Tham dự Hội thi, về phía Trung ương, có ông Nguyễn Thanh Tịnh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng Phối hợp Phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương, Trưởng ban tổ chức Hội thi; bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương, Phó Trưởng Ban tổ chức Hội thi; bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Uỷ viên Hội đồng Phối hợp Phổ biến, giáo dục Trung ương; bà Đoàn Thị Tuyết Nhung, Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, Uỷ viên Hội đồng Phối hợp Phổ biến, giáo dục Trung ương.
Về phía địa phương, có ông Lê Hồng Sơn, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội; ông Lê Khắc Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng; ông Vũ Chí Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc.
Phát biểu khai mạc Hội thi, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh nhấn mạnh, hoà giải ở cơ sở là phương thức giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp thông qua việc hướng dẫn, giúp đỡ các bên đạt được sự thoả thuận, tự nguyện chấm dứt hành vi vi phạm, là hoạt động có ý nghĩa hết sức thiết thực trong đời sống. Thực tiễn thi hành Luật Hoà giải ở cơ sở cho thấy, ở những địa phương làm tốt công tác hoà giải thì tình hình an ninh, trật tự được giữ vững, hàng năm số vụ phạm pháp hình sự được kéo giảm.
Hoà giải ở cơ sở không chỉ là phương thức giải quyết tranh chấp có hiệu quả, triệt tiêu mầm mống dẫn đến tội phạm và những bất ổn xã hội mà còn là một phương thức an dân, vận động nhân dân phát huy tinh thần đoàn kết, nâng cao niềm tin đối với Đảng, Nhà nước, góp phần giữ gìn kỷ cương xã hội, tạo lập môi trường thuận lợi để xây dựng đất nước, thực hiện mục tiêu: “Dân giàu, Nước mạnh, Dân chủ, Công bằng, Văn minh”.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh phát biểu khai mạc Hội thi. |
Để thực hiện chính sách khuyến khích các bên giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp, chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật bằng phương thức hòa giải ở cơ sở thì cần phải tiếp tục đổi mới và phát huy hiệu quả công tác này, gắn với việc nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò, ý nghĩa của hòa giải ở cơ sở và nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên.
Để Hội thi được tổ chức thành công, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh đề nghị mỗi Đội thi thực hiện thật tốt phần thi của mình, thể hiện sự tinh thông kiến thức pháp luật và sử dụng nhuần nhuyễn kỹ năng hòa giải, dân vận khéo trong hóa giải những tình huống mâu thuẫn, tranh chấp trong cuộc sống. Đây chính là sự cổ vũ, động viên cho những đóng góp, cống hiến của đội ngũ hòa giải viên trong đời sống xã hội, góp phần xây dựng quê hương yên bình, đất nước giàu đẹp.
Đồng thời đề nghị Ban Giám khảo làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, thật sự khách quan và công tâm khi đánh giá, chấm điểm các phần thi để chọn những Đội thi xuất sắc nhất, tiêu biểu nhất để vinh danh, biểu dương.
Phát biểu chào mừng Hội thi, ông Lê Hồng Sơn bày tỏ vinh dự khi thủ đô Hà Nội được chọn là nơi đăng cai tổ chức Vòng thi toàn quốc của Hội thi Hoà giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV. Đồng thời khẳng định, đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực nhằm hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam (09/11) – Ngày hội tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giá trị pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa và những người làm công tác pháp luật.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội phát biểu chào mừng Hội thi. |
Ông cũng cho biết, với gần 5.000 tổ hoà giải với hơn 32.000 hoà giải viên, trong 10 năm qua, các hoà giải viên trên địa bàn thành phố Hà Nội đã giải quyết được nhiều vụ việc, tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh trong đời sống xã hội, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội giữ gìn trật tự xã hội, hội nhập quốc tế, vì một thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại. Kết quả này có được là nhờ sự quan tâm của cấp uỷ, chính quyền; sự chỉ đạo, hướng dẫn trực tiếp từ cơ quan Tư pháp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đặc biệt là sự tham gia tích cực của các tổ chức đoàn thể, chính trị xã hội, đội ngũ hoà giải viên ở cơ sở.
Ông Lê Hồng Sơn hy vọng, Hội thi hoà giải viên toàn quốc lần thứ IV là dịp để biểu dương các hoà giải viên xuất sắc; là cơ hội để các hoà giải viên học hỏi, trau dồi kinh nghiệm, kiến thức pháp lý, kỹ năng hoà giải; qua đó góp phần nâng cao nhận thức xã hội về vị trí, vai trò của công tác hoà giải ở cơ sở.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh và phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQVN Trương Thị Ngọc Ánh tặng hoa cho các thành viên Ban Giám khảo. |
Tại Hội thi, 14 đội thi xuất sắc gồm Bà Rịa - Vũng Tàu, Đắk Lắk, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hà Nội, Hà Tĩnh, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh, Nghệ An, Ninh Bình, Tây Ninh, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc lần lượt thực hiện các phần thi giới thiệu, lý thuyết và tiểu phẩm của mình.
Theo số liệu thống kê của Bộ Tư pháp, tính đến ngày 31/12/2022 cả nước có 86.414 tổ hòa giải với 540.740 hòa giải viên. Trung bình mỗi năm, các tổ hòa giải trên cả nước tiến hành hòa giải trên 100.000 vụ, việc tranh chấp, mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư, đạt tỷ lệ hòa giải thành trên 80%. Với chủ trương tăng cường quyền làm chủ của người dân trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm tới giải quyết tranh chấp bằng phương thức hòa giải ở cơ sở, yêu cầu công tác này cần phải được tiếp tục quan tâm, đổi mới và phát huy hiệu quả hơn nữa.
Một số hình ảnhHội thi: