Đây là hội thảo đầu tiên do Liên minh nghị viện thế giới tổ chức, trong khuôn khổ ký kết hợp tác giữa Liên minh nghị viện thế giới và Trung tâm ICISE ngày 11 tháng 5 năm 2023 tại Genève, Thuỵ sĩ.
Tham dự Hội thảo có ông Vũ Hải Quân - Uỷ viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu - Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (là các đại biểu tham dự trực tiếp đại diện Việt Nam); ông Nguyễn Đức Hải - Phó Chủ tịch Quốc Hội Việt Nam; ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó Chủ nhiệm Uỷ Ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc Hội; cùng hơn 60 nhà khoa học và các nghị sĩ trẻ đại diện 18 quốc gia trên thế giới.
Các diễn giả quốc tế tham dự: ông Martin Chungong - Tổng thư ký Liên minh nghị viện thế giới; ông Mokhtar Omar - Cố vấn cấp cao của Tổng thư ký Liên minh Nghị viện Thế giới; ông Denis Naughten - Chủ tịch Nhóm công tác IPU về Khoa học và Công nghệ (WGST); ông Hubert Julien-Laferriere - Chủ tịch Ủy ban IPU về các vấn đề Trung Đông (MEC); ông Steve Killelea - Nhà sáng lập và Chủ tịch Điều hành, Viện Kinh tế và Hòa bình (IEP)...
|
Các đại biểu và khách mời tham dự hội thảo |
Phát biểu tại lễ khai mạc hội thảo, GS Trần Thanh Vân - Chủ tịch hội khoa học Gặp gỡ Việt Nam (Rencontres du Vietnam, Pháp) nhấn mạnh, Việt Nam đã tham gia đề xuất đề án lấy năm 2022-2023 là năm quốc tế khoa học cơ bản để phục vụ phát triển bền vững, một kiến nghị mà Liên hợp quốc đã công bố ngày 2/12/2021. Việt Nam cũng đã là thành viên sáng lập của kiến nghị Thập niên Khoa học 2024-2034 để phục vụ phát triển bền vững mà Liên hợp quốc đã công bố ngày 25/8 vừa qua.
"Những thành công lớn lao của Việt Nam trong hội nhập quốc tế về khoa học cũng đưa lại cho chúng ta một một trách nhiệm thực tế và trách nhiệm này không thể thực hiện được nếu không có sự trao đổi và cộng tác của các nghị viên quốc hội với các lãnh đạo trong mỗi quốc gia. Đấy là tầm nhìn và con đường tương lai để có một phát triển bền vững cho trái đất xanh của chúng ta, một con đường mà Liên minh nghị viện quốc tế và Trung Tâm ICISE sẽ cùng nhau đồng hành, tiến tới. Trung tâm ICISE sẽ trở thành một điểm gặp gỡ thường niên trong tinh thần ngoại giao khoa học của các nghị sĩ quốc hội các nước thuộc Liên minh nghị viện thế giới trong chuỗi các hội thảo IPU Khoa học vì hoà bình”, Chủ tịch hội khoa học Gặp gỡ Việt Nam nói.
Ông Hồ Quốc Dũng - UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Định cho biết, Hội thảo “Khoa học vì Hòa Bình” diễn ra hôm nay là sự kiện đầu tiên đánh dấu Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Liên minh Nghị viện thế giới IPU với Trung tâm ICISE chính thức được hiện thực hóa. Đồng thời, Hội thảo có ý nghĩa quan trọng và chất lượng cao về mặt học thuật trong bối cảnh “hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển” đang đối mặt với những thách thức lớn. Tại sự kiện này, các vấn đề liên quan đến an ninh và mất an ninh nguồn nước dựa trên các hướng giải quyết từ khoa học để xây dựng hòa bình sẽ được đề cập, phân tích, làm rõ. Sự kiện này cũng góp phần củng cố mối quan hệ giữa cộng đồng khoa học và cộng đồng liên minh các nghị viện nhằm ủng hộ khoa học và hòa bình thế giới.
