Khai mạc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV: Tiếp tục đổi mới, bảo đảm yêu cầu về chất lượng

(PLVN) - Hôm nay (20/10), Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.
Kỳ họp Quốc hội thứ tư khóa XV xem xét nhiều nội dung quan trọng. (Ảnh: Chủ tịch Quốc hội phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ ba)
Kỳ họp Quốc hội thứ tư khóa XV xem xét nhiều nội dung quan trọng. (Ảnh: Chủ tịch Quốc hội phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ ba)

Là kỳ họp cuối năm, khối lượng công việc rất lớn nhưng với tinh thần cải tiến, đổi mới, cùng sự chuẩn bị tích cực, chủ động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Lãnh đạo Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội, thời gian Kỳ họp được rút ngắn còn 21 ngày làm việc nhưng vẫn bảo đảm yêu cầu về chất lượng.

Đẩy mạnh cải tiến, đổi mới hoạt động Kỳ họp

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội (QH) khoá XV diễn ra trong bối cảnh Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vừa thành công tốt đẹp, đem lại những động lực thúc đẩy quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trong bối cảnh mới cho đất nước.

Thông thường, tại kỳ họp cuối năm, QH sẽ xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng với khối lượng công việc rất lớn. Vì vậy, kỳ họp thường diễn ra trong khoảng 30 ngày. Dự kiến, khối lượng công việc tại Kỳ họp thứ 4 cũng rất lớn. Tuy nhiên, theo ông Phạm Thái Hà - Phó Chủ nhiệm Văn phòng QH, Trợ lý Chủ tịch QH, với tinh thần cải tiến, đổi mới, cùng sự chuẩn bị tích cực, chủ động của Ủy ban Thường vụ QH, Lãnh đạo QH, các cơ quan của QH, thời gian Kỳ họp được rút ngắn xuống còn 21 ngày làm việc, trong đó có hai ngày Thứ Bảy nhưng vẫn bảo đảm yêu cầu về chất lượng.

Dự kiến, tại Kỳ họp này, về công tác lập pháp, QH sẽ xem xét, thông qua bảy dự án luật, ba dự thảo nghị quyết. Đồng thời, QH sẽ xem xét, cho ý kiến với bảy dự án luật; xem xét các báo cáo về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), dự toán ngân sách Nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách Nhà nước năm 2022; quyết định kế hoạch phát triển KT-XH, dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2023.

Tại Kỳ họp thứ 4, QH cũng sẽ dành hai ngày rưỡi để tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu QH. Xem xét các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án năm 2022 (trong đó có nội dung về công tác quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam). Tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021”. Xem xét, quyết định công tác nhân sự…

Chuẩn bị kỹ lưỡng, từ sớm

Trong các dự án Luật được trình ra QH cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4, Luật Đất đai (sửa đổi) là dự án nhận được sự quan tâm của đông đảo cử tri và nhân dân. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Nguyễn Minh Sơn cho biết, công tác chuẩn bị cho dự án Luật này đã được tiến hành từ sớm, trên tinh thần kỹ lưỡng, thận trọng. Dự thảo Luật đã được công khai trên Cổng thông tin của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường để lấy ý kiến đóng góp. Bộ Tư pháp đã tổ chức phiên họp thẩm định. Chính phủ đã hoàn thiện Tờ trình dự án Luật.

Đặc biệt, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn cho hay, trong quá trình chuẩn bị cho dự án luật này, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ đã không dưới ba lần làm việc trực tiếp với các cơ quan có trách nhiệm để nghe và chỉ đạo việc xây dựng dự án Luật này. Chủ tịch QH cũng ban hành kế hoạch về lấy ý kiến nhân dân đối với dự án Luật, dự kiến được triển khai vào tháng 1/2023. Các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra đã tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm, nhận được nhiều ý kiến từ các đoàn đại biểu QH, các bộ, ngành, hiệp hội.

Trong quá trình xây dựng Luật, cơ quan chủ trì soạn thảo đã nỗ lực thể chế hóa tương đối đầy đủ Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII liên quan đến tám cơ chế, chính sách để giải quyết hầu hết các hạn chế, bất cập được chỉ ra trong tổng kết thực hiện Luật Đất đai năm 2013, trong đó có những vấn đề liên quan đến khiếu nại, khiếu kiện, công tác thu hồi đất, bồi thường, tái định cư, giá đất…

Về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, Tổng Thư ký QH, Chủ nhiệm Văn phòng QH Bùi Văn Cường cho biết, Kỳ họp thứ 4 sẽ chuẩn bị sớm nhóm nội dung chất vấn. Việc lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn sẽ căn cứ vào ý kiến của đại biểu QH, các đoàn đại biểu QH; thống kê hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến nay; kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4; những vấn đề nổi lên trong báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của QH… Hiện có sáu nhóm vấn đề thuộc sáu lĩnh vực đang được lựa chọn, bao gồm nội vụ, xây dựng, thông tin và truyền thông, khoa học và công nghệ, thanh tra và lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Bộ Tư pháp.

