Khai mạc Hội chữ xuân Giáp Thìn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hội chữ xuân năm Giáp Thìn có sự tham gia của 40 ông đồ với các lều chữ được bố trí xung quanh Hồ Văn phục vụ nhu cầu của du khách đến xin chữ nhân dịp đầu xuân năm mới.
Nhiều người tới xin chữ ngày khai mạc Hội chữ xuân năm Giáp Thìn. (Ảnh: Thùy Dương)
Nhiều người tới xin chữ ngày khai mạc Hội chữ xuân năm Giáp Thìn. (Ảnh: Thùy Dương)

Tối 3/2/2024, Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã khai mạc Hội chữ xuân Giáp Thìn và triển lãm thư pháp “Hiếu học” tại khu vực Hồ Văn, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội,

Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh cho biết, đây là năm thứ 10, Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức Hội chữ Xuân, là sân chơi bổ ích đối với những người có khát vọng cống hiến cho công nghiệp văn hóa Thủ đô, là điểm đến yêu thích của nhiều đối tượng khách tham quan trong nước và quốc tế.

Thư pháp gia Nam Long (Nguyễn Quang Duy) trình diễn viết chữ tại lễ khai mạc. (Ảnh: Thùy Dương)

Thư pháp gia Nam Long (Nguyễn Quang Duy) trình diễn viết chữ tại lễ khai mạc. (Ảnh: Thùy Dương)

“Đây là việc làm hết sức ý nghĩa, tạo cơ hội cho các ông đồ thể hiện tài năng qua nét chữ. Đặc biệt, công chúng du xuân và xin chữ sẽ yên tâm được nhận những bức thư pháp, thư họa viết đúng, viết đẹp, mang đến những điều tốt đẹp về mùa xuân mới, khát vọng mới”, bà Trần Thị Vân Anh nhấn mạnh.

Theo Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu, trong khuôn khổ Hội chữ, triển lãm thư pháp với chủ đề “Hiếu học” trưng bày 50 tác phẩm thư pháp tại khu vực sân trước và 50 tác phẩm vòng quanh Hồ Văn. Nội dung các tác phẩm thể hiện tinh thần và truyền thống “Hiếu học” của dân tộc Việt Nam. Sự học đáng được tôn vinh, tinh thần hiếu học cần được cổ suý, môi trường học tập cần có sự tranh đua để vươn lên, đua nhau toả sáng trên nền tảng học vấn cần vun bồi liên tục, xuyên suốt như con đường đạo học kia cần phải liên tục không ngừng nghỉ. Hiền tài, trụ cột cho đất nước cần phải được vun bồi, nuôi dưỡng.

Nơi các ông đồ đàm đạo chữ thư pháp với du khách. (Ảnh: Thùy Dương)

Nơi các ông đồ đàm đạo chữ thư pháp với du khách. (Ảnh: Thùy Dương)

Điểm mới của Hội chữ xuân năm nay là việc bố trí các lều chữ xung quanh khu vực Hồ Văn, tạo không gian chung cho hoạt động cộng đồng tại sân trung tâm, giúp du khách tiếp cận các ông đồ thuận lợi, qua đó lan tỏa hơn các giá trị văn hóa của di tích tới đông đảo người dân và du khách.

Nhiều chương trình văn hóa diễn ra tại Hội chữ xuân Giáp Thìn. (Ảnh: Thùy Dương)

Nhiều chương trình văn hóa diễn ra tại Hội chữ xuân Giáp Thìn. (Ảnh: Thùy Dương)

Triển lãm được lên ý tưởng, xây dựng, thiết kế, sắp đặt và trưng bày bởi thư pháp gia Xuân Như (Vũ Thanh Tùng) - Chủ tịch Hội đồng điều hành, giảng sư thư pháp Nhân Mỹ học đường. Trung tâm không gian trưng bày được thiết kế tạo nên “Con đường chữ” với 9 hàng cột đôi như là biểu tượng cho con đường học vấn hay chính là đạo học với trụ cột là những hiền tài của đất nước. Chữ viết trên 18 trụ cột đó là nội dung kinh điển của nho giáo, khoa cử ngày xưa mà bao đời sĩ tử phải dùi mài mong có ngày ứng thí. Hai mặt hướng ra hai bên là nội dung các câu đối đang được treo tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám từ hàng trăm năm nay.

Triển lãm có sử dụng ánh sáng kết hợp chữ để tạo không gian sắp đặt nghệ thuật thị giác hấp dẫn người xem.

Đọc thêm