|
Ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Định |
Đây là sự kiện ngoại giao khoa học được tổ chức bởi Liên minh nghị viện thế giới (IPU), Hội khoa học Gặp gỡ Việt Nam (Rencontres du Vietnam, Pháp) và Trung tâm ICISE, cung cấp một diễn đàn học thuật để hiện thực hóa tầm nhìn về sự thống nhất các vấn đề quốc tế thông qua khoa học nhằm mục đích chung sống hòa bình. Hội thảo này đóng vai trò là nền tảng đối thoại giữa các nghị viện về các chủ đề liên quan đến mục tiêu cốt lõi của IPU.
Trong khuôn khổ Hội thảo sẽ có 9 phiên thảo luận với các chuyên đề chuyên sâu: Khoa học và chính trị; Các chương trình quan sát Trái đất để giám sát nguồn nước; Thực hành lập pháp điển hình; Ngoại giao đa phương, trong khu vực và song phương về nguồn nước cho các hợp tác xuyên biên giới; Phương pháp tiếp cận dựa trên quyền con người đối với an ninh nguồn nước và hòa bình; Đổi mới công nghệ xử lý nước nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước; Thúc đẩy an ninh nguồn nước thông qua khoa học cộng đồng; Mạng lưới Liên minh Nghị viện về nguồn nước; Ngoại giao khoa học và Khoa học dự đoán.
|
Ông Mokhtar Omar, Cố vấn cấp cao của Tổng thư ký Liên minh Nghị viện Thế giới |
Theo ông Nguyễn Đức Hải - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, an ninh nguồn nước luôn là vấn đề mà Việt Nam đặc biệt quan tâm. Để đảm bảo an ninh nguồn nước cho trên 100 triệu dân và là nước đang phát triển ở mức thu nhập trung bình, Việt Nam đã thực hiện nhiều giải pháp, trong đó chú trọng đến việc hoàn thiện hệ thống pháp luật với trên 100 văn bản quản lý liên quan đến nước.
Tại Kỳ họp thứ 6 vào tháng 10 tới đây, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) để điều chỉnh tổng thể về nước; đồng thời đang chỉ đạo các cơ quan rà soát các Luật liên quan để bảo đảm hoàn thiện khuôn khổ lập pháp về an ninh nguồn nước. Bên cạnh đó, Việt Nam đang thực hiện nhiều giải pháp khác như: công tác quy hoạch, điều tiết nước, chuyển nước lưu vực sông; đầu tư nguồn lực, phát triển hạ tầng bảo đảm an ninh nguồn nước; giải pháp về khoa học và công nghệ trong dự báo, xây dựng vận hành các công trình tích nước, trữ nước, chuyển nước; tuần hoàn nước, sử dụng nước tiết kiệm hiệu quả; bổ cập nguồn nước; tăng cường hợp tác quốc tế để chia sẻ kinh nghiệm về quản lý an ninh nguồn nước.
|
Ông Nguyễn Đức Hải - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội |
Việt Nam cũng mong muốn các đại biểu tham dự Hội nghị sẽ cùng nhau thống nhất cam kết các mục tiêu mà chúng ta sẽ thực hiện trong thời gian tới để Chủ đề “An ninh và bất an nguồn nước: Xây dựng hòa bình thông qua khoa học” là nội dung hữu ích cho các quốc gia tham dự; vì sự thịnh vượng của các quốc gia cùng với bảo đảm an ninh nguồn nước; thực hiện thành công các Mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu đến năm 2030.
Cuối tuần này, Quốc hội Việt Nam và IPU sẽ tổ chức Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 tại Hà Nội. Đây sẽ là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng, huy động sự tham gia và đóng góp của các Nghị sĩ trẻ trên toàn thế giới cho việc thực hiện chương trình nghị sự toàn cầu vì phát triển bền vững đến năm 2030.