Sau khi xin ý kiến Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH, sáu nhóm vấn đề chất vấn sẽ được báo cáo Ủy ban Thường vụ QH, lựa chọn năm vấn đề; tiếp đó xin ý kiến đại biểu QH để chọn bốn nhóm vấn đề chất vấn. Trong quá trình xin ý kiến, nếu có vấn đề khác mới hơn có thể sẽ thay đổi. Tổng Thư ký QH khẳng định, việc chuẩn bị sớm các nội dung chất vấn để đại biểu, các bộ, ngành nghiên cứu kỹ, đảm bảo chất lượng chất vấn và trả lời chất vấn sâu hơn, góp phần nâng cao chất lượng kỳ họp.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, QH đã không ngừng đổi mới, phát huy dân chủ, tăng tính pháp quyền, chủ động từ sớm, từ xa, thích ứng linh hoạt với điều kiện thực tế, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức hữu quan, gần dân và sát thực tiễn hơn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Với những bước chuẩn bị kỹ lưỡng và tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, tập trung và trách nhiệm cao của các cơ quan của QH; các cơ quan, tổ chức hữu quan và các đại biểu QH, tin tưởng rằng, Kỳ họp thứ 4, QH khóa XV sẽ tiếp tục thành công như các kỳ họp trước đây, đưa ra được những quyết sách đúng đắn, kịp thời để tạo cơ sở, động lực mới cho sự phát triển của đất nước trong thời gian tới.

Năm 2022: Thu hồi tài sản tham nhũng tăng hơn 11 nghìn tỷ so với năm 2021

Chính phủ vừa có báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực gửi đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Theo đó, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN, TC) tiếp tục được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả quan trọng, có nhiều mặt cao hơn năm trước; sự phối hợp đồng bộ giữa công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đối với các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực ngày càng chặt chẽ, có hiệu quả; gắn PCTN, TC với công tác tổ chức, cán bộ, xử lý nghiêm sai phạm theo quy định về kỷ luật của Đảng, Nhà nước và xử lý hình sự; công tác phát hiện và xử lý tham nhũng được chỉ đạo và thực hiện bài bản, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, tạo bước đột phá trong công tác PCTN, TC khẳng định quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong cuộc đấu tranh PCTN, TC với tinh thần "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai", từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ, phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh để "không thể", "không dám", "không muốn", "không cần" tham nhũng.

Trong chỉ đạo, điều hành, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương bám sát và triển khai quyết liệt các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật, các Nghị quyết của Quốc hội liên quan đến công tác đấu tranh PCTN, TC nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân; chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành, luôn bám sát thực tiễn, nhận diện đúng tình hình để đưa ra quyết sách kịp thời, chính xác, đạt hiệu quả cao nhất trong công tác PCTN, TC; kiên quyết xử lý nghiêm mọi trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tham nhũng, tiêu cực, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

Cụ thể, về thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, các cơ quan chức năng đã tiến hành 3.927 cuộc kiểm tra việc thực hiện các định mức, tiêu chuẩn, chế độ, phát hiện 283 vụ việc, chấn chỉnh, xử lý 386 người vi phạm (tăng 2,6% số vụ và số người vi phạm so với năm 2021); kiến nghị thu hồi 50,8 tỷ đồng, đã được thu hồi được 43 tỷ đồng.

Toàn ngành Thanh tra đã triển khai 7.844 cuộc thanh tra hành chính và 195.326 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện vi phạm về kinh tế 79.102,2 tỷ đồng, 10.621,2ha đất; trong đó kiến nghị thu hồi 227.168 tỷ đồng; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 51.934,1 tỷ đồng; ban hành 137.671 quyết định xử phạt vi phạm hành chính của tổ chức, cá nhân với số tiền 5.822,5 tỷ đồng; kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 2.649 tập thể và 7.159 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xem xét, xử lý 538 vụ, 306 đối tượng. Toàn ngành đã tiến hành đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 6.777 kết luận và quyết định xử lý về thanh tra, trong đó có 4.696 kết luận thanh tra đã hoàn thành 100% các nội dung phải thực hiện. Qua đôn đốc, các cơ quan chức năng đã thu hồi 114.012,3 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 42,5%), 537,5ha đất; xử lý hành chính 2.917 tổ chức, 7.498 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 98 vụ, 135 đối tượng; khởi tố 16 vụ, 68 đối tượng.

Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã kiến nghị xử lý tài chính: Tổng hợp sơ bộ kết quả kiểm toán, KTNN kiến nghị xử lý tài chính 36.293,5 tỷ đồng, gồm: Tăng thu NSNN 3.263 tỷ đồng; giảm chi NSNN 17.767,3 tỷ đồng; kiến nghị khác 14.464,7 tỷ đồng; giảm lỗ 798,5 tỷ đồng.

Đối với việc thực hiện kiến nghị kiểm toán: Về xử lý tài chính 50.522,1 tỷ đồng, gồm: Tăng thu NSNN 5.853,7 tỷ đồng; giảm chi NSNN 10.228,9 tỷ đồng; kiến nghị khác 34.439,5 tỷ đồng; có 51/193 báo cáo kiểm toán có kiến nghị về kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân đã được các đơn vị thực hiện.

TAND các cấp giải quyết theo thủ tục sơ thẩm 577 vụ/1.399 bị cáo; đã giải quyết 533 vụ/1.272 bị cáo; trong đó xét xử 410 vụ/945 bị cáo về các tội tham nhũng.

Công tác thi hành án liên quan đến việc thu hồi tài sản tham nhũng: Tổng số phải thi hành là 3.973 việc, tương ứng với 89.609 tỷ 972 triệu đồng; trong đó: Số có điều kiện thi hành là 2.739 việc tương ứng với 43.593 tỷ 296 triệu đồng; đã thi hành xong 1.895 việc, tương ứng với 15.989 tỷ 592 triệu đồng (tăng hơn 11.895 tỷ đồng, tương đương tăng 290,51% về tiền so với năm 2021).

Đọc thêm