Khái niệm hạnh phúc trường tồn trong lịch sử dân tộc Việt Nam

(PLVN) - Với dân tộc Việt Nam, khái niệm hạnh phúc mang một hàm nghĩa đặc biệt. “Hạnh phúc” ở đây không chỉ hướng đến những niềm vui, nỗi buồn của cá nhân mà là mang theo cả cống hiến, cả hy sinh, cả đắp xây. Bởi mỗi một hạnh phúc đơn sơ của mỗi một con người bé nhỏ, đều hòa vào dòng sông lớn của lịch sử dân tộc.

Khái niệm hạnh phúc trong dòng chảy lịch sử

Năm 248, Bà Triệu, tức Triệu Thị Trinh khởi nghĩa chống quân Ngô, viết nên một trang sử hào hùng của dân tộc. Từ thuở nhỏ, bà Triệu đã là một cô bé mạnh mẽ, thích học võ, rèn luyện thể lực, hun đúc ý chí. Cô bé ấy, cho đến tuổi cập kê vẫn không màng đến chuyện nam nữ thường tình. Chí khí của bà từ niên thiếu đã luôn được bà biểu lộ khi luôn khẳng định với cha mình: “Lớn lên con sẽ đi đánh giặc như bà Trưng Trắc, Trưng Nhị”. Lớn lên, đau đáu trước cảnh giặc Ngô tàn ác, nhân dân lầm than, bà cùng anh trai bỏ vào núi, chiêu mộ tráng sĩ, khởi nghĩa chống giặc. Anh trai mất, bà được tôn lên làm thủ lĩnh, tiếp tục sự nghiệp kháng chiến. Cho đến lúc qua đời, bà đã trở thành nỗi sợ hãi, mối kinh hoàng cho quân xâm lăng bởi những chiến thắng anh dũng.

Ngày nay, câu nói của Triệu Thị Trinh, mỗi khi được nhắc lại vẫn vang lên một âm hưởng hào hùng: “Ta chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá trường kình ở biển Đông, lấy lại giang sơn, dựng nền độc lập, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp cho người!”. Ở thời phong kiến, thân phận phụ nữ bé mọn như con sâu cái kiến, hạnh phúc chỉ giản đơn là tìm được một tấm chồng tử tế, được cơm no, áo ấm. Nhưng với Bà Triệu, bậc quần hùng, hạnh phúc đã được bà xác định từ thuở mới lớn, biết nhận thức về cuộc đời. Hạnh phúc của bà không gói gọn trong chuyện chồng con, cơm áo, mà là một lý tưởng lớn lao hơn, vì nhân dân, vì nền độc lập dân tộc, đánh đuổi ngoại xâm, cởi ách nô lệ thống trị, làm nên sự nghiệp hào hùng tiếp nối cha ông.

Hơn 200 năm trước Bà Triệu, có hai nữ danh tướng chống ngoại xâm đã làm nên những chiến công lừng lẫy, bảo vệ đất nước, đó là Hai Bà Trưng. Trước chính sách đồng hóa gắt gao và bóc lột hà khắc của nhà Đông Hán đối với người Việt tại Giao Chỉ, vì mối thù chồng của Trưng Trắc (Thi Sách bị quân Đông Hán giết), hai chị em dựng cờ khởi nghĩa. Khởi nghĩa nhanh chóng lớn mạnh, được nhân dân ủng hộ, thế như chẻ tre. Đánh đổ sự cai trị của nhà Hán trên toàn bộ lãnh thổ Âu Lạc, hai Bà Trưng lên ngôi Vua Bà.

Sử sách ghi lại buổi đầu khởi nghĩa, Trưng Trắc và Trưng Nhị tập hợp các tướng lĩnh cùng nhau làm Hội thề ở cửa sông Hát. Trưng Trắc đọc lời thề: “Một xin rửa sạch nước thù/ Hai xin dựng lại nghiệp xưa họ Hùng /Ba kêu oan ức lòng chồng/ Bốn xin vẻn vẹn sở công lênh này”.

Đất nước giàu đẹp, nhân dân hạnh phúc nhờ tiền nhân đổi máu xương và hạnh phúc của bản thân mình. (Ảnh minh họa)

Đất nước giàu đẹp, nhân dân hạnh phúc nhờ tiền nhân đổi máu xương và hạnh phúc của bản thân mình. (Ảnh minh họa)

Lời thề ấy, đến nay vẫn còn được nhiều người dân nước Việt ghi lòng tạc dạ. Lời thề ấy cho thấy chí khí lẫy lừng của nữ anh hùng chống ngoại xâm, và cũng cho thấy luôn quan niệm về hạnh phúc của bà. Hạnh phúc cá nhân đã vỡ tan, trong lòng người nữ anh hùng ấy hướng đến một hạnh phúc lớn lao và cao cả hơn: Đánh đuổi ngoại xâm, rửa sạch mối thù đô hộ của dân tộc, gầy dựng lại sự nghiệp độc lập, lấy lại non sông gấm vóc của nhân dân, của tiền nhân. Trong hạnh phúc lớn lao ấy, vẫn còn một phần nhỏ bé dành cho tình riêng: Báo thù cho cái chết oan ức của chồng, giúp chồng thỏa nguyện nơi chín suối, và thành toàn cho lý tưởng của chính mình cùng em gái.

Lịch sử Việt Nam đặc biệt hơn phần còn lại của thế giới, bởi đó là lịch sử “dựng nước và giữ nước”. Sau thời kì dựng nước là đến ngàn năm “giữ nước”. Suốt hàng ngàn năm ấy, dân tộc ta đã luôn phải chống chọi với xâm lăng, bạo tàn, đô hộ, hết giặc Tàu đến giặc Tây. Bởi thế, với dân tộc Việt, khái niệm “hạnh phúc” cũng rất lạ lùng. Nó dường như rất nhỏ bé, giản đơn, là một cuộc sống “bình thường”, không bị áp bức bóc lột, có cơm no áo ấm. Thế nhưng, hạnh phúc dường như cũng quá khó khăn và gian lao để có được, bởi vó ngựa, mũi giáo, nòng súng ngoại xâm chưa bao giờ ngơi nghỉ. Vì thế, hạnh phúc nhỏ bé của mỗi người luôn luôn song hành cùng sự bình yên của đất nước. Cũng vì thế mà các bậc tiền nhân, như Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Mai Hắc Đế, Phùng Hưng, Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Đề Thám, Phan Bội Châu và Hồ Chủ tịch vĩ đại, hay các chiến sĩ, chí sĩ vô danh... đều đem hạnh phúc dân tộc làm hạnh phúc của chính mình, hy sinh cuộc đời riêng, hạnh phúc riêng của mình để cống hiến cho trường tồn của dân tộc, cho hạnh phúc của toàn dân.

Hạnh phúc trong lao khổ, trong đấu tranh, cống hiến, hy sinh cho độc lập dân tộc, chân thật như những dòng thơ của Nhà thơ Bùi Minh Quốc trong “Bài thơ về hạnh phúc”: “Hạnh phúc là gì?/ Bao lần ta lúng túng/ Hỏi nhau hoài mà nghĩ mãi chưa ra/ Cho đến ngày cất bước đi xa, Miền Nam gọi, hai chúng mình có mặt... Nhớ chăng em, cái mùa mưa đói quay đói quắt/ Mỗi bữa chia nhau nửa bát măng rừng/ Em xanh gầy, gùi sắn nặng trên lưng/ Môi tái ngắt, mái tóc mềm đẫm ướt/ Bao dốc cao em cần cù đã vượt/ Và mỗi lần ngồi nghỉ, em nhìn anh.../ Em nói tới tương lai tươi thắm ngọt lành...”.

