốt, góp phần quyết định thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh.

Tại Đại hội, Thường trực Ban Bí thư đề nghị mỗi đại biểu đề cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết vì sự nghiệp cách mạng chung, vì sự phát triển của Đảng bộ và đồng bào các dân tộc tỉnh nhà, sáng suốt lựa chọn, bầu ra Ban Chấp hành mới gồm các đồng chí đủ tiêu chuẩn, đủ đức, đủ tài, năng lực, uy tín, là trung tâm đoàn kết của Đảng bộ tỉnh trong nhiệm kỳ tới.

Đọc thêm