Khái niệm “nước có nền kinh tế thị trường” của Mỹ có hợp lý?

Theo các quy định hiện hành về chống bán phá giá trong pháp luật Hoa Kỳ, một quốc gia có nền kinh tế phi thị trường là quốc gia nước ngoài mà ở đó các cơ quan quản lý nhà nước không hoạt động dựa trên các nguyên tắc thị trường về chi phí và cấu trúc giá, vì vậy hoạt động mua bán hàng hóa ở các quốc gia này không phản ánh giá trị thực của hàng hóa.

Theo các quy định hiện hành về chống bán phá giá trong pháp luật Hoa Kỳ, một quốc gia có nền kinh tế phi thị trường là quốc gia nước ngoài mà ở đó các cơ quan quản lý nhà nước không hoạt động dựa trên các nguyên tắc thị trường về chi phí và cấu trúc giá, vì vậy hoạt động mua bán hàng hóa ở các quốc gia này không phản ánh giá trị thực của hàng hóa.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Luật chống bán phá giá của Hoa Kỳ áp dụng những chính sách khác nhau cho các quốc gia có nền kinh tế thị trường và các quốc gia có nền kinh tế phi thị trường.

Trong một vụ kiện chống bán phá giá liên quan tới các nhà xuất khẩu từ nước có nền kinh tế thị trường, Bộ Thương mại Hoa Kỳ sẽ xác định sự tồn tại của hành vi bán phá giá bằng cách kiểm tra liệu nhà xuất khẩu đó có bán sản phẩm vào Hoa Kỳ với mức giá thấp hơn mức giá thông thường. Giá hàng nhập khẩu sẽ được so sánh với giá của các sản phẩm tương tự trên thị trường nội địa.

Nếu việc so sánh này không thể thực hiện được do không có sản phẩm tương tự trên thị trường nội địa, Bộ Thương mại Hoa Kỳ sẽ so sánh giá hàng nhập khẩu với một mức giá được tính toán trên cơ sở xác định chi phí hoặc với giá của sản phẩm tương tự được bán cho một nước thứ ba.

Nếu mức giá hàng nhập khẩu vào Hoa Kỳ thấp hơn mức giá được so sánh, và nếu chứng minh được có thiệt hại thực tế hoặc nguy cơ xảy ra thiệt hại thực tế cho ngành công nghiệp nội địa của Hoa Kỳ, các biện pháp chống bán phá giá sẽ được áp dụng để bù trừ lại biên độ phá giá và bảo vệ các nhà sản xuất Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, nếu nước xuất khẩu là nước có nền kinh tế phi thị trường, luật pháp Hoa Kỳ sẽ xem giá và chi phí sản xuất là không đáng tin cậy. Tùy thuộc vào độ chính xác của những thông tin sẵn có, Bộ Thương mại Hoa Kỳ có thể xác định giá thông thường của sản phẩm bị điều tra dựa trên cơ sở mức giá của một sản phẩm tương tự tại nước nhập khẩu.

Bộ Thương mại Hoa Kỳ cũng có thể thay thế giá tại một nước có nền kinh tế thị trường có cùng mức độ phát triển như nước có nền kinh tế phi thị trường đang bị xem xét. Phương pháp này thường được gọi là “phương pháp nước thay thế”.

Nhiều người đã phê phán việc sử dụng các phương pháp khác nhau cho các nước có nền kinh tế thị trường và các nước có nền kinh tế phi thị trường để xác định tình trạng phá giá.

Thứ nhất, thực tế không hề có nền kinh tế nào là nền kinh tế thị trường hoàn toàn. Mọi nền kinh tế đều chịu sự điều chỉnh, can thiệp của chính phủ ở các mức độ khác nhau.

Thứ hai, sẽ là không công bằng nếu phân biệt giữa nền kinh tế thị trường và nền kinh tế phi thị trường cho mục đích xây dựng các quy định pháp luật về chống bán phá giá. Chỉ một chút khác biệt giữa các phương pháp sử dụng để tính toán biên độ phá giá sẽ làm cho các nhà xuất khẩu từ các nước có nền kinh tế phi thị trường bị áp thuế chống bán phá giá ở mức cao và không thể xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Hoa Kỳ.