Hạnh phúc - tiêu chí vươn đến trong cuộc sống người Việt

Trên đầu mỗi một trang văn bản chính thống của Việt Nam đều có dòng chữ đặc biệt: “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”. Hạnh phúc chính là một trong ba tiêu chí hướng đến của cả dân tộc, của mỗi người dân Việt Nam. Mục tiêu lớn lao ấy đã được người lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh nhắc đến nhiều lần, đồng thời người cũng dùng cả tuổi trẻ, cả cuộc đời để đánh đổi.

Hồ Chủ tịch đã hiến dâng cả cuộc đời để làm cách mạng, tìm kiếm con đường hạnh phúc cho toàn dân. (Ảnh tư liệu)

Hồ Chủ tịch đã hiến dâng cả cuộc đời để làm cách mạng, tìm kiếm con đường hạnh phúc cho toàn dân. (Ảnh tư liệu)

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người tiên phong trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người. Người đã cống hiến trọn đời mình cho nền độc lập của Tổ quốc, cho tự do, hạnh phúc của nhân dân.

Người thanh niên Nguyễn Ái Quốc đã chấp nhận rời xa quê hương, xa máu mủ ruột rà, xa những gì thân thuộc đi bôn ba hải ngoại. Thứ mà Người tìm kiếm không phải là một sự nghiệp của cá nhân mình, mà là một ánh sáng, một con đường cho cả dân tộc đang lầm than. Biết bao vất vả, biết bao gian lao, tù đày, cuối cùng, người đã tìm được chân lý soi đường cho cả dân tộc giành độc lập, tự do, vươn đến hạnh phúc. Như câu nói bất hủ của Người khi trả lời một phóng viên ngoại quốc: “Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi của Tổ quốc, và hạnh phúc của quốc dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo - là vì mục đích đó”.

Người hi sinh hạnh phúc cá nhân để đi tìm hạnh phúc cho mọi người dân Việt Nam. Không phải là bởi Người không màng đến hạnh phúc, mà trong trái tim của người, hạnh phúc của nhân dân và hạnh phúc cá nhân đã hòa làm một. Nói một cách khác, hạnh phúc của dân tộc chính là hạnh phúc của Người: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Di chúc cuối cùng của Người cùng chính là “kim chỉ nam” cho bao thế hệ lãnh đạo đất nước: “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”.

Ngày nay, chúng ta đang sống trong một xã hội hòa bình, yên ổn, văn minh và phát triển. Trong xã hội hiện đại, hạnh phúc cá nhân ngày càng được đề cao. Điều đó không có gì là sai trái. Bởi các bậc tiền nhân đã cống hiến xương máu, bởi Hồ Chủ tịch đã dành cả cuộc đời làm cách mạng, nói cho cùng, cũng là để mỗi một người dân được sống trong hòa bình, hạnh phúc, được có cơm no áo ấm, được bình đẳng, yêu thương.

Nhưng, dẫu là thời cuộc thay đổi, thì khái niệm hạnh phúc luôn trường tồn, như nghìn năm trước: Hạnh phúc mỗi cá nhân luôn song hành cùng hạnh phúc của dân tộc. Mở rộng ra, hạnh phúc mỗi cá nhân cũng không thể tách rời hạnh phúc của cả nhân loại. Dẫu thời bình hay thời chiến, hạnh phúc cũng không bao giờ là một khái niệm khép kín, ích kỉ. Hạnh phúc phải luôn bao hàm sự cống hiến, sự cho đi. Hạnh phúc không chỉ là vun vén cho bản thân, cho những người ta thương yêu, mà hạnh phúc đích thực là trái tim rộng mở, là tinh thần vì cộng đồng, tinh thần yêu thương con người, là nỗ lực gìn giữ đất nước giàu và đẹp, phát huy những di sản vô giá mà tiền nhân đã hy sinh hạnh phúc chính mình xây đắp nên.

Đọc thêm