Thứ ba, các quy định có liên quan tới các nước có nền kinh tế phi thị trường thực sự chưa rõ ràng, do vậy đã trao cho cơ quan quản lý về chống bán phá giá thẩm quyền quyết định rất lớn. Thực tế, việc xác định một nước có nền kinh tế thị trường hay nền kinh tế phi thị trường phụ thuộc rất nhiều vào sự diễn giải của Bộ Thương mại Hoa Kỳ.

Thứ tư, việc xác định nước thay thế phức tạp và hầu như không bao giờ chính xác bởi các nước có nền kinh tế thị trường và các nước có nền kinh tế phi thị trường có nhiều điểm khác nhau. Mặc dù khái niệm nước thay thế nghe có vẻ khả thi, thực tế hầu như không thể so sánh được giữa nước thay thế và nước xuất khẩu. Vì thế, không thể xác định được mức giá thay thế chính xác trong quá trình điều tra chống bán phá giá.

Thứ năm, phương pháp sử dụng nước thay thế hoàn toàn không thể tiên liệu được. Đối với nhà sản xuất, họ hoàn toàn không biết và không dự liệu được phương pháp xác định giá thay thế của cơ quan quản lý về chống bán phá giá của Hoa Kỳ. Nhà xuất khẩu từ một nước có nền kinh tế phi thị trường không thể dựa vào bất cứ tiêu chuẩn nào khi xác định mức giá xuất khẩu để sản phẩm của họ sẽ không bị xem là phá giá.

Hơn nữa, các nhà sản xuất các sản phẩm tương tự tại nước thay thế thường là đối thủ cạnh tranh với các nhà xuất khảu và nhà sản xuất của nước xuất khẩu. Vì vậy, các nhà sản xuất hoặc nhà xuất khẩu tại nước thay thế thường không muốn cung cấp những thông tin có liên quan phục vụ công tác điều tra chống bán phá giá, hoặc họ có thể cung cấp những thông tin sai lệch gây bất lợi cho những nhà xuất khẩu đến từ nước có nền kinh tế phi thị trường.

Vụ kiện cá da trơn của Việt Nam, mà kịch bản sau đó có vẻ như được lặp lại trong vụ kiện tôm đông lạnh, đã cung cấp những bằng chứng chứng tỏ rằng phương pháp sử dụng nước thay thế là hoàn toàn không hợp lý. 

Trong các vụ kiện này, Bộ Thương mại Hoa Kỳ bị cho là đã lạm dụng thẩm quyền của mình khi họ sử dụng phương pháp nước thay thế để áp biên độ chống bán phá giá cao cho các nhà xuất khẩu Việt Nam. Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã kết luận rằng những dữ liệu sẵn có để giá và chi phí sản xuất tại Việt Nam là không đáng tin cậy. Vì thế, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã sử dụng dữ liệu của Bangladesh để xác định mức giá thông thường cho sản phẩm của Việt Nam vì Bangladesh được cho là có trình độ phát triển kinh tế giống với Việt Nam. Tuy nhiên, việc xác định giá trị thay thế của Bộ Thương mại Hoa Kỳ có rất nhiều nhược điểm.

Thứ nhất, không giống với các công ty bị điều tra ở Việt Nam, hai Cty tôm của Bangladesh không tự nuôi tôm.

Thứ hai, các dữ liệu của Bộ Thương mại Hoa Kỳ là do các Cty Bangladesh tự nguyện cung cấp chứ không xuất phát từ quá trình điều tra độc lập. Khi các Cty Bangladesh không cung cấp đủ các thông tin cần thiết phục vụ việc điều tra, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã sử dụng dữ liệu của các Cty Ấn Độ.

Với những lý do trên đây, chúng tôi cho rằng cần xóa bỏ sự phân biệt khái niệm nước có nền kinh tế thị trường và nước có nền kinh tế phi thị trường trong pháp luật về chống bán phá giá của Hoa Kỳ.

Đỗ Thành Công

Đọc